Chuyện từ các lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Trước đây, bởi nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội mang nặng tính chất hỗ trợ, nhiều chính sách 'cho không' nên người dân Ba Chẽ luôn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Rất nhiều gia đình quyết đấu tranh để được vào diện hộ nghèo. Thậm chí, đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế gia đình phát triển vẫn kiên quyết không ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, mọi thứ đã thay đổi theo hướng tích cực, bất ngờ.

Đàn gà giúp gia đình chị Phạm Thị Huệ phát triển kinh tế.

Đàn gà giúp gia đình chị Phạm Thị Huệ phát triển kinh tế.

Gia đình chị Phạm Thị Huệ, thôn Tân Tiến trước kia là một trong những hộ nghèo của xã Đồn Đạc. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng chưa tiếp cận được phương pháp nuôi trồng khoa học, chị liên tiếp gặp thất bại hết lần này đến lần khác, vốn liếng không thể thu hồi. Cái nghèo, cái khó cứ thế bám riết lấy chị. Năm 2018, xét trên nhiều tiêu chí, gia đình chị Phạm Thị Huệ vẫn chưa đủ nằm trong diện thoát nghèo.

Thế nhưng, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, vợ chồng chị quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Lý do đơn giản chỉ là "thoát nghèo để còn có động lực mà làm kinh tế". Nói là làm, vợ chồng chị đăng ký được hỗ trợ chăn nuôi lợn đàn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ xã, chị Huệ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi gà, trồng mía, đến nay đời sống gia đình chị dần khấm khá.

Mô hình trồng cây cát sâm, trà hoa vàng, ổi đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, thôn Loỏng Toỏng thoát nghèo.

Gia đình chị Huệ là một trong 44 hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo của xã Đồn Đạc năm 2018 (địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện). Có thể nói, 44 lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo ấy chính là 44 tấm gương sáng lan tỏa trong toàn huyện, phá vỡ sức ỳ không muốn thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và các tổ chức xã hội nhiều năm nay của người dân.

Trở về từ lớp tập huấn đào tạo nghề ươm cây giống do Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức, chị Lục Thị Hoan, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn đã mạnh dạn vay vốn làm vườn ươm, chủ yếu là cây keo, quế. "Trước năm 2019, gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo. Vốn không có, kỹ năng, kinh nghiệm đều không, dù muốn thoát nghèo nhưng chúng tôi cũng không biết làm cách nào. Năm 2019, được tham gia học nghề, tôi đã ấp ủ ý định đầu tư để thoát nghèo. Vì thế, khi trưởng thôn vận động, vợ chồng tôi đã viết đơn xin thoát nghèo, vì mình cũng chẳng thể trông mong Nhà nước cho mình mãi được, phải tự mình làm, tự mình vươn lên thôi" - chị Hoan chia sẻ.

Lớp dạy nghề cơ điện do Phòng LĐ,TB&XH phối hợp với Trường đào tạo nghề Than - Khoáng sản tổ chức tại xã Thanh Sơn, tháng 8/2020.

Năm 2018, Ba Chẽ có 104 hộ viết đơn xin tình nguyện thoát nghèo. Năm 2019, 55 hộ viết đơn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm mạnh, từ 34,7% năm 2016 xuống còn 2,13%, năm 2019. Tính đến 30/6/2020, toàn huyện đã giảm được 33 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 2,13% xuống còn 1,51%; mục tiêu phấn đấu hết năm 2020 sẽ giảm được 66 hộ nghèo, 150 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 1%.

Hiện tại, theo chính quyền địa phương, các hộ nghèo còn lại chủ yếu là các gia đình có người già neo đơn, người khuyết tật, sống phụ thuộc, nên việc thoát nghèo sẽ gặp khó khăn hơn.

Vườn ươm của gia đình chị Lục Thị Hoan, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, Ba Chẽ.

Để đạt được mục tiêu này, Ba Chẽ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo. Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy Ba Chẽ đã chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; phân công các đồng chí Ủy viên BTV, BCH các cấp phụ trách từng lĩnh vực, từng xã, từng thôn, khu phố.

Bên cạnh đó, BTV Huyện ủy chỉ đạo lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với Chương trình 135 và Chương trình xây dựng NTM; ban hành các nghị quyết liên quan. Các nghị quyết được triển khai là một minh chứng khẳng định cách làm mới đầy sức sáng tạo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ vai trò Đảng lãnh đạo, dân thực hiện.

Mô hình nuôi bò đem lại thu nhập cao cho một hộ dân ở thôn Nam Hả Ngoài, xã Nam Sơn, Ba Chẽ.

Bà Lê Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Để người dân thoát nghèo bền vững, không tái nghèo, không phát sinh hộ nghèo mới, huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ có điều kiện, cho vay vốn lãi suất thấp, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho người dân. Thay vì hỗ trợ cho người dân cây, con, giống thì nay chỉ cần hướng dẫn họ áp dụng tiến bộ, KHKT vào các mô hình phát triển sản xuất, chú trọng việc phát triển trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn để họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ đó, người dân có ý thức và động lực để thoát nghèo.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/chuyen-tu-cac-la-don-xin-ra-khoi-ho-ngheo-2498479/