Chuyện 'tu' biển

Ở một số tỉnh miền Trung, có ngư dân mỗi khi bị hoạn nạn trên biển, khi trở về thì cạo đầu như một vị chân tu.

 Vụ tàu cá của ngư dân Phạm Tiết bị chìm, chỉ có 1 ngư dân cạo đầu “tu”.

Vụ tàu cá của ngư dân Phạm Tiết bị chìm, chỉ có 1 ngư dân cạo đầu “tu”.

Thời điểm cạo đầu, có người ăn chay 1 tháng, có người không tham gia vào các cuộc vui bia rượu và nói rằng “mình đang tu”. Tu có nghĩa là bỏ biển? Nhưng khi tóc mọc đều thì những người từng trải qua nỗi kinh hoàng vẫn tiếp tục trở về với biển khơi.

Đại nạn là... tu

Cuối tháng 5/2006, làng chài xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và làng chài xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi dậy sóng vì tin dữ từ ngoài khơi. Cả đoàn tàu bị cơn bão đột ngột chuyển hướng.

Cơn bão có tên Chan Chu khi đột ngột bẻ ngoặt hướng di chuyển đã trở thành lưỡi hái của tử thần, khiến hàng chục tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam và cả ngư dân Trung Quốc bị đánh đắm. Làng chài xã Bình Minh có 87 người đàn ông bỏ mạng, còn làng chài xã Nghĩa An có 23 người đàn ông vĩnh viễn nằm lại với biển cả.

Các cụ già ở các làng biển giải thích từ tu của các ngư dân bị nạn mỗi nơi một khác. Nhưng có nơi cho rằng, từ tu của ông cá cũng ảnh hưởng đến hành động của ngư dân trẻ.

Bên cạnh đó là các ngư dân muốn thể hiện họ đã trải qua cửa tử trên biển, nhờ các bậc thần linh, ông bà che chở và không biết lấy gì báo đáp, ngoài việc cạo đầu để thể hiện sự biết ơn.

Người dân làng chài không thể nào quên hình ảnh những con tàu từ ngoài khơi trở về bến, những người đàn bà chạy dọc theo triền cát rồi ngã dúi dụi, nước mắt lẫn với mồ hôi và nước mặn.

Những người phụ nữ này chạy không bén gót chân vì muốn tận mặt xem trên những chiếc tàu tìm kiếm ngư dân gặp nạn về bến thì có ai còn sống.

Thỉnh thoảng trong đám đông phụ nữ đó có bàn tay giơ cao cùng với tiếng kêu “nó còn sống, nhìn đen thui, ốm nhách kia kìa”.

Những ngư dân đen thui và ốm nhách khi trở về đã bất thần trở thành một ngư dân chân tu - đầu cạo trọc, ánh mắt chậm rãi, ăn nói nhỏ nhẹ, không uống rượu bia, không bước ra biển, gò bó cuộc sống trong ngôi nhà lặng lẽ đi ra, đi vào.

Những ngư dân này không giải nghĩa hết chuyện vì sao cạo trọc đầu, chỉ nói đơn giản là “chuyến này tôi tu”.

Vậy tu thì bỏ biển luôn à? Tôi hỏi câu theo kiểu lô gíc vấn đề thì nhiều ngư dân đầu cạo trọc lại lắc đầu nhè nhẹ và nói, tu cỡ 1 tháng, 2 tháng rồi lại đi biển đánh cá.

Những ngư dân lớn tuổi cạo trọc đầu thì giải thích từ “tu” theo nghĩa rộng hơn, có nghĩa là suýt bỏ mạng trên biển, nhưng nhờ ông bà cứu độ nên may mắn sống sót trở về, bây giờ quyết định cạo đầu để tưởng nhớ những vị thần linh, ông bà đã ra tay cứu mạng, đồng thời qua đó sẽ sống những ngày thanh bạch như một vị sư sãi, không làm điều ác, không nói chuyện xằng bậy, không sát sanh thú vật… để tâm trong sạch và nghĩ về cuộc sống.

Tu bằng hành động

Chuyện tu sau chuyến đại nạn không phải ngư dân nào cũng áp dụng. Câu chuyện về chàng ngư dân Nguyễn Văn Lộc, quê ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi đi đánh cá bị chìm tàu rồi bị trôi trong bão tố suốt 24 tiếng đồng hồ.

Vụ đại nạn đó xảy ra vào cuối tháng 12/2015, năm đó anh 27 tuổi. Lúc trôi trên biển, Lộc nghĩ ngợi nếu còn sống sẽ từ giã nghề biển đầy xui rủi.

Suốt nhiều giờ trôi nổi trên biển, anh Lộc bẻ vụn phao nhét dưới áo nên người tự nổi và trôi dạt vào bờ biển phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, giáp với tỉnh Bình Định.

Khi sống sót trở về thì anh Lộc không cạo đầu. Khi ngồi nói chuyện về những thay đổi sau chuyến đại nạn, anh cho hay, “em không cạo đầu như các ngư dân khác, nhưng em thường khuyên can mọi người là phải biết yêu thương nhau, không cự cãi gây mất đoàn kết, không nên bỏ thức ăn thừa, vì lúc trôi trên biển và giữa sự sống, cái chết thì một cọng rau muống trôi nổi cũng trở nên hết sức quý giá”.

Cá ông dạt vào bờ được ngư dân ở làng chài xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gọi bằng từ đưa ông “đi tu”.

Thông thường, những ngư dân cạo đầu và tuyên bố “tu” thường là thanh niên trẻ tuổi. Họ mang nặng trong đầu ký ức đau thương hay hãi hùng, vì vậy muốn cạo hết tóc để có cảm giác thanh thản, mong không bao giờ lặp lại cung đường thần chết đó thêm một lần nữa.

Có một vụ tai nạn của ngư dân tỉnh Bình Định và cả tàu cá hàng chục ngư dân bị nạn, nhưng chỉ có một thanh niên trẻ cạo đầu để “tu”, sau đó ít lâu thì anh quay trở lại với biển.

Vụ việc này xảy ra vào lúc 14h ngày 9/1, tại vùng biển Hoàng Sa (tọa độ 16 độ 33 phút vĩ độ Bắc – 113 độ 44 phút kinh Đông).

Các ngư dân thuật lại, có một chiếc tàu vận tải lớn liên tục hướng mũi về tàu gỗ BĐ 95027 TS, sau đó đâm vào phần dây kéo dài của chiếc dù chống trôi tàu thả trước mũi. Chiếc tàu của ngư dân bị bừa đi một đoạn, sau đó chìm nghỉm. Con tàu vận tải lặng lẽ bỏ đi.

Ông Phạm Tiết, thuyền trưởng đã nhanh tay mở máy Icom thông báo về tọa độ tai nạn, sau đó được tàu cá BĐ 97370 TS của ngư dân Nguyễn Minh Thi đến cứu vớt.

Ngư dân Nguyễn Cường bị mất tích trước khi có tàu đến cứu. Trên tàu bị chìm có 3 cha con thuyền trưởng là Phạm Tiết, Phạm Đình Thắng, Phạm Đình Thắng Em. Sau khi từ biển khơi trở về, ông Tiết thì ủ rũ rồi suốt ngày chạy gởi đơn cho các cơ quan chức năng, nhờ truy tìm chiếc tàu gây tai nạn và trước lúc tàu chìm, ông Tiết kịp ghi số IMO của tàu vận tải hiện chuỗi ký hiệu trên máy định dạng là 009115092, Korea Maiconrent, DSC X3. Còn người con trai lớn của ông Tiết là Phạm Đình Thắng thì lủi thủi ra tiệm để cắt tóc ngắn như thầy tu.

Cá ông đi tu

Ở các làng chài miền Trung thường có 1 lăng thờ thần Nam hải đại tướng quân. Đó là nơi các ngư dân tổ chức thờ cá Ông dạt vào bờ.

Loại cá mà ngư dân gọi là cá Ông thì có nhiều loại. Đó là cá heo, cá voi… Thông thường, bộ xương được ngư dân thờ nhiều nhất là cá heo. Mỗi khi cá heo dạt vào bờ và nằm chờ chết, các ngư dân chạy ra biển và gọi nhau “ông lụy vô bờ, cá ông đi tu”.

Những người già trong làng giải nghĩa chuyện cá đi tu có nghĩa là khi sức khỏe cá yếu thì ông vô bờ để mong được chôn cất. Nhưng chuyện chôn cá gắn với từ tu như thế nào thì nhiều người không giải nghĩa được.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện 'tu' biển tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-tu-bien-d260837.html