Chuyện tình ở chiến khu Trị - Thiên

Trong những ngày cả dân tộc đang sống lại bầu không khí sục sôi, hào hùng của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng vợ chồng Thượng úy Thái Thị Thành và Đại tá Trần Ngọc Phan. Họ gặp nhau trong lửa đạn, nên duyên vợ chồng khi ngày toàn thắng đang gần đến. Đám cưới của họ diễn ra trên chiến trường Trị - Thiên và cho đến bây giờ họ vẫn hạnh phúc bên nhau, sâu nặng nghĩa tình.

Lật từng bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc trong những ngày tháng còn ở chiến trường, bà Thành kể, từ năm 16 tuổi, bà đã rời quê hương Phong Điền, Huế để tiếp bước cha anh, vượt vùng địch hậu theo các anh, các chú đi đánh giặc.

Với sự nhanh nhẹn, tháo vát của mình, bà được đơn vị phân công nhiệm vụ thu mua quân lương, gạo, muối, thuốc men từ đồng bằng lên chiến khu. Sau đó, bà được phân công nhiệm vụ nấu cơm, phục vụ các thủ trưởng của Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên.

Tình yêu giữa bác sĩ Phan và y tá Thành được ươm mầm trong chiến tranh vẫn bền chặt, son sắt trong thời bình.

Tình yêu giữa bác sĩ Phan và y tá Thành được ươm mầm trong chiến tranh vẫn bền chặt, son sắt trong thời bình.

Đang mạch kể chuyện, bà Thành bỗng dừng lại ở bức ảnh vợ chồng bà chụp cùng các thủ trưởng của Cục Chính trị Quân khu Trị - Thiên. Sau khi giới thiệu cho chúng tôi từng người trong ảnh, bà nói: “Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các thủ trưởng, tôi được đi học y tá và gặp được một nửa của đời mình”. Theo lời bà Thành, khi Quảng Trị giải phóng, bà được các thủ trưởng thông báo cho đi học y tá. Nhưng vốn là người xốc vác, quen việc chân tay, nghĩ đến việc đi học là cả một vấn đề nên bà đã xin ở lại để tiếp tục công tác như cũ.

Trước lời đề nghị của bà, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi ấy là Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị - Thiên ân cần nói: “Đi học khó, nhưng khó cũng phải học. Em còn trẻ, phải học để kiếm lấy cái nghề mà nuôi thân, hay muốn sau này về làm xã viên, đi nhặt cỏ? Đánh giặc Mỹ khó thế chúng ta còn làm được, chẳng lẽ có mấy con chữ lại không “đánh” được?”. Nghe lời khuyên, lời khích lệ, động viên của thủ trưởng, bà Thành xác định trách nhiệm đi học y tá.

Trong thời gian đi học, bà Thành đã thầm thương trộm nhớ bác sĩ Trần Ngọc Phan (quê Ninh Bình), là người phụ trách khóa đào tạo y tá mà bà đang theo học. Tình cảm dành cho bác sĩ Phan ngày một lớn lên nhưng bà vẫn chỉ giữ trong lòng. Cho đến khi, một lần về thăm đơn vị, bà Thành được thủ trưởng giới thiệu cho một anh sĩ quan Đặc công nhưng bà đã từ chối và quyết định nói với thủ trưởng về người mình đã thầm yêu.

Khi nghe bà bộc bạch, các thủ trưởng rất băn khoăn: “Liệu anh bác sĩ kia có ưng con không? Họ đã học Đại học, đang là bác sĩ phụ trách Đội phẫu thuật, còn con thì mới bắt đầu học y tá, chữ nghĩa lại chẳng được mấy, liệu sau này có thông cảm được với nhau mà sống hạnh phúc không?”. Nghe những chia sẻ của thủ trưởng, bà Thành chỉ biết lặng im... Rồi bà quay trở lại lớp học và âm thầm nuôi dưỡng tình yêu với bác sĩ Phan.

Bà Thành nhớ lại: “Có lần bác sĩ Phan nói: “Qua ý kiến các chú trên Quân khu, anh thấy gia đình em hi sinh, tổn thất quá nhiều. Những người ngoài cuộc, kể cả những ai gián tiếp với cuộc chiến khốc liệt này chưa chắc đã hình dung và cảm nhận được nỗi đau xé ruột ấy”. Xúc động trước những cảm nhận của anh, tôi càng kính phục và thêm yêu anh. Chúng tôi đã báo cáo chuyện tình cảm của mình với tổ chức. Khi biết bác sĩ Phan được lệnh ra Bắc, tôi đã rất lo lắng. Có biết đâu, khi đó tôi cũng nhận được lệnh điều động cùng về Quân khu. Nhưng thật không may, công văn cấp trên khi xuống đến đơn vị thì đã bị thất lạc”.

Về phía bác sĩ Phan, sau khi lên Quân khu, biết được các thủ trưởng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tác thành cho mình và y tá Thành, bác sĩ Phan đã lập tức quay trở lại để đón Thành. Lúc này, y tá Thành cũng đang trên đường trở về cơ quan Cục Chính trị. “Sau 4 ngày vượt rừng, tôi và bác sĩ Phan gặp được nhau. Cả hai dắt nhau về báo cáo thủ trưởng hai cơ quan. Tôi là người của Cục Chính trị, bác sĩ Phan là người của Cục Hậu cần. Hai đơn vị đã đại diện gia đình đứng ra tổ chức đám cưới cho chúng tôi ngay giữa rừng Trị - Thiên” – bà Thành kể.

Ông Trần Văn Ân - Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị - Thiên (ngoài cùng bên trái), ông Lê Khả Phiêu (ngoài cùng bên phải) - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị - Thiên và vợ chồng bà Thái Thị Thành lúc ở chiến trường.

Đám cưới của bác sĩ Phan và y tá Thành diễn ra ở rừng Khe Sanh vào cuối năm 1973. Hình thức tuy giản đơn nhưng bù lại ở đó có tình yêu, tình đồng chí, đồng đội dạt dào. Nhớ về ngày cưới giữa chiến khu Trị - Thiên, bà Thành rưng rưng xúc động: “Có được đám cưới ý nghĩa đó là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của thủ trưởng hai đơn vị và những lời chúc phúc của đồng chí, đồng đội. Tôi chỉ tiếc rằng, ngày trọng đại ấy thiếu vắng người thân trong gia đình của cả hai bên. Mãi sau khi cưới một thời gian, mẹ tôi mới biết con gái mình đã làm vợ một bác sĩ nhờ tin báo của chú Vũ Thắng – Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên hồi đó dự đám cưới chúng tôi và nhắn qua cơ sở”.

Sau đám cưới, vợ chồng bác sĩ Phan và y tá Thành ra Bắc công tác và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến khi nghỉ hưu. Dù ở thời chiến hay thời bình, tinh thần hết mình vì quê hương, đất nước, vì đồng chí, đồng đội vẫn luôn rần rật chảy trong huyết quản của cả hai. Theo lời bà Thành, trong những năm qua, vợ chồng bà đã nhiều lần trở về chiến trường xưa để tìm liệt sĩ đã hi sinh. Ngoài ra, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam của quận Hoàng Mai, Hà Nội, bà Thành đã đại diện đón hàng chục hài cốt liệt sĩ từ chiến trường miền Nam để đưa về quê nhà an táng.

Nói về những hoạt động thiết thực, vì cộng đồng, xã hội mà bản thân đang làm, bà Thành chia sẻ: “Bản thân tôi từng nhiều năm ở chiến trường, chứng kiến biết bao mất mát, hi sinh của đồng chí, đồng đội. Hơn nữa, những người anh, người em và người cháu yêu quý trong gia đình tôi cũng đã hi sinh vì chiến tranh nên tôi luôn thấu hiểu, cảm thông với những nỗi đau, sự mất mát mà các gia đình liệt sĩ phải gánh chịu. Do đó, tôi luôn mong muốn làm được điều gì đó cho những người đồng chí, đồng đội đã hi sinh và cho gia đình của họ. Thật hạnh phúc khi công việc của tôi luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của chồng và các con”./.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-tinh-o-chien-khu-tri-thien-112395.html