Chuyện tình mẫu tử và nước mắt Giả Linh thống trị phòng vé Trung Quốc

Giả Linh đem đến những giây phút lắng đọng và đáng suy ngẫm về tình mẫu tử, tình thân gia đình qua 'Xin chào, Lý Hoán Anh'. Phim là câu chuyện có thật về người mẹ quá cố của cô.

Mùa phim Tết Nguyên đán kéo dài 10 ngày tại Trung Quốc năm nay khép lại với vị trí quán quân phòng vé thuộc về Xin chào, Lý Hoán Anh. Phim đạt doanh thu 4,384 tỷ NDT, vượt qua "siêu phẩm" Thám tử phố Tàu 3 với 4,355 tỷ NDT một cách sít sao vào phút chót.

Vậy điều gì làm nên sức hút cho Xin chào, Lý Hoán Anh khi tác phẩm của Giả Linh, Thẩm Đằng vốn dĩ không gây quá nhiều chú ý trước giờ ra rạp?

Báo chí Trung Quốc đưa ra lý giải về thành công vượt trội của dự án điện ảnh chỉ được sản xuất với kinh phí tầm trung.

Chuyện thật, người thật và đời thật

Theo Xinhua News Agency, điều giúp Xin chào, Lý Hoán Anh lôi kéo khán giả đến rạp chỉ là một chữ "thật", với câu chuyện thật và tình cảm thật.

Sau hai tiếng thưởng thức tác phẩm, mỗi người con đều nhìn thấy nỗi niềm khắc khoải luôn giấu kín trong lòng: "Làm sao có thể khiến mẹ hạnh phúc? Bây giờ, bao giờ hay mãi mãi ôm nỗi tiếc nuối, rồi thốt ra hai chữ giá như....", tờ báo hàng đầu Trung Quốc nhận xét.

Xin chào, Lý Hoán Anh kể về nhân vật Giả Hiểu Linh và hành trình trở về quá khứ, làm lại cuộc đời. Sau khi xuyên không về năm 1981, cô trở thành bạn thân của mẹ mình là Lý Hoán Anh (Trương Tiểu Phi). Cả hai cùng làm việc tại một nhà máy. Giả Hiểu Linh từ đây giúp mẹ tán tỉnh chàng trai mà bà thầm yêu.

 Xin chào, Lý Hoán Anh được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Giả Linh và người mẹ Lý Hoán Anh. Ảnh: Sina.

Xin chào, Lý Hoán Anh được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Giả Linh và người mẹ Lý Hoán Anh. Ảnh: Sina.

Trước đây, do nhận thấy bản thân là người con không đủ tốt, Giả Hiểu Linh muốn bù đắp nhiều thứ cho mẹ. Cô hy vọng mình đủ sức giúp mẹ yêu được con trai giám đốc, sống cuộc đời khác tốt đẹp hơn.

Giới thiệu sơ lược nội dung của Xin chào, Lý Hoán Anh tỏ ra không quá hấp dẫn, vẫn là mô-típ về tình mẫu tử quen thuộc, thậm chí tình tiết trở về quá khứ còn gợi nhắc bộ phim kinh điển Back to the Future (1985) của Hollywood. Nếu so sánh với đối thủ trực tiếp tại phòng vé là Thám tử phố Tàu 3, bộ phim của Giả Linh tỏ ra lép vế rõ rệt.

Tuy nhiên, từ ngày phim khởi chiếu, khán giả đã thay đổi hoàn toàn nhận định. Bằng chứng là điểm chất lượng của tác phẩm chỉ tăng, chứ không hề giảm. Phim hiện được chấm 9,5/10 điểm trên Maoyan, 8,3/10 điểm trên Douban.

Kịch bản phim được Giả Linh "thai nghén" trong ba năm với hàng chục lần chỉnh sửa. Tác phẩm lấy cảm hứng từ bi kịch mất mẹ của chính nữ đạo diễn, diễn viên.

Năm 19 tuổi, vừa đỗ vào Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh, cô nhận hung tin: mẹ - bà Lý Hoán Anh - đột ngột qua đời. Cô luôn đau đáu vì không thể gặp mẹ lần cuối và còn nhiều thứ chưa kịp nói với bà.

Mẹ của nữ diễn viên, đạo diễn thời trẻ. Ảnh: Sohu.

Giả Linh cho biết mẹ cô làm công nhân tại nhà máy hóa chất. Trong một lần sơ ý, bà bị ngã trọng thương và qua đời ngay sau đó.

"Một lần đi chở rơm với bố tôi, bà ngồi trên đống rơm chất cao, vô tình ngã xuống đất và không may qua đời. Tôi vội vã trở về nhà, nhưng bà đã được hỏa thiêu. Tôi không thể tin rằng mẹ đã ra đi vĩnh viễn", nữ diễn viên hài hồi tưởng.

Nước mắt của Giả Linh và cả tỷ người con Trung Quốc

"Trong trí nhớ, mẹ tôi là người phụ nữ trung niên. Tôi quên mất mẹ từng là cô gái ngây thơ, mơ mộng". Đó là câu kết chạy trên màn hình vào cuối phim làm lay động trái tim nhiều khán giả. Câu hỏi, "Có bao giờ bạn nghĩ đến mẹ?", đau đáu theo chân người xem sau khi họ ra khỏi rạp.

Theo Sina, cái hay của Giả Linh nằm ở việc thay vì khai thác mối quan hệ mẫu tử dưới góc độ người mẹ lúc nào cũng âm thầm hy sinh, chịu đựng vì các con, nữ nghệ sĩ đã phá bỏ khuôn mẫu. Cô đảo ngược câu chuyện, quay ngược thời gian để con cái trở thành người bảo vệ, dẫn dắt mẹ vượt qua sóng gió cuộc đời.

Những điều tiếc nuối chưa làm được cho mẹ lúc sinh thời, Giả Linh bù đắp thông qua cảnh Giả Hiểu Linh tới viện chăm mẹ, rồi bà Lý Hoán Anh được xem con đứng trên sân khấu biểu diễn. Nữ diễn viên hài cho biết cô phải quay cảnh này đến hơn 20 lần vì không kìm nén được cảm xúc.

Xin chào, Lý Hoán Anh mang đến thông điệp ý nghĩa về tình mẫu tử. Ảnh: QQ.

"Xin chào, Lý Hoán Anh không chỉ là nước mắt của riêng Giả Linh, mà là nước mắt của cả tỷ người con Trung Quốc. Tác phẩm không có gì ngoài tình cảm gia đình. Nhưng đó lại là câu chuyện ai cũng muốn theo dõi, và là nỗi niềm của không ít người sống tha hương, không được kề cận phụng dưỡng, thậm chí không thể nhìn mặt cha mẹ ngày nhắm mắt xuôi tay. Sự đồng cảm và thức tỉnh là những gì khán giả ngộ ra sau tác phẩm: đừng đợi đến lúc muốn ở bên cha mẹ thì đã quá muộn và thốt lên ước gì thời gian có thể quay trở lại", Mtime bình luận.

Bộ phim với những nốt trầm bổng đan xen vào cuộc đời mẹ con Giả Hiểu Linh - Lý Hoán Anh, lúc bên nhau vui mừng, lúc xa cách hoang mang. Khi tưởng như chạm tới hạnh phúc thì cũng là lúc biến cố ập về, nhưng sau đó niềm vui viên mãn cũng đến sau chuỗi ngày đầy nước mắt.

Xin chào, Lý Hoán Anh chính là bản hòa ca đầy cảm xúc, tô đậm thêm tình mẫu tử thiêng liêng được xây dựng theo hướng tiền hỷ hậu bi của loại hình sân khấu cổ điển. Ở phần đầu, phim có nhiều tình tiết hài hước, đặc biệt là trường đoạn tán tỉnh giữa các nhân vật. Đến phần sau, tác phẩm lấy nước mắt người xem khi gợi lên câu chuyện về tình mẫu tử cảm động.

Không có những tình tiết éo le được tô vẽ cầu kỳ, không có những tràng cười rôm rả, Xin chào, Lý Hoán Anh là chuỗi tình tiết đơn giản, tiếng cười nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Bởi sợi chỉ đỏ xâu chuỗi tác phẩm không phải hài kịch và tình tiết đao to búa lớn trên bề mặt, mà là tấm lòng hiếu thảo Giả Linh muốn gửi đến người mẹ đã khuất. Từ tiền đề ấy, cô tạo ra những thay đổi trong quan niệm của khán giả về tình cảm gia đình.

"Tôi muốn khán giả được gặp mẹ mình, bà Lý Hoán Anh. Đó là một người mẹ lạc quan và hay cười. Tôi muốn tất cả bà mẹ có thể sống hạnh phúc. Đó là điều mà tôi chưa thể làm được cho mẹ mình", nữ nghệ sĩ chia sẻ về lý do thực hiện bộ phim.

Theo Sina, tinh thần đoàn viên của tác phẩm rất phù hợp với bầu không khí Tết Nguyên đán, nhà nhà sum họp. Đối với khán giả, Xin chào, Lý Hoán Anh không chỉ lấp đầy chỗ trống tinh thần cho nhiều người, mà còn mang đến cho cả gia đình một lý do để cùng nhau ra rạp thưởng thức nhờ chủ đề phù hợp với mọi lứa tuổi, tạo cầu nối cho sự giao tiếp giữa các thế hệ.

Dàn diễn viên hợp vai

Bên cạnh phần nội dung, yếu tố cảm xúc của bộ phim còn đến từ diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên trong phim.

Trương Tiểu Phi đóng vai Lý Hoán Anh, nguyên mẫu của mẹ ruột Giả Linh ngoài đời thực. Cô thể hiện rõ nét hình ảnh người phụ nữ sống ở thập niên 1980, bị trói buộc bởi đức hạnh truyền thống, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để trở thành người vợ tốt, người mẹ vĩ đại. Là diễn viên có nhiều kinh nghiệm, màn thể hiện của Trương Tiểu Phi trong phim có thể nói là tròn vai.

Trương Tiểu Phi thể hiện xuất sắc vai Lý Hoán Anh. Ảnh: Mtime.

Giả Linh gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem bởi lối diễn xuất chân thực và đầy cảm xúc. Nữ diễn viên lột tả thành công sự khắc khoải của người con muốn làm cha mẹ yên lòng, nhưng lại không có đủ nghị lực. Cuối cùng, cô chọn cách xuyên không, quay về quá khứ thay đổi lịch sử để mẹ có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trong khi đó, Thẩm Đằng vào vai Thẩm Quang Lâm - chàng trai mà Hiểu Linh tích cực mai mối cho mẹ. Tài tử cho thấy mình là diễn viên dày dặn kinh nghiệm, biến hóa nhuần nhuyễn ở các phân cảnh từ hài hước cho tới nghiêm túc. Sự kết hợp giữa anh và Giả Linh đem đến tiếng cười duyên dáng, không gượng gạo.

Điểm trừ của tác phẩm là một số mảng miếng hài vụn vặt chiếm thời lượng khiến mạch phim đôi lúc bị loãng. có phần lê thê. Đoạn kết cao trào được xây dựng còn tương đối vội vàng và chưa đủ tự nhiên.

Nhìn chung, Xin chào, Lý Hoán Anh vẫn là một tác phẩm hài nhẹ nhàng, nhưng vô cùng sâu lắng và đầy cảm xúc của điện ảnh Trung Quốc trong những ngày đầu năm.

Di Hy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-tinh-mau-tu-va-nuoc-mat-gia-linh-thong-tri-phong-ve-trung-quoc-post1187042.html