Chuyện tình trắc trở vào đời nhà Trần trong Chuyện nàng Thúy Tiêu

Chuyện nàng Thúy Tiêu kể về mối tình sâu sắc giữa chàng Dư Nhuận Chi và nàng Thúy Tiêu. Dư Nhuận Chi hay thơ, giỏi về sáng tác bài hát. Thúy Tiêu xinh đẹp, biết hát. Nhưng cuộc tình giữa hai người đã phải trải qua sóng gió.

Để đến được với nhau, Thúy Tiêu và Dư Nhuận Chi phải qua bao sóng gió. (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Để đến được với nhau, Thúy Tiêu và Dư Nhuận Chi phải qua bao sóng gió. (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Chuyện nàng Thúy Tiêu là truyện trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Diễn biến câu chuyện được kể vào cuối đời Thiệu Phong nhà Trần, tức thời vua Trần Dụ Tông trị vì. Ông ở ngôi 28 năm từ năm 1341 đến năm 1369.

Vua Trần Dụ Tông được Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó”.

Chuyện nàng Thúy Tiêu không miêu tả nhiều thời thế khi đó, mà chỉ xoay quanh về mối tình của Dư Nhuận Chi (sau đây sẽ gọi là Dư hoặc Sinh) và Thúy Tiêu. Dư người đất Kiến Hưng (theo chú thích, Kiến Hưng vào thời Trần Hồ là phủ, gồm đất các huyện ý Yên, Thiên Bản, Độc Lập, Đại Loan, Vọng Doanh, tương đương với các huyện ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng Nam Định ngày nay).

Dư hay thơ, giỏi làm bài hát, nức tiếng kinh kỳ, phường hát bội thường đến đưa tiền biếu xin lấy bài hát. Một hôm có việc, Dư đến gặp quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn (theo chú thích, 1289-1368 hoặc 1370; người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đỗ Hoàng giáp khoa thi Thái học sinh đời Trần Anh Tông (1293-1314), từng đi sứ nhà Nguyên năm 1314, giữ những chức vụ quan trọng dưới thời Trần Minh Tông (1314-1329).

Ông Nguyễn tiếp đãi Dư, rồi sai mười mấy con hát ra hầu múa, trong đó có Thúy Tiêu, rất xinh đẹp. Ông Nguyễn nói đùa Dư thích ai thì lấy người đó. Sau Dư để ý Thúy Tiêu. Dư uống say, đêm khuya tỉnh dậy thì thấy Thúy Tiêu bên cạnh.

Dư cảm ơn ông Nguyễn rồi dẫn Thúy Tiêu về Kiến Hưng. Từ đó, hai người cùng đọc sách, Thúy Tiêu học hỏi cũng biết làm thơ không kém gì Dư. Năm 1358, Dư lên kinh đi thi, dẫn cả Thúy Tiêu, trọ ở phố Hàng Vóc. Ngày mùng một đầu năm, Thúy Tiêu cùng mấy bạn gái đi chùa tháp Báo Thiên.

“Bấy giờ có quan Trụ quốc họ Thân ngầm đi chơi phố, trông thấy Thúy Tiêu đẹp, bắt, cướp đem về làm của mình. Sinh làm đơn kiện tận triều đình, nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn, các tòa các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử. Sinh đau buồn lắm bèn chẳng thiết gì thi cử nữa. Một hôm Sinh thủng thỉnh đi chơi ngoài phố, gặp đám người cưỡi ngựa đi xem hoa về, tiền hô hậu ủng rất oai vệ, trên đường thì trâm thoa rơi rắc, hồng tía tơi bời, sau cùng thấy Thúy Tiêu ngồi trên một chiếc kiệu căng riềm lụa hoa, đi qua dưới rặng liễu. Sinh muốn chạy đến than thở, nhưng thấy những người cùng đi với nàng đều là bậc quyền quý, không dám đường đột chỉ đắm đuối nhìn và ứa hai dòng lệ, không nói được một lời nào”.

Dư buồn mà bỏ thi. Thúy Tiêu trước có nuôi đôi chim yểng, Dư liền nhờ chim yểng đưa thư kể rõ nỗi buồn mất vợ. Nhận được thư, Thúy Tiêu đáp lại cũng rất buồn: “Nỗi lòng trăm mối vò tơ/ Thư dài đến mấy vẫn chưa hết lời”. Từ đó, Thúy Tiêu sinh ốm, quan Trụ quốc nói dối sẽ cho Dư và Thúy Tiêu gặp nhau, nhưng nói mà không làm.

Sau do yêu chiều Thúy Tiêu mà cho Dư vào ở trong một buồng nhỏ trong phủ, hẹn sẽ cho hai người gặp nhau, nhưng cũng chỉ là nói dối. Qua cách nói chuyện của quan trụ quốc với Dư, ta biết được gia thế của người này: “Ta làm quan ngôi đến Thượng công, quyền cao lộc hậu, việc khoản đãi khách khứa, mỗi ngày tốn phí đến hàng chung thóc”. Vị quan này cũng được Thúy Tiêu nhận định không tốt đẹp gì.

Thúy Tiêu khó lòng gặp được chồng vì bị canh gác nghiêm ngặt, sau sai người hầu là Kiều Oanh đến chăn gối cùng chồng, để tiện đường tin tức. Dư mãi mà không gặp được Thúy Tiêu nên nản, sợ sẽ ra tay ác độc trong phủ quan, nên tìm cách đi.

Một hôm Thúy Tiêu nhắn với chồng qua Kiều Oanh: “Thiếp sở dĩ nấn ná ở đây, chưa làm được một cái chết của nàng Lục Châu, là chỉ vì còn có chàng. Nay chàng định về phỏng có ước hẹn với nhau điều gì không? Thiếp nghe lệ cũ bản triều, đêm hôm mồng một tết, có đốt cây bông ở ngoài bờ sông, người trong kinh thành đều kéo ra xem đông nghịt. Nếu chàng chưa nỡ rẻ bỏ thì đêm ấy xin chờ đợi nhau. Loan chia phượng hợp, chỉ ở trong một chuyến này. Thiếp hãy xin hoãn để chờ”.

“Trụ quốc thấy Sinh xin đi, lấy làm dễ chịu, tặng cho rất nhiều tiền bạc tơ lụa không tiếc tí gì. Sinh chở nặng một chuyến mà về”. Dọc đường đi, Dư gặp được người đầy tớ già, người này giúp sức cướp lại Thúy Tiêu cho Dư.

“Đến ngày mồng một, thầy trò cùng ra bến Đông, quả thấy Thúy Tiêu đứng xem ở trên bến. Người đầy tớ bèn đi lẻn vào rút dùi sắt trong tay áo ra, nện bừa vào đám người theo hầu, khiến bọn phu kiệu, phu dù đều chạy tan hết, rồi cướp lấy Thúy Tiêu đem đi. Hai người trông thấy nhau, nửa phần thương xót, nửa phần mừng vui”.

Sau đó, Dư đưa vợ về hạt Thiên Trường ở. Trụ quốc vì cớ xa xỉ mà phải tội, Dư lần nữa về Kinh sư thi đỗ tiến sĩ. Hai người từ đó ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long.

Qua chuyện này, Nguyễn Dữ đã lên án lối sống xa xỉ của một ông quan lớn, không những thế còn cướp vợ của người khác. Ta cũng thấy rằng, Dư và Thúy Tiêu đã phải chịu nhẫn nhục biết bao để đợi ngày sum họp. Cũng như cho thấy một Dư Nhuận Chi bền chí trong thi cử, sống vì tình yêu của mình.

Tuy nhiên, có lẽ dưới con mắt nhà nho, và thậm chí là quan niệm tình yêu bây giờ, thì việc làm của Thúy Tiêu là cho người hầu đến chăn gối với chồng, cũng như Dư đồng ý việc này thì thật không nên. Cũng như, nếu Thúy Tiêu không thích quan trụ quốc thì phải ra mặt khinh ghét, nhưng đằng này lại không. Cho thấy Thúy Tiêu là người phụ nữ không chung thủy. Một câu chuyện tình thật khó bàn giải cho xác đáng đến cùng.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/chuyen-tinh-trac-tro-vao-doi-nha-tran-trong-chuyen-nang-thuy-tieu-35524/