Chuyện tình của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Chiều cuối năm, tại căn nhà nhỏ ở TP Cao Lãnh, tôi được nghe câu chuyện tình đẹp như cổ tích của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và Người đẹp Sóc Trăng có tên Nguyễn Thị Trâm Anh. Mối tình kéo dài hơn 80 năm.

Năm nay bước sang tuổi 103 nhạc sư vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt đờn ca bình thường

Năm nay bước sang tuổi 103 nhạc sư vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt đờn ca bình thường

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo kể, hiền thê của ông tên Nguyễn Thị Trâm Anh, sinh năm 1922 tại làng Tuân Tức, tỉnh Sóc Trăng, cha là công chức Sở Công Chánh Sóc Trăng. Dì Tám của Trâm Anh có chồng Hương quản Sen, 2 vợ chồng sống tại Cao Lãnh. Vì dì Tám không có con nên năm 1934 xin lãnh Trâm Anh về nuôi một thời gian, cho đi học trường Tiểu học nữ Cao Lãnh. Ông Hương quản lại có bà con với gia đình Vĩnh Bảo, vai vế thì Vĩnh Bảo gọi bằng anh nên Trâm Anh thường gọi Vĩnh Bảo (năm ấy 16 tuổi) bằng cậu.

Em gái út của Vĩnh Bảo cùng học trường Tiểu học nữ Cao Lãnh gần nhà dì Tám do vậy khi đi đến trường Trâm Anh ghé qua nhà để cùng đi đến trường. Rồi Vĩnh Bảo thỉnh thoảng cũng ôm đàn Mandoline lên nhà ông Hương quản đàn cho hai ông bà nghe. Gặp Trâm Anh, chàng trai trẻ lập tức “say nắng”...

Vợ chồng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Nguyễn Thị Trâm Anh (năm 1946)

Nhưng Trâm Anh chỉ ở Cao Lãnh một năm rồi quay về với cha mẹ, theo học trường Bà Phước ở Sóc Trăng. Năm 1935, trước khi lên Nam Vang làm ăn, vì nhớ Trâm Anh nên Vĩnh Bảo qua Cần Thơ lấy vé xe đò xuống Sóc Trăng gặp mặt người yêu trong mộng. Vĩnh Bảo chờ cả giờ đồng hồ tại cầu quay Sóc Trăng, nhìn học trò lũ lượt đi qua với mong gặp Trâm Anh nhưng thất vọng. Trưa Vĩnh Bảo quay lại cầu ngóng đến 2 giờ vẫn không được. Chàng trai trẻ đành bỏ cuộc thất thểu quay về Cần Thơ...

Năm 1946, Nguyễn Vĩnh Bảo (Lúc này đã thành một tay đàn tài hoa khắp xứ) từ Sài Gòn quay về quê cha ở Sa Đéc. Tình cờ Vĩnh Bảo gặp một người quen là cô Hường. Vĩnh Bảo đi đàn cho cô ca, sau đó nghe cô kể chuyện từng chạy giặc tản cư ở Sóc Trăng. Nghe địa danh Sóc Trăng, Vĩnh Bảo hỏi bâng quơ “Ở Sóc Trăng cô có biết cô nào tên Trâm Anh không?” Cô Hường: “Biết!”. “Cô nói giỡn chơi?”- Vĩnh Bảo nghi ngờ. Cô Hường: “Tôi nói thật, cô là con ông Huyện Ngự làm Sở Công Chánh, nhà gần nhà lầu Bà Phủ An”.

Trò chuyện với cô Hường, Vĩnh Bảo đã kể cho cô về mối tình vô vọng với Trâm Anh thời trai trẻ của mình. Nghe xong cô Hường liền nói: “Cô Trâm Anh hiện chưa lập gia đình, anh xuống Sóc Trăng xin cưới cô đi!”. Nghe vậy Vĩnh Bảo mạnh dạn nhờ ba mẹ qua dạm hỏi và cưới Trâm Anh vào tháng 7/1946. Nguyễn Vĩnh Bảo viết: “Tôi đón nhận hạnh phúc của mình mà rơi nước mắt. Hạnh phúc như trong mơ. Tôi không thể hình dung giờ đây có được người con gái mình yêu thương - Một mối tình tôi từng ngậm ngùi đau khổ tưởng như đã mãi mãi đánh mất”.

Biết chồng là nghệ sỹ, hay giao lưu đàn hát nên bà Trâm Anh cũng rất chiều chồng. Khách khứa bạn bè tới nhà thường xuyên, thậm chí ở lại nhà cả tháng nhưng không bao giờ bà than một tiếng. Bà còn cẩn thận chu toàn tới mức đi mua nguyên bao bánh để sẵn, mỗi khi có khách ra về bà đều cho gói bánh coi như món quà nhỏ của gia đình.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo cùng các thế hệ học trò

Để thể hiện tình yêu với bà, ông đã đặt tên tất cả các con theo tên của bà, từ Thu Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh. Nhờ cách sống đàng hoàng, nghiêm túc của ông và sự đảm đang của bà mà cả 7 người con đều trưởng thành, có công ăn việc làm đầy đủ.

Ngày bà bị bệnh nặng, ông luôn ở bên bà. “Một hôm, má tôi kéo ba tôi đến bên giường bệnh rồi nói ba cúi xuống để bà hôn lên má của ông. Đó là nụ hôn đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng của má tôi với ba tôi, để rồi sau đó bà đi xa mãi mãi. Hơn 80 năm yêu bà, lần đầu tiên ba tôi mới cảm nhận được nỗi đau của sự chia ly mãi mãi” - Thu Anh, con gái đầu của nhạc sư kể lại.

Bà Trâm Anh mất tháng 9/2014, sau 68 năm chung sống hạnh phúc với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Nhạc sư đã viết về người vợ hiền thục của mình: “Đôi lúc tôi ngẫm cuộc đời mình nếm trải biết bao ngọt bùi, cay đắng. Tôi cố gắng để vượt qua những chặng đường thật khó khăn, phải biết chấp nhận thay vì chỉ biết than khóc, buông xuôi. May mắn tôi gặp người bạn đời Trâm Anh yêu quý. Trâm Anh đã mang đến cho tôi bao nguồn cảm hứng từ sự ngọt ngào, dịu dàng và cả nghị lực”. Năm 2018, nhạc sư trở về sống ở TP Cao Lãnh - Nơi 84 năm trước, ông đã yêu thầm cô bé Trâm Anh xinh đẹp.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) được tôn vinh là Cây đại thụ về âm nhạc dân tộc của Việt Nam. Năm lên 5 tuổi, ông đã tỏ rõ năng khiếu âm nhạc khi có thể chơi tốt nhiều nhạc cụ dân tộc như đờn kìm, đờn tranh. Năm 1941, Nguyễn Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp miền Nam khi được mời chơi đàn cho các hãng đĩa, các đài phát thanh. Năm 1955, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ được mở tại Sài Gòn, Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người đầu tiên tham gia giảng dạy và là trưởng ban Cổ nhạc miền Nam. Năm 1972 Nguyễn Vĩnh Bảo cùng GS.TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ tại Paris. Nguyễn Vĩnh Bảo còn tham gia thỉnh giảng và trình tấu về âm nhạc dân tộc tại nhiều trường đại học lớn ở Pháp, Mỹ…

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhận nhiều giải thưởng lớn như giải Đào Tấn (2015), giải Phan Chu Trinh (2015)… Ông được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học ở cấp bậc Officier (2008).

Năm nay dù đã bước vào tuổi 103 nhưng Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn tham gia giảng dạy và viết sách về âm nhạc dân tộc. Năm 2018, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức xây dựng nhà Trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo. Ngôi nhà hiện trưng bày các hiện vật, tư liệu của hơn 80 năm đeo đuổi và gắn bó với sự nghiệp âm nhạc dân tộc của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chuyen-tinh-cua-nhac-su-nguyen-vinh-bao-1504440.tpo