Chuyện từ bức ảnh 'o du kích nhỏ'

Nhân đọc cuốn 'Chiến tranh Việt Nam qua ảnh' tôi phát hiện ra còn có một bức ảnh cô gái Việt Nam áp giải phi công Mỹ tương tự bức 'O du kích nhỏ' của nhiếp ảnh gia Phan Thoan.

Bức ảnh này có tựa đề “Bắt tù binh” (Taken prisoner), còn có tên khác là “Cô gái trẻ bắt tù binh” (Young Captor) và lời chú thích: “Trung úy Gerald Santo Venanzi bị một cô gái Việt Nam áp giải. Venanzi là phi công lái máy bay bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam ngày 17 tháng 9 năm 1967 và ngồi tù hơn 6 năm”. Đây cũng là một bức ảnh nổi tiếng trong hồ sơ lưu trữ “Hulton Archive/Getty Images” – bộ sưu tập ảnh về lịch sử Hoa Kỳ qua các thời kì từ đầu thế kỉ 19 sang thế kỉ 20. Chỉ tiếc là chúng ta chưa biết được cô du kích trong ảnh là ai.

Một giáo sư Mỹ dắt tay tác giả bài viết Nguyễn Thị Minh Phương bước xuống cầu thang Ảnh: GS Võ Văn Tới

Một giáo sư Mỹ dắt tay tác giả bài viết Nguyễn Thị Minh Phương bước xuống cầu thang Ảnh: GS Võ Văn Tới

Bức ảnh “Bắt tù binh” gợi lại kỉ niệm trong tôi về chuyến làm việc với các nhà khoa học Mỹ và bức ảnh tôi chụp cùng một giáo sư Mỹ năm 2004.

Tháng giêng năm đó, tôi được giáo sư Võ Văn Tới, người đặt nền móng cho ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam, mời làm phiên dịch cho một đoàn công tác gồm các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ và các trường đại học hàng đầu ở Mỹ trong lĩnh vực này, sang làm việc tại Hà Nội. Năm đó, tôi mới được chẩn đoán bị mắc phải căn bệnh “thoái hóa sắc tố võng mạc”. Đây là một căn bệnh hiếm trên thế giới chỉ có 20 triệu người mắc phải. Căn bệnh làm cho thị trường (nhìn) thu hẹp, dị ứng ánh sáng và thị lực suy giảm. Vì thế việc đi lại không dễ dàng và tôi luôn cần người trợ giúp, nhất là ở nơi ánh sáng quá mạnh và sàn nhà quá bóng.

O du kích nhỏ Ảnh:Phan Thoan: Nguồn: Wikipedia tiếng Việt

Đoàn các nhà khoa học tổ chức hội thảo về công nghệ y sinh tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số viện nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô. Đi đến đâu tôi cũng được các thành viên trong đoàn giúp đỡ. Đó là điều an ủi lớn nhất khi tôi biết căn bệnh này không thể chữa được, nhưng tôi vẫn làm việc và có ích cho đời khi quanh mình là những người đầy lòng nhân ái.

GS Võ Văn Tới chụp được tấm hình một giáo sư Mỹ dắt tay tôi bước xuống cầu thang. Vị giáo sư khi đó đi rất chậm và nhìn tôi có chút lo lắng. Khi đem bức ảnh này cho sinh viên của Khoa Ngoại ngữ – nay là Viện Ngoại ngữ, thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi tôi giảng dạy thời gian đó xem, các em đã thốt lên: Cô ơi bức ảnh này đối ngược với bức ảnh “O du kích nhỏ”. Có thể nói bức ảnh của cô và ông giáo sư Mỹ là “Biểu tượng của thời bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ”.

Minh Phương chụp từ cuốn “Chiến tranh Việt Nam qua ảnh” - không đề tác giả

Bạn đọc Việt Nam quá quen thuộc với bức ảnh “O du kích nhỏ” của nhiếp ảnh gia Phan Thoan. Ban đầu bức ảnh có tên là “Uy thế không lực Hoa Kỳ” và còn có những cái tên khác như “O du kích nhỏ”, “Giải giặc lái Mỹ” hay “O du kích nhỏ và tên giặc lái Mỹ”. Cô du kích trong ảnh áp giải viên phi công William Andrew Robinson là chị Nguyễn Thị Kim Lai ở thị trấn Hương Khê, Nghệ Tĩnh. Ngày 20 tháng 9 năm 1965, dân quân tự vệ bắn rơi máy bay F4H, chị Lai là người phát hiện ra viên phi công đó đang bị mắc trong đám dây dù và chị gọi đồng đội đến hỗ trợ. Nhà thơ Tố Hữu đã vịnh bức ảnh với 4 câu thơ nổi tiếng:

O du kích nhỏ giương cao súng.

Thằng Mỹ lênh khênh bước

cúi đầu.

Ra thế! To gan hơn béo bụng.

Anh hùng đâu cứ phải mày râu!

Khoảng 700 tù binh Mỹ bị giam giữ tại Hỏa Lò cuối những năm 60, đầu thập kỉ 70, chắc chắn có rất nhiều cô du kích như chị Lai, như cô gái trong bức hình “bắt tù binh”, nhưng ta đã không ghi lại được hình ảnh của họ.

Sau này tôi được biết ông giáo sư viết tặng tôi một bài thơ có tựa đề “Hà Nội”. Ông viết tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi rời Hà Nội.

HANOI

Phuong holds my arm.

I help her see

obstacles - but really

she guides me.

We lean on one another.

Americans and Vietnamese

find each other

Hanoi

all disabled,

we rehabilitate each other.

dsc

Ho Chi Minh City, Vietnam

January 15, 2004

Bản dịch:

HÀ NỘI

Phương vịn tay tôi,

Tôi giúp em thấy đường

Nhưng em mới thực là người

dẫn lối

Em và tôi,

Gặp nhau giữa lòng Hà Nội,

Ta tựa vào nhau,

Mỹ - Việt, hai bên đều đã khổ đau

Ta chung tay xây lại từ đầu.

dsc

TP Hồ Chí Minh, 15/1/2004

Gần 20 năm qua, biết bao người như ông đã dắt tay tôi qua những ngày gian khó. Tôi luôn biết ơn họ và đất nước này. Thật thú vị và tình cờ, tôi là nhân vật trong bức ảnh được các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội gọi là “Biểu tượng của thời kì bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ” và gợi nhớ trong các em hình ảnh “o du kích nhỏ” thời chiến tranh. Bài thơ Hà Nội luôn làm tôi xúc động. Tôi không biết tên tác giả vì giáo sư chỉ đề mấy chữ viết tắt “dcs” cuối bài thơ. Những gì tôi nhận được từ người Mỹ là lòng nhân ái, là tình người, là những cử chỉ nhân văn... Thế mà trước đó không lâu, hai quốc gia đã từng là kẻ thù. Thế hệ chúng tôi trải qua tuổi thơ bom đạn, đói khát, chết chóc, hiểm nguy. Tôi lại ước: giá mà không có chiến tranh...

Cambridge,

26/11/2020

Ngày Lễ tạ ơn.

-------

(*)Tác giả đang làm việc tại Bộ môn Ngôn ngữ học đương đại, Văn hóa và Văn học, Đại học Massachusetts, Boston.

nguyễn Thị Minh Phương (*)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chuyen-tu-buc-anh-o-du-kich-nho-1756565.tpo