Chuyện từ chiếc xe buýt hai tầng

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có báo cáo về hoạt động thí điểm xe buýt hai tầng (City Tour) trên một số tuyến đường trong thành phố. Báo cáo cho thấy, loại hình vận chuyển văn minh này chưa thu hút du khách và người dân.

Xe buýt hai tầng ở Hà Nội.

Báo cáo này dẫn thông tin của Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết, lượng hành khách tuyến City Tour trong tháng 7 vừa qua, trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt. Trong khi đó, xe buýt hai tầng này có sức chứa 80 người và giá thành khoảng 6 tỷ đồng/xe.

Xin được nhắc lại: Ngày 30/5, Hà Nội khai trương tuyến xe buýt hai tầng đầu tiên. Nó đi qua 25 phố với 13 điểm dừng, đưa khách đến 30 điểm tham quan của Thủ đô. Là “một sản phẩm du lịch” nên trên xe có trang bị hệ thống thuyết minh về các địa danh và dịch tự động sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuyến có 4 mức vé lần lượt là 650.000 đồng cho 48 tiếng, 450.000 đồng cho 24 tiếng, 300.000 đồng cho 4 tiếng và 196.000 đồng cho 2 tiếng.

Trên thế giới, việc xe buýt hai tầng (mui trần) đã có từ lâu. Việc Hà Nội đưa loại hình vận tải này vào hoạt động dịch vụ cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, điều đáng nói là với sự đầu tư lớn, thì hình thức kinh doanh cũng phải bài bản, thu hút khách sử dụng dịch vụ và nhìn chung là phải có lãi. Còn như tình hình đang diễn ra thì rất cần thiết phải xem xét lại, bởi các mục tiêu đặt ra không thực hiện được. Đó là nhà đầu tư lỗ, thành phố cũng không giới thiệu được rộng rãi vẻ đẹp với du khách tham quan bằng xe buýt loại sang.

Vậy, nguyên do từ đâu mà loại hình vận chuyển hành khách nội đô văn minh này lại chưa phát huy tác dụng? Câu hỏi này cần có câu trả lời vì không lẽ gì mới mở ra thí điểm không lâu lại dừng lại. Có được câu trả lời thì mới phát triển được nó.

Nguyên nhân vắng khách được cơ quan chức năng giải thích là do tuyến City Tour 01 là một sản phẩm du lịch, nên đối tượng phục vụ chính là du khách, vì thế cần thời gian xây dựng, quảng bá sản phẩm. Lý do nữa là số lượng xe ít (3 xe), thời gian chờ giữa các chuyến lớn (30 phút) nên chưa thu hút được người dân Thủ đô cũng như du khách trong nước, ngoài nước khi đến với Hà Nội. Lý do cuối cùng được cơ quan chức năng đưa ra là đơn vị thực hiện thí điểm chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, phải liên kết với doanh nghiệp khác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí cao. Đây có lẽ là nguyên nhân thực tế nhất khi mà mức phí được nhiều người cho là cao.

Tuy thế, thì Sở Giao thông Hà Nội vẫn cho đơn vị khác tiếp tục mở tuyến buýt tương tự. Theo Sở này, việc đưa tuyến City Tour 02 vào vận hành cùng tuyến City Tour 01 sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp thêm dịch vụ cho hành khách lựa chọn.

Chuyện từ chuyến xe buýt hai tầng phục vụ du khách tham quan nhiều đường phố Thủ đô vắng khách khiến người ta nghĩ lại về cung cách hoạt động du lịch của thành phố. Trong tư cách là Thủ đô, Hà Nội luôn thu hút người từ nơi khác đến. Không chỉ là người nước ngoài, mà người các địa phương khác trong cả nước đều muốn một lần trong đời về Thủ đô. Vậy thì Hà Nội phải làm sao để đáp ứng được sự trông cậy của mọi người.

Nhưng trên thực tế, tới nay khu trung tâm thành phố có rất ít điểm tham quan, du lịch. Người từ nơi khác đến thường không ở lại lâu, mà coi như điểm “trung chuyển” để đi tới những nơi danh lam thắng cảnh khác. Người thì đi Hạ Long, người đi Tam Đảo, người lên Sa Pa... Còn người Hà Nội những dịp nghỉ lễ ngắn ngày lại thường rủ nhau hoặc là về quê, hoặc là ra ngoại thành. Lên Ba Vì, lên Sóc Sơn, đi Đại Lải... Thực tế ấy cần được nhìn nhận để có hướng giải quyết. Có nghĩa là làm sao để trung tâm thành phố có nhiều điểm tham quan thú vị.

Nhân đây cũng xin được nói chút ít về những công viên lâu đời của Hà Nội. Đó là Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, khu Bách Thảo cũ. Đây là những không gian thiên nhiên tuyệt đẹp, với nhiều loại cây, với hồ nước, với núi đất thấp. Nhưng do khai thác không tốt nên lượng khách tới nghỉ ngơi, thăm thú cũng thưa thớt. Chỉ có những ngày nghỉ lễ, lượng người từ các địa phương lân cận về thăm Thủ đô thì những nơi này mới đông đúc, còn những ngày khác khá vắng vẻ.

Người Hà Nội gần đây thích đưa con cháu vào siêu thị hơn là vào công viên, vì trong siêu thị có nhiều dịch vụ, có nhiều chỗ chơi cho trẻ nhỏ. Thế là các cháu càng ngày càng xa thiên nhiên mà lại gần hơn với những căn nhà khép kín. Thay vào việc hồn nhiên tung tăng giữa thiên nhiên thì các cháu lại đến với những trò chơi mang nặng tính máy móc, công nghệ.

Lỗi không phải ở những đứa trẻ, cũng không phải ở cha mẹ chúng. Người ta có quyền chọn lựa dịch vụ cho “xứng với đồng tiền bát gạo”. Ít chỗ thăm thú vui chơi, dịch vụ lại không tốt, nên đã dẫn tới sự lựa chọn vào chơi... siêu thị.

Vậy mới nói, chuyện của những chiếc xe buýt hai tầng vắng khách không dừng lại ở bản thân nó, mà rộng ra là làm gì để các hoạt động vui chơi, thăm thú của Hà Nội được tốt hơn. Không chỉ người Hà Nội trông chờ điều đó, mà là người cả nước, người nước ngoài mỗi khi có dịp đến với Hà Nội.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chuyen-tu-chiec-xe-buyt-hai-tang-tintuc421149