Chuyện trụ điện cao thế từ… trên trời rơi xuống (!)

Vị trí đang có 1 trụ điện cao thế số 106 dự án Đường dây 220-110kV Cầu Bông – Bình Tân được Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 18-6-2008 và từ đầu 10-2016, thuộc quyền sở hữu của bà Trịnh Thị Kim Huệ.

Tìm đến Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh một ngày trung tuần tháng 5-2018, bà Trịnh Thị Kim Huệ (ngụ phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) bức xúc cho biết, khi phát hiện ra trụ điện bề thế ngay trên đất của mình, gia đình bà không muốn tin vào mắt mình nữa. “

Chúng tôi chạy đến UBND xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) hỏi thăm thì được một lãnh đạo xã xác nhận đó đúng là trụ điện nằm trong dự án Đường dây 220-110kV Cầu Bông – Bình Tân”, bà Huệ kể thêm.

Bất ngờ xuất hiện công trình

Theo xác minh của PV Báo CAND, vị trí đang có 1 trụ điện cao thế số 106 dự án Đường dây 220-110kV Cầu Bông – Bình Tân được Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 18-6-2008 và từ đầu 10-2016, thuộc quyền sở hữu của bà Trịnh Thị Kim Huệ.

“Thú thật từ ngày sở hữu miếng đất, chúng tôi ít lui tới. Đầu năm 2018, khi đến thăm đất chuẩn bị cho kế hoạch làm ăn thì chúng tôi bất ngờ phát hiện có một trụ điện hoành tráng mọc ngay giữa đất mình. Ban đầu, nghe cán bộ xã nói đó là hạng mục thuộc một dự án của Nhà nước đầu tư, tôi không tin bởi tôi là chủ đất sao không hề được ai thông báo về dự án, cũng không được họp hành, được tiền đền bù, hỗ trợ gì cho phần đất để xây trụ điện”, bà Huệ kể.

Càng bất ngờ hơn, vào thời điểm tháng 7-2017, dự án Đường dây 220-110kV Cầu Bông – Bình Tân chưa hoàn tất công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chủ đầu tư – Ban QLDA lưới điện TP Hồ Chí Minh (Tổng Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh) đã giao cho Công ty xây lắp điện I thi công một số vị trí móng trụ (ép cọc).

“Khi đó, xe cơ giới vận chuyển vật tư ra vào, tập kết vật tư tại đê bao Kênh Mới và bờ bao kênh Xáng gây nguy cơ sạt lở rất lớn nên Chủ tịch UBND xã chủ trì 2 lần họp (vào ngày 3 và 8-8-2017) yêu cầu chủ đầu tư cho tạm ngưng thi công các móng trụ của dự án nằm trên địa bàn xã; đồng thời có văn bản đề nghị UBND huyện yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công dự án này tới khi hoàn tất công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ; cũng như cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý, hồ sơ thiết kế được duyệt, lệnh khởi công giấy phép thi công, có kèm theo phương án, biện pháp an toàn khi thi công các hạng mục trên bờ bao sông, kênh rạch”, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Nguyễn Ngọc Trinh cho biết.

“Văn bản nêu rõ như thế nhưng thật lạ lùng, hạng mục trụ điện cao thế 106 vẫn được tiếp tục thi công cho tới ngày chúng tôi phát hiện thì ở tình trạng… gạo đã thành cơm”, ông Nguyễn Văn Phúc (người nhà bà Huệ), có đất liền kề với mảnh đất của bà Huệ cho biết thêm.

Theo lời ông Phúc, chính việc “đi ngang, về tắt” không đúng quy định pháp luật của chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã khiến vụ việc trở nên phức tạp.

“Trước khi chúng tôi có đơn đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ trụ điện… từ trên trời rơi xuống này, chính quyền xã và huyện đã nhiều lần tổ chức họp với các bên có liên quan. Tuy nhiên, vụ việc kéo dài 5 tháng qua vẫn chưa đi đến hồi kết”, ông Phúc nói.

 Trụ điện cao thế 106 được thi công xong mà chủ đất không hề được biết.

Trụ điện cao thế 106 được thi công xong mà chủ đất không hề được biết.

Nhầm lẫn, sơ suất rồi bắt dân chịu (?!)

Trong quá trình đi tìm hiểu về cơ sở pháp lý đối với hạng mục vị trí trụ điện cao thế số 106 của dự án này, PV Báo CAND phát hiện có khá nhiều điều bất thường.

Trong Văn bản số 1294/ALĐ-DA3 được ban hành vào tháng 4-2018 (không ghi ngày) mà chúng tôi có trong tay, ông Lê Viết Toản, Giám đốc Ban QLDA lưới điện TP Hồ Chí Minh – người ký văn bản vừa kể, thừa nhận việc vận động người dân bàn giao mặt bằng trong khi chưa có phương án bồi thường được duyệt đã được chính quyền chấp thuận.

Đến công đoạn xác định chủ đất bị ảnh hưởng hạng mục trụ 106, ông Toản cho biết, ngày 9-5-2017, UBND xã Tân Hiệp xác nhận đó là phần đất của ông Nguyễn Văn Tấn. Thế nhưng đến ngày 13-9-2017, UBND xã lại có văn bản khác xác định lại chủ đất là ông Nguyễn Văn Phúc (em bà Huệ).

Trong khi đó, vào các ngày 20, 21 và 22-6-2017, người ký tên vào biên bản đồng ý giao mặt bằng tại vị trí đất mà xã xác định của ông Phúc lại là ông Trương Quốc Cường – một người không bà con thân thuộc họ hàng gì với chủ đất.

Đến ngày 23-6-2017, ông này tiếp tục ký vào biên bản tạm nhận tiền đền bù (có xác nhận của UBND xã).Bốn ngày sau đó, đại diện UBND xã Tân Hiệp xác nhận vào biên bản bàn giao mặt bằng thi công. Và nhà thầu đã triển khai thi công đào móng từ ngày 29-6-2017 đến ngày 12-11-2017, hoàn thành công tác dựng trụ.

“Sau khi trụ 106 thi công hoàn thành, cụ thể vào ngày 16-1-2018, ông Cường có đơn trình bày rằng phần đất tại vị trí trụ 106 là của bà Trịnh Thị Kim Huệ chớ không phải… của ông Phúc.

Ông Cường cũng thừa nhận việc ông ký tên vào các biên bản bàn giao mặt bằng cũng như nhận tiền hỗ trợ từ phía nhà thầu thi công là do ông tự làm, không hề được chủ đất ủy quyền”, Giám đốc Lê Viết Toản cho biết.

Trong văn bản, ngoài việc cho rằng chính quyền xã Tân Hiệp bị “nhầm lẫn” trong việc xác minh chủ sử dụng thửa đất bị ảnh hưởng trụ điện 106, Giám đốc Ban QLDA Lưới điện TP Hồ Chí Minh thừa nhận đơn vị mình có “sơ suất” trong việc giám sát nhà thầu thi công trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, dẫn đến việc vận động, chi trả tiền không đúng chủ sử dụng đất.

Về phương án xử lý trụ điện “từ trên trời rơi xuống” này, bà Huệ cho biết, trong nhiều lần họp có sự tham gia của chính quyền địa phương và Ban QLDA lưới điện thành phố, bà và người nhà đều thống nhất đề nghị chủ đầu tư cho tháo dỡ trụ điện, trả lại hiện trạng đất của người dân; nếu không, người dân sẽ tự tháo dỡ, chủ đầu tư trả lại chi phí tháo dỡ.

“Tại cuộc họp gần đây nhất (ngày 2-4 vừa qua - PV), chúng tôi tiếp tục đề nghị chủ đầu tư có câu trả lời thuyết phục trong vòng 15 ngày. Thế nhưng, cho tới ngày 11-5 vừa qua, phía chủ đầu tư lại có văn bản trả lời chẳng khác gì so với lần trả lời trước đó rằng không thể dịch chuyển trụ điện 106 vì nếu vậy sẽ khác…. thiết kế và quy hoạch được duyệt (?).

Nếu nói như vậy thì chẳng khác gì chủ đầu tư đặt người dân chúng tôi vào thế phải chấp nhận chuyện đã rồi do chính sự sơ suất của họ gây ra?”, bà Huệ bức xúc nói.

“Nếu chủ đầu tư không sớm đạt được sự thống nhất việc khắc phục hậu quả một cách thỏa đáng hợp tình, hợp lý với người dân, chắc chắn trụ 106 sẽ gây ảnh hưởng đến toàn tuyến. Đây là điều không ai mong muốn bởi do đây là dự án sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, thuộc tài sản của Quốc gia”, một cán bộ có trách nhiệm băn khoăn.

Qua xác minh của PV Báo CAND ngày 16-5, chủ đầu tư từng đề nghị đơn vị tư vấn xem xét phương án dịch chuyển trụ. Tuy nhiên qua tính toán, đơn vị tư vấn kiến nghị không thay đổi vị trí trụ 106 do hướng tuyến và tọa độ vị trí trụ đã được chúng quyền, ngành chức năng huyện và thành phố thỏa thuận, thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện.

“Việc dịch chuyển trụ 106 sẽ làm thay đổi vị trí hành lang lưới điện đoạn từ trụ 105 – 106 và từ trụ 106 – 107, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân khác, đặc biệt là hành lang tuyến. Hơn nữa, trụ 106 là trụ néo góc, 2 trụ lân cận (105 và 107) cũng đã được thi công hoàn thành.

Vị trí trụ 105 đã được UBND huyện Củ Chi thực hiện hoàn tất bồi thường, bàn giao cho ngành điện thi công, kéo dây, chờ đấu nối vào trụ 106 và các trụ trên địa bàn xã Tân Hiệp. Do đó, vị trí 105, 106, 107 không thể dịch chuyển khác thiết kế và quy hoạch được duyệt”, ông Nguyễn Chí Tuấn, Q. Giám đốc Ban QLDA lưới điện TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Binh Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/chuyen-tru-dien-cao-the-tu-tren-troi-roi-xuong-491667/