Chuyện tình TNXP thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Họ yêu nhau và có một đám cưới giản dị giữa rừng Trường Sơn vào năm 1971, đám cưới giữa mưa bom, bão đạn.

Ông Thân kể về những năm tháng hào hùng cùng anh em TNXP Nghệ An mở đường 20 Quyết Thắng

Cựu TNXP Trần Văn Thân ở tuổi “xưa nay hiếm”, tai bị điếc do ảnh hưởng của bom đạn trong những ngày mở đường Trường Sơn, nhưng những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ vẫn hiện lên sống động trong từng lời kể của ông.

Những anh hùng trên mặt trận giao thông

Ngày 27/7/1965, chàng trai Trần Văn Thân cùng 600 thanh niên được tuyển chọn từ 40 đại đội TNXP Nghệ An đi thẳng vào Trường Sơn, phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Tháng 12/1965, gần 1/3 quân số chuyển sang bộ đội chủ lực, đoàn TNXP Nghệ An chỉ còn hai đại đội, gộp với lực lượng TNXP Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Ninh Bình, hai trung đoàn công binh được điều động thực hiện nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng, phá thế vận tải độc đạo của đường Trường Sơn.

“Đường 20 Quyết Thắng được xem là con đường chiến lược, với chiều dài 124km chạy từ Cửa Rừng (xã Sơn Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Đông Dương rất hiểm trở bởi núi cao, vực sâu. TNXP Nghệ An được phân công mở đường từ Cửa Rừng qua dốc Đồng Tiền, vượt qua ngầm Trạ Ang, dốc Ba Thang - những địa điểm khó khăn về địa hình, trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Với sự nỗ lực, quyết tâm của hàng trăm TNXP Nghệ An, sau gần 100 ngày đêm khoét núi, ngủ rừng, đường 20 Quyết Thắng đã thông tuyến”, ông Thân nhớ lại.

Từ ngày 1/7-30/9/1968, không quân Mỹ đã ném 17.208 quả bom xuống ngầm Trạ Ang làm 15 TNXP, kỹ sư cầu đường hi sinh, 35 người bị thương và 15.360 m3 đất đá sạt lở nghiêm trọng gây tắc đường. Bất chấp bom đạn hủy diệt, lực lượng TNXP Nghệ An vẫn kiên cường bám trụ tuyến đường với ý chí “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc, sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Suốt 90 ngày đêm giặc điên cuồng ném bom đánh phá, ông Thân cùng anh em túc trực 24/24h tại các trạm barie, lấp hố bom để nối lại tuyến đường giao thông huyết mạch, vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. “Để tuyến đường luôn thông suốt hàng nghìn người con Việt Nam đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này”, ông Thân xúc động.

Tình yêu giữa tọa độ lửa

Trong những tháng năm chiến đấu bảo vệ huyết mạch giao thông, ông đã gặp người phụ nữ của cuộc đời mình – cô TNXP tổng đài thông tin Đội 25 Vũ Thị Liên.

Tròn 17 tuổi, Vũ Thị Liên (SN 1948, thuộc Đội 33 TNXP quê Ninh Bình) vác ba lô vào chiến trường. Sau thời gian đảm bảo giao thông đường 050, mở đường 128, Vũ Thị Liên được phân công trực tổng đài của Đội 25.

Vào một ngày cuối năm 1968, sau loạt bom của máy bay Mỹ, Trần Văn Thân cùng anh em ra đường san lấp, nối đường thì gặp bom. Trận bom tọa độ trút xuống nhưng ông may mắn không bị thương. Lúc này, thấy một cô gái nhỏ nhắn ngất xỉu vì sức ép của bom, ông vội đưa vào Trạm xá Binh trạm. Cô chính là Vũ Thị Liên đang đi nối lại đường dây thông tin bị đứt trước đó thì gặp trận bom.

“Lúc tỉnh dậy tôi mới biết mình đã nằm trong Trạm xá Binh trạm hơn 1 đêm. Khi mở mắt ra tôi nhìn thấy một nam thanh niên nói giọng khu IV đã cứu tôi. Cứ như duyên số để gái núi Thúy sông Vân gặp trai núi Hồng sông Lam ở tọa độ lửa này”, bà Liên kể.

Họ yêu nhau và có một đám cưới giản dị giữa rừng Trường Sơn vào năm 1971, một đám cưới giữa mưa bom, bão đạn, không có người thân bên cạnh, không mâm cao cỗ đầy nhưng ấm áp tình đồng đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai vợ chồng cựu TNXP Trần Văn Thân đưa nhau về TP Vinh sinh sống. Bà Liên sau đó đi học nấu ăn rồi về làm cho cửa hàng Bến Thủy. 3 người con lần lượt chào đời, cuộc sống của hai vợ chồng thương binh, mất sức lao động, phải nghỉ hưu sớm rất khó khăn. Bà Liên xin đi nấu cơm thuê cho các đám hiếu hỉ hội hè, lẳng lặng tần tảo nuôi các con ăn học thành người. Giờ đây, tuổi đã xế chiều, họ lại sống hạnh phúc bên con cháu trong căn nhà hai tầng dưới chân núi Quyết…

Thủy Tiên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chuyen-tinh-tnxp-thoi-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-d270118.html