Chuyện tình đẹp của đôi vợ chồng khiếm thị ở Trung tâm Bảo trợ xã hội

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội, khi những đứa trẻ đang đọc chữ ê a ở trong phòng thì ở góc sân vườn, một người chồng khiếm thị đang cùng vợ dùng cây gậy sắt dò đường, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả…

Hạnh phúc hơn từ khi nên đôi

Một ngày cuối tháng 10, khi những con gió đầu đông se lạnh bắt đầu len lỏi từng ngõ ngách, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (TTBTXH) ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. "Mái nhà thứ hai" của những phận đời bất hạnh hiện ra với khoảng 10 đứa trẻ đang vui đùa trước sân. Ở phía xa xa, dưới vài gốc nhãn trước khu nhà ở, những người lớn tuổi đang tụ lại, cười nói rôm rả. Họ là những người khuyết tật.

Tiến vào khu nhà ở, chúng tôi bắt gặp một đôi vợ chồng khiếm thị đang dìu nhau đến nơi có tiếng cười rôm rả. Đó là anh Hoàng Xuân Đỏ (43 tuổi, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) và vợ là Nguyễn Thị Thương (38 tuổi, ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

Vợ chồng anh Vợ chồng anh Đỏ tình tứ bên nhau. Đỏ tình tứ bên nhau.

Vợ chồng anh Vợ chồng anh Đỏ tình tứ bên nhau. Đỏ tình tứ bên nhau.

Ở Trung tâm này, chẳng ai là không biết anh Đỏ, chị Thương. Bởi đây là đôi vợ chồng khiếm thị duy nhất và ngày nào, hai vợ chồng anh Đỏ cũng dìu nhau khắp các phòng chỉ bằng một cây gậy sắt méo mó, cong lệch.

Khi được bắt chuyện, anh Đỏ đáp chúng tôi bằng nụ cười ngượng nghịu và hài hước khoe: "Vợ tôi đấy. Chẳng biết cô ấy đen hay trắng nhưng mặt tròn trĩnh dễ thương lắm".

Anh Đỏ kể, hai vợ chồng đều bị khiếm thị bẩm sinh. Mối lương duyên của hai vợ chồng bắt đầu nhen nhóm từ năm 2009, khi hai người cùng sinh hoạt trong một đoàn khuyết tật về Hà Giang để hát. Đến năm 2013 thì anh Đỏ chính thức đưa chị Thương về gia đình ra mắt và nên vợ chồng.

"Ngày đó, chúng tôi đi cùng đoàn khuyết tật đi khắp các tỉnh hát để xin tài trợ. Những người khiếm thị thì có năng khiếu hát, chúng tôi có thể hát cùng lúc khoảng 30 bài hát. Đến với Thương là cái duyên, cái số. Vì chưa có cuộc điện thoại nào tôi nói lời tình cảm cả. Anh nhớ em hay yêu em thì gần như không có. Tôi chỉ dám hỏi về những việc diễn ra hàng ngày, về gia đình. Ngại nhưng chúng tôi đều bị khiếm thị nên rất hiểu và cảm thông với nhau", anh Đỏ cho hay.

Anh Đỏ kể: "Mắt không nhìn thấy nên tôi cảm nhận Thương qua lời nói, nụ cười. Cô ấy nói nhanh lắm, giọng nói trong trẻo nên nói đúng hơn là tôi yêu cô ấy qua lời nói, mến cô ấy qua nụ cười. Và cũng chỉ biết vợ mình hơi mũm mĩm chứ không biết được vợ mình có nước da như thế nào nhưng tôi thấy tôi vui hơn, hạnh phúc hơn từ khi nên đôi với Thương".

Niềm vui chẳng tày gang

Hình ảnh quen thuộc của anh Đỏ, chị Thương ở Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội. Ảnh: B.Loan

Giữa cuộc nói chuyện đang vang lên rôm rả, thì nụ cười trên khóe môi của chị Thương trùng xuống khi chúng tôi hỏi chuyện con cái. Chị Thương bảo, sự kết tinh tình yêu của hai người là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn, song cũng là nỗi đau, nỗi buồn của chị. Bởi từ khi sinh ra, con gái chị cũng mang chứng khiếm thị bẩm sinh.

Chị Thương kể, trong thời gian mang bầu, chị được gia đình đưa đi siêu âm, kiểm tra thường xuyên nhưng không phát hiện được bé bị khiếm thị. "Tôi bị cạn nước ối nên phải nhập viện sớm để xử lý. Lúc bé được sinh ra, tiếng khóc to lắm, nghe tiếng khóc mà tim tôi đau, đau vì hạnh phúc. Nhưng khi bác sĩ thông báo sự việc không may của con, thì tim tôi đau gấp vạn lần. Có buồn, có nghĩ nhiều nhưng biết làm sao. Giờ ở đây rồi, hai vợ chồng lại càng nhớ con hơn", chị Thương buồn bã kể.

Mặc dù cả gia đình bị khiếm thị nhưng chị Thương và anh Đỏ đều may mắn được gia đình, bà con lối xóm giúp đỡ, hỗ trợ. Thế nhưng, với mức hỗ trợ chưa đến 1 triệu đồng/người/tháng, vợ chồng anh Đỏ vẫn phải kiếm kế sinh nhai bằng những buổi hát rong.

Anh Đỏ thú nhận, vì cuộc sống mưu sinh nên sau những ngày tháng đi hát rong tự phát trên khắp phố Hà Nội, vợ chồng anh đã được đưa đến TTBTXH IV Hà Nội. Mặc dù thời gian hết hạn nuôi dưỡng tại trung tâm sắp hết, nhưng câu chuyện mưu sinh lại khiến anh Đỏ đau đáu.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Bằng – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội cho biết, anh Hoàng Xuân Đỏ và Nguyễn Thị Thương là vợ chồng duy nhất bị khiếm thị và thuộc diện nuôi dưỡng không tập trung (nhóm 20% đối tượng không tập trung) tại Trung tâm.

Ông Bằng cho biết: "2 trường hợp này vào Trung tâm lần thứ 2. Trước đó, sau 1 tháng tiếp nhận nuôi dưỡng thì chúng tôi liên hệ với địa phương rồi trao trả lại cho địa phương, gia đình. Lần nuôi dưỡng này cũng tương tự. Đến hết tháng 10 là chúng tôi cũng trao trả về địa phương. Theo quy định, mức hỗ trợ cho anh Đỏ, chị Thương hiện nay theo Luật Người khuyết tật là 700.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, có thể do cuộc sống khó khăn, lại thêm con nhỏ nên hai người này đã mưu sinh bằng cách hát rong".

Ông Bằng cho hay: "Hai vợ chồng này rất tình cảm. Chị vợ níu vai chồng, còn anh chồng thì dùng cây gậy sắt để dò đường, đi khắp khu nhà ở. Trong thời gian được nuôi dưỡng, giáo dục tại Trung tâm, chúng tôi nhận thấy, họ chấp hành rất tốt, rất tiếp thu".

Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội đang nuôi dưỡng 314 trường hợp lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Trong đó có 42 trẻ em và số còn lại là người già, người lớn tuổi. Mức hỗ trợ đối với trẻ em dưới 16 tuổi là 1.600.000 đồng/người/tháng. Với trẻ trên 16 thì mức hỗ trợ là 1.050.000 đồng/người/tháng.

Riêng người trên 60 tuổi thì được hưởng mức hỗ trợ là 1.400.000 đồng/người/tháng. Dưới 60 tuổi là 1.050.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi người được hưởng thêm 350.000 đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, thuốc men…

Ông Bằng cho biết: "Ở đây, chủ yếu là những người khuyết tật về chân tay, khiếm thị. Đối với người khiếm thị, tôi có nhận thêm công việc xếp đũa ăn vào gói giấy. Nghĩa là họ chỉ cần ngồi và đút đôi đũa vào túi là đượ hưởng mức hỗ trợ là 2.000 đồng/đôi. Việc làm là để hỗ trợ thêm chứ về tính hiệu quả thì gần như không có".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/chuyen-tinh-dep-cua-doi-vo-chong-khiem-thi-o-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-20201028155649767.htm