Chuyện tình Lọ Lem một chân

Nghị lực sống và thái độ ứng xử với cuộc sống của đôi vợ chồng Thanh - Hán đã cho tôi thêm một cái nhìn đẹp đẽ về cuộc sống...

Hán - Mẫu khiếm thị có gương mặt đẹp như vị thần Hy Lạp

Những năm 90 của thế kỷ trước, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp có một thanh niên trẻ làm người mẫu cho các sinh viên. Anh có gương mặt đẹp như một vị thần Hy Lạp. Anh hiền lành chăm chỉ. Anh luôn thể hiện đúng tư thế giáo viên sắp đặt để cho sinh viên vẽ. Mỗi tiết học 45 phút, anh đứng với một vẻ mặt bất động thánh thiện. Sinh viên đưa dây rọi và thước ngắm vào sát mặt anh vừa để đo cho chính xác, vừa có ý trêu đùa nhưng người mẫu không có phản ứng. Chỉ đến khi sinh viên yêu cầu anh đánh con ngươi để định vị ánh mắt nhìn theo hướng của bài vẽ thì anh không làm được. Khi ấy họ mới biết rằng người mẫu của mình bị khiếm thị.

Hán, người chủ của gia đình và bốn cơ sở Tẩm quất Thật của người khiếm thị vẫn không khác cái thời làm mẫu cho sinh viên mỹ thuật là mấy. Thời gian như không thể làm anh già đi. Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện của mình.

Niềm vui được làm mẹ của Thanh. Ảnh: Hoàng Nhất

Khi sinh ra, em vẫn nhìn thấy ánh sáng như mọi người. Đến năm học lớp ba thì mắt em cứ mờ dần. Vì không nhìn rõ chữ nên em bị đúp. Cuối năm lớp ba cô giáo phát động cả lớp góp tiền cho em mua kính. Nhưng khi đến bệnh viện thì các bác sĩ bảo em không thể đeo kính. Em không bị cận bị viễn mà bị bệnh teo giác mạc. Em lên lớp bốn, lại bị đúp. Bố em cho em nghỉ ở nhà để đi chữa bệnh. Bố em đi B mười năm chị ạ. Có thể do những năm ở chiến trường bom đạn chất độc hóa học đã nhiễm vào cơ thể bố em. Khi sinh ra em mới bị như vậy.

Mười năm làm nghề người mẫu có bao nhiêu buồn vui? Hán kể:

- Chị biết không, nghề người mẫu cũng cực lắm chị ơi. Mỗi tiết học 45 phút, bọn em phải đứng một tư thế, không phải đứng bằng hai chân đâu, chân trụ, chân co, người lại vặn vẹo, mà chẳng có quần áo che thân, chỉ độc có chiếc quần sịp. Vì vậy mà có mỏi quá cũng không thể thay đổi tư thế. Nếu bọn em không giữ được đúng tư thế ban đầu thì sinh viên không vẽ được. Mùa hè còn đỡ, chỉ ra mồ hôi, nhưng mùa đông thì rét lắm. Các thầy huy động mấy lò than tổ ong, sau này là đèn halogel nhưng vẫn rét. Chỉ cần một sinh viên mở cửa ra ngoài, gió chen qua khe, là bọn em rùng mình vì rét buốt.

- Nghề nào cũng có vui buồn chị nhỉ. Nhiều bạn sinh viên quý em lắm. Họ rủ em đi ăn và đèo em đi chơi. Họ đưa em đến nhiều nơi có cảnh đẹp.

- Tại sao em bỏ nghề người mẫu?

- Em lấy vợ chị ạ. Năm 2006 em cưới vợ, phải dành thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn. Chị biết đấy, nghề người mẫu chỉ được chút ít tiền gọi là. Năm 2000 em tham gia hoạt động cùng Hội Người mù. Em được đi học lớp trị liệu bằng xoa bóp và bấm huyệt. Kết thúc khóa học, em cùng hai bạn nữa được giữ lại làm việc tại trung tâm gần Trường THSC Nguyễn Đình Chiểu. Cũng năm 2000, em tham gia thể thao dành cho người khuyết tật. Ngày đấy, buổi sáng em đi tập ở sân Khúc Hạo, chiều đi làm mẫu ở Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp ở Đê La Thành, chiều em làm việc tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt ở đường Tam Trinh. Em đi xe bus nhưng bến đỗ thường cách xa nên phải đi bộ. Một ngày em phải đi bộ hơn chục cây số.

Cô bé Lọ Lem một chân

Năm 1996, vào cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái thì Thanh mất đi một chân. Sáu giờ sáng cô bé tần tảo giúp mẹ đạp xe đi đưa trứng thì bị xe tải cán nát chân trái. Người cha, một thương binh, dày dạn chiến trường mà khi nghe tin con gái bị cưa cụt chân trái đã bưng mặt khóc ngất. Thanh nén đau để an ủi cha mẹ, rằng con không sao đâu. Khi vết thương đã lành miệng, Thanh tiếp tục đến trường. Tốt nghiệp PTTH, Thanh trúng tuyển vào Cao đẳng Quản trị kinh doanh, Khoa Kế toán. Ra trường, Thanh xin vào làm ở Công ty Hanel, đứng ở dây chuyền sản xuất. Thanh tâm sự:

- Công ty đã nhận một người khuyết tật như em vào làm việc, em biết đó là sự cảm thông sâu sắc với em rồi. Em không có quyền đòi hỏi nhiều hơn nữa. Em phải thật cố gắng. Em đã đứng dây chuyền sản xuất như các bạn cùng trang lứa. Có những lúc về nhà tháo chân giả ra thì mới biết là do đứng lâu quá lớp da bị trầy tóe máu. Nhưng em vẫn hoàn thành tốt công việc. Sau đó công ty chuyển em sang việc chỉ phải ngồi.

Cũng năm 2000, Thanh tham gia môn cầu lông dành cho người khuyết tật. Ở sân chơi này Thanh đã gặp Hán, chàng trai mù nghị lực ở môn điền kinh. Tình yêu của họ đã nảy mầm.

- Chuyện tình của bọn em nhiều sóng gió lắm chị ạ. Hán chêm vào câu chuyện của vợ. Tám lần bọn em nói lời chia tay mà không rời bỏ nhau. Chị biết vì sao không? Vì em toàn đưa Thanh đến những nơi đẹp đẽ nhất để nói lời chia tay, vì thế mà không thể chia tay được.

Cuộc đời luôn cho tất cả chúng ta một cơ hội

Không biết trong “cái nhìn” của Hán gương mặt của vợ mình như thế nào. Hán bảo, vợ em “nam tính” nên chúng em hòa hợp được với nhau. Trong cái nhìn của tôi Thanh là một người đàn bà với tất cả những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tảo tần, chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con, không kêu ca, không đòi hỏi. Thanh bảo, thời gian biểu của Hán và Thanh như thế này: Sáng: từ 6 đến 8 giờ, Hán đi tập điền kinh ở sân Hàng Đẫy (đi xe bus), Thanh cho con ăn sáng rồi đưa con đi học. Sau đó Thanh đến chỗ tập bộ môn cầu lông. Từ 9 đến 10 giờ, Hán tập thể lực ở Khúc Hạo. Thanh tập xong đi đón chồng. Trưa, hai vợ chồng nấu ăn nghỉ ngơi đến khoảng 3 giờ chiều. Sau đó đến các cơ sở Tẩm quất Thật với 29 nhân viên đều là người khiếm thị.

- Anh tính nhầm rồi, mình có 31 nhân viên anh ạ. Thanh nhắc chồng.

Hán lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay tính toán.

- Phải cộng thêm anh và em nữa chứ. Những hôm đông khách, các cơ sở gọi tăng cường thì cả anh và em cùng làm đấy thôi. Thanh nhìn chồng đầy âu yếm:

- Khi em yêu Hán, bố mẹ em đã phản đối. Bố mẹ em bảo, mình đã là người tàn tật, lại đi lấy người mù thì biết sống thế nào? Em biết bố mẹ em cũng có cái lý của các cụ. Nhưng em yêu Hán nên em biết, Hán chính là chỗ dựa của cuộc đời em. Hán rất khéo tay, khi yêu em Hán thường tết cho em những chiếc nhẫn bằng cỏ, những vương miện bằng cỏ. Bây giờ Hán có thể sửa được mọi thứ trong nhà chị ạ, cái quạt máy, cái đèn bị hỏng Hán nhà em đều sửa được hết.

- Chị có tin không? Có lúc em nghĩ, em bị tai nạn cụt một chân lại là sự may mắn của cuộc đời em. Nếu em là người bình thường, em cũng chỉ học hết đại học rồi đi làm, rồi lấy chồng sinh con và có một tổ ấm gia đình. Sẽ không có cơ hội được nhiều người quan tâm, không đi tập thể thao để đạt những thành tích, sẽ không được đi nước ngoài... sẽ không được một người chồng mù tuyệt vời thế này chị ạ.

Tôi biết cuộc đời luôn cho chúng ta một cơ hội, chỉ cần chúng ta là con người, nhưng cái chính là chúng ta có biết nắm lấy cơ hội đó hay không? Cái cơ hội đó đâu phải xa xôi bí ẩn gì, nó bày ngay trước mắt chúng ta. Có nhiều người không có muốn chạm vào nó, vì họ lười biếng đến nỗi ngại cả giơ tay ra đón lấy chứ đừng nói gì đến nghị lực. Nhưng nhìn thấy Thanh với chiếc chân giả đeo vào mỏm cụt của chân, tôi không thể không đắng đót xót xa...

*****

Buổi chiều tháng chín oi ả, tôi bị cơn đau đầu xâm lấn. Thanh nhìn tôi hỏi, chị bị mệt à? Tôi trả lời, chị bị đau đầu. Thanh nói với tôi:

- Em có thể giúp chị khỏi cơn đau đầu. Chị ngồi xây lưng lại với em, lưng dựng thẳng, mắt nhắm, lưỡi đặt lên hàm trên...

Tôi làm theo lời của Thanh. Bỗng nhiên tôi cảm nhận được một luồng khí nóng từ chỗ đau trên đầu tỏa dọc xuống cơ thể. Kỳ lạ, trong phút chốc tôi cảm thấy chỗ đau biến mất.

Tôi không biết có phải Thanh vận khí công để chữa hết đau đầu cho tôi hay không? Nhưng điều tôi biết, nghị lực sống và thái độ ứng xử với cuộc sống của đôi vợ chồng Thanh - Hán đã cho tôi thêm một cái nhìn đẹp đẽ về cuộc sống đang rất thiếu những gam màu hồng hiện giờ.

Nhà văn Y Ban

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chuyen-tinh-lo-lem-mot-chan-n141423.html