Chuyện tình người ở nơi chỉ có 1 hộ nghèo duy nhất

Làng biển Thanh Hải, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) vốn được coi là làng giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hiện làng chỉ có 1 hộ nghèo. Mọi người thường nói vui là các hộ trong làng bây giờ chỉ còn mỗi việc… đua nhau xây nhà để tiêu cho hết tiền từ nước ngoài gửi về…

Cách phía bắc đèo Lý Hòa trên quốc lộ 1 độ 2km là địa phận làng Thanh Hải. Vào làng phải qua một cái cổng chào khá đẹp mắt, dựng ngay bên cạnh một trường mầm non khang trang. Nhà cửa ở đây xây san sát như nhà phố, hiếm thấy những căn nhà mái ngói thấp bé còn lại của ngày xưa. Bao quanh từng dãy nhà là những con đường bêtông sạch sẽ.

Mở hướng thay đổi cuộc sống

Làng Thanh Hải vốn là làng chài ven biển đã có từ lâu đời. Bởi là làng chài nên không ai có ruộng có vườn, cuộc sống quanh năm chỉ dựa vào con cá con tôm đánh bắt được ven biển. Những năm trước 1997, hầu hết người dân trong làng đều rất nghèo khó.

Vợ chồng ông Lê Văn Lục trong ngôi nhà khang trang do con cháu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài góp tiền xây dựng.

Ông Lê Văn Hồng, trưởng thôn Thanh Hải, cho biết, vào những năm gian khổ ấy, người làng không dám ăn con cá, con tôm to đánh bắt được, mà phải dành để bán lấy tiền mua lưới, mua dầu đèn đi biển hay đổi gạo, bà con chỉ dám ăn những loại cá nhỏ cho qua bữa.

“Quanh quẩn mãi với con cá, con tôm, vậy nên cuộc sống không biết bao giờ mới thay đổi tốt hơn được. Đến năm 1995, 1996 người dân trong làng bắt đầu nghĩ đến đi lao động ở nước ngoài, với hy vọng thoát được nghèo đói. Vậy là người này người khác lần lượt rời làng ra đi tìm miền đất hứa” - ông Hồng nói.

Trong ngôi nhà hai tầng khang trang, ông Trần Văn Quang kể: “Lúc đó, nhà nghèo quá, con cái lại đến bốn đứa, nên dù có siêng năng đi đánh cá, gia đình cũng không đủ ăn. Nên năm 1997, tôi vay ngân hàng 57 triệu đồng đi Hàn Quốc. Tôi đi bên đó tổng cộng là 13 năm. Đến năm 2010, khi về hẳn ở quê nhà, tôi tiết kiệm được số tiền gần 900 triệu đồng”.

Năm 2002, ông Quang là một trong vài hộ đầu tiên trong làng Thanh Hải làm nhà lớn từ tiền đi lao động nước ngoài, với chi phí hơn 340 triệu đồng. Nay, ông còn có hai đứa con ở Hàn Quốc và một đứa ở Nhật Bản. Ông Quang cùng đứa con trai út theo lại nghề đi biển đánh bắt cá xa bờ.

Cũng như ông Quang, bây giờ, ông Lê Văn Lục (76 tuổi) và bà Lê Thị Khanh (71 tuổi) đã thay căn nhà ngói cấp bốn xập xệ, dột nát bằng ngôi nhà lầu khang trang ngay trên nền đất căn nhà cũ. Ông Lục có đến bảy người con, nên nhiều năm trước, gia cảnh rất nghèo túng, cái ăn cũng thiếu liên miên.

Từ năm 2007, ông Lục lần lượt cho con đi lao động nước ngoài. Đứa đầu tiên ông đóng tiền cho đi Đài Loan bằng đường dây không chính thức, đã làm ông mất đứt 120 triệu đồng vì bị đường dây xuất khẩu lao động lừa.

Ông vay tiếp tiền cho con đi Hàn Quốc. Mấy tháng sau, con ông đã có tiền gửi về trả nợ. Đến đầu năm 2017, ông Lục đã xây căn nhà tốn hơn 600 triệu đồng, tất cả đều do con cháu ủng hộ. “Riêng bộ bàn ghế tiếp khách, tôi mới mua hết hơn 40 triệu đồng, do đứa cháu cho tiền. Nếu con cháu không đi làm ăn ở nước ngoài thì đời tôi saodám nghĩ đến có được bộ bàn ghế hoành tráng này” - ông Lục nói.

Làng Thanh Hải không chỉ giàu lên từ số người đi lao động nước ngoài. Người dân ở làng cũng cần cù làm giàu từ đánh bắt hải sản xa bờ và dịch vụ chế biến, xuất khẩu hải sản. Ông Lê Văn Hồng cho biết, do thanh niên đi xuất khẩu lao động nhiều nên hiện ở làng chỉ còn ba tàu đánh bắt xa bờ, còn mấy bán hết.

Hầu hết phụ nữ trong làng theo nghề chế biến hải sản ngay tại xã và ở cảng cá sông Gianh. Thôn có ba doanh nghiệp lớn về dịch vụ nghề biển và nhiều cơ sở hậu cần nghề cá, chế biến hải sản xuất khẩu nhỏ khác với tổng số tài sản và vốn lưu động hơn 150 tỉ đồng.

Dắt tay nhau làm giàu

Điều ông Trần Xuân Thắng, Bí thư chi bộ thôn Thanh Hải, thấy vui nhất là người làng Thanh Hải biết dắt díu nhau cùng làm giàu. Ông nói: “Có như vậy, Thanh Hải mới trở thành làng g ìau, mới giàu cả làng được. Nếu ai cũng chỉ chăm chăm làm giàu cho riêng mình thì làng này không thể phát triển được như bây giờ”. Ông Thắng kể, ban đầu, số người đi lao động nước ngoài cũng ít, vì không có tiền để đi. Rồi dần dần, người đi trước lại gửi tiền về cho người thân trong nhà đi xuất khẩu lao động.

Cứ như vậy trong một nhà, anh, chị, em lần lượt dắt díu nhau đi nước ngoài làm ăn. Đến khi nhà đó đã kiếm được tiền rồi thì chuyển qua dắt họ hàng ruột thịt. Sau nữa là họ hàng ruột thịt dắt tay hàng xóm láng giềng cùng xuất khẩu lao động... Điển hình như gia đình ông Trần Văn Quang.

Sau khi làm nhà hết 340 triệu đồng trong số tiền 900 triệu đồng ông có được từ đi Hàn Quốc, ông đầu tư số tiền còn lại cho hai con trai là Trần Văn Quảng và Trần Mạnh Dũng đi xuất khẩu lao động mà không còn phải vay đồng vốn nào. Nay cả hai người con của ông Quang đều đặn gửi về nhà 2-3 ngàn USD mỗi tháng.

Ông Thắng cho biết người dân Thanh Hải sống lấy chữ đạo làm đầu. Chữ đạo ở đây là đạo lý sống tối lửa tắt đèn, khốn khó có nhau... Vì vậy, lớp trước làm ăn khấm khá thì dắt tay lớp sau đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Nga, Anh..., thành ra cả làng Thanh Hải cùng xuất khẩu lao động. Ai không có tiền thì được bà con cho mượn với ít lãi suất gọi là. Ai nghèo quá đôi khi được xóm làng hùn nhau cho mượn tiền đi không phải trả lãi...

Thôn Thanh Hải hôm nay.

Làng Thanh Hải có 205 hộ với 937 người thì nay có hơn 200 người (trong 176 hộ) đang lao động ở nước ngoài, chủ yếu là ở Hàn Quốc. Có hộ 6, 7 người đi, hộ ít cũng 1, 2 người đi. Như hộ ông Nguyễn Đặng Báu thì có con, dâu, rể đến 10 người đi. Hộ ông Nguyễn Thanh Bình có 8 người, cả con trai, con gái lẫn con dâu, con rể cùng đi...

Ông Thắng cho biết, hàng năm, số con em đi lao động nước ngoài này gửi về quê nhà khoảng 40 tỉ đồng. Năm 2017, thu nhập bình quân mỗi người dân làng Thanh Hải từ xuất khẩu lao động, đánh cá xa bờ, dịch vụ chế biến hải sản và xuất khẩu hải sản là 45-50 triệu đồng. Có tiền, người dân cho con cháu đi du học nước ngoài ngày càng nhiều...

Thanh Hải nay chỉ có 1 hộ nghèo là phụ nữ đơn thân nuôi con, do chồng bị tai nạn mất trong khi đánh cá trên biển. 3 hộ khác thuộc diện cận nghèo, do tuổi tác cao không lao động được và tàn tật. Số hộ giàu là 97, hộ khá 90, còn lại ở mức trung bình. 97% nhà cửa trong làng là kiên cố, trong đó hàng chục nhà 2, 3 tầng. Nhiều căn nhà xây nên với số tiền 1,7-2 tỉ đồng, như: nhà anh Trần Văn Sự, Lê Văn Canh...

Có nhà làm đến hơn 3 tỉ đồng. Đường trong thôn đã bê tông toàn bộ do mọi nhà góp tiền làm, không còn đoạn đường đất cát nào nữa. Người dân còn góp tiền xây nhà văn hóa 700 triệu đồng, kéo đường điện chiếu sáng, làm cổng làng... Làng trở thành làng văn hóa nhiều năm qua.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/chuyen-tinh-nguoi-o-noi-chi-co-1-ho-ngheo-duy-nhat-884034.html