Chuyện tình của người đàn bà làm cảm động hai cõi âm dương

Gần 40 năm trời, bà Tam luôn đau đáu tâm nguyện trao lại kỷ vật của liệt sỹ Lê Xuân Hiệp cho gia đình người yêu.

- Phóng sự của Thành Văn -

Kỷ vật tình yêu để hứa hôn của họ là câu thơ viết vội đề trong cuốn nhật ký chiến trường, kèm theo là một tấm hình chân dung thời chiến… để rồi họ phải xa nhau vĩnh viễn. Chàng trai hy sinh anh dũng, còn o thôn nữ ấy giữ mãi kỷ vật với tình yêu vĩnh cửu trở về thôn quê. Tưởng rằng, cuộc tình vội vã thời chiến sẽ dừng lại, kết thúc khi cô gái đã có gia đình.

Thế nhưng, 38 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, vào tháng 6 năm 2010 này, mối tình ấy lại được thắp sáng làm cảm động lòng người bởi tình yêu của o thôn nữ dành cho người đã mất gần 40 năm ấy lại trỗi dậy, o thôn nữ tìm về gia đình người liệt sĩ xin được “làm dâu” người đã chết, xin được coi những thân nhân của liệt sĩ là người thân của mình. Điều kỳ lạ hơn, khi o thôn nữ năm xưa giờ là người đàn bà đứng tuổi đi xin được “làm dâu” ấy lại có cả người chồng “đương nhiệm” của bà bên cạnh.

Mối tình kỳ lạ làm xôn xao mảnh đất địa đầu tổ quốc

Người đàn bà ấy là Dương Thị Tam, 61 tuổi, hiện trú tại Thôn 6, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Vì tình yêu, bà đã lần tìm địa chỉ thân nhân gia đình người yêu là liệt sĩ ấy suốt 38 năm trời, mãi đến tháng 3 năm 2010 này, bà đã được Ban chỉ huy quận sự tỉnh Quảng Ninh giúp đỡ, toại nguyện cho bà việc trao kỷ vật cho gia đình người yêu là liệt sĩ Lê Xuân Hiệp, ở Cẩm La, Yên Hưng, Quảng Ninh.

Vào dịp tháng 3 -2010, bà Tam gửi Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh lá thư rất đặc biệt. Trong thư, bà Tam cho biết: vào năm 1971, bà có yêu một người bộ đội tên là Lê Xuân Hiệp, lúc đó bà chỉ nghe loáng thoáng là anh quê ở Quảng Ninh. Bà Tam viết: “Kể từ sau năm 1975, tôi đã nhiều lần tìm kiếm thông tin về gia đình liệt sĩ Lê Xuân Hiệp (người yêu tôi) từ nhiều nguồn, có lần tôi tìm đơn vị cũ nhưng không biết số hiệu, tên đơn vị bây giờ ở đây. Cũng nhiều lần tính ra Quảng Ninh tìm kiếm gia đình người yêu, nhưng thân gái dặm trường, lại chỉ biết loáng thoáng thông tin nên không biết tìm kiếm ở đâu. Cứ khi có ai đó ra bắc vào nam, bà cũng nhờ và nhưng vẫn như bóng chim tăm cá”…

Chân dung liệt sĩ Hiệp

Trong bức thư, bà kể rất nhiều về anh Hiệp và cái thời khói lửa miền Trung, về khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh, hiền lành, chân thật nhưng vô cùng gan dạ ấy. Bà cho biết, đã đem lòng yêu anh từ trong những ngày đạn lửa. Thế nhưng, vì điều kiện thời chiến, nên không được tiết lộ nhiều thông tin cho nhau. Kể cả những người yêu nhau lại càng không được công khai. Thế nhưng, hai người đã ước thề nên duyên vợ chồng khi chiến tranh kết thúc. Khi anh vào nam theo đơn vị, bà chờ mãi mà không thấy anh trở về. Mãi đến khi kết thúc chiến tranh, bà mới nghe tin anh đã hy sinh. Giờ bà muốn tìm tin tức gia đình của anh Hiệp và gửi lại cho gia đình tấm ảnh chân dung - kỷ vật ông đã tặng bà khi yêu nhau.

Bà cũng đoán biết, do điều kiện chắc chắn thời đó gia đình anh Hiệp không có một tấm ảnh để thờ, nên điều tâm nguyện cuối cùng của người con gái miền Trung là trao cho gia đình kỷ vật thiêng liêng. Và ước vọng lớn hơn là được gặp gỡ thân thương với những người thân mà nếu như may mắn anh Hiệp trở về được thì họ sẽ là vợ chồng.

Đổ xô “đi tìm một nửa” cho người đàn bà nặng sâu tình nghĩa

Trong khi nhận được bức thư đẫm nước mắt ấy, đã làm không ít cán bộ chiến sỹ trong Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cảm động, kính phục. Nhưng một điều khó khăn lúc đó chưa biết tìm thân nhân liệt sỹ Hiệp ở đâu nên việc tìm kiếm không khác gì “mò kim đáy bể”. Hơn nữa, thông tin bà Tam cũng cấp về liệt sĩ Hiệp chỉ biết là “hình như ở Quảng Ninh”, càng làm cho anh em thêm phần hoài nghi. Nhưng với lòng trắc ẩn với mối tình chung thủy gần 40 năm trời chưa nhạt phai, nhiều cán bộ chiến sỹ lên kế hoặc tìm kiếm. Một chuyện bất ngờ nữa là, rất may lúc gửi thư cho BCHQS tỉnh Quảng Ninh, bà Tam cùng lá thư gửi cả cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh.

Cuối cùng, chắp nối mọi sáng kiến của tất cả những người có tâm, Sở LĐ-TB&XH quyết định dùng sáng kiến và đứng ra thực hiện “tác chiến” là thảo công văn và phô-tô lá thư gửi về các huyện thị, rồi từ đó lại gửi về các xã, phường trong tỉnh để tìm kiếm. Khi lá thư được phát đi khắp hang cùng ngõ hẻm của tỉnh Quảng Ninh, được đưa về các thôn xóm, đến tận tay những gia đình chính sách.

Lá thư bà Tam gửi Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh

Phương pháp thủ công không mấy người nghĩ ra này đã gây cảm động rất nhiều người dân vùng đất mỏ. Nhất là các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách và những người cựu chiến binh một thời xông pha chiến trường lại càng cảm động hơn. Có nhiều người khi cầm lá thư của bà Tam đã rơi lệ, xúc động không nói thành lời. Tiếp đó, rất nhiều người, không ai bảo ai, tích cực và tự nguyện tìm lại thông tin của liệt sĩ Hiệp. Đi đến đâu họ cũng kể về câu chuyện tình cảm động này. Vài tháng trời, cả vùng đất “vàng đen” râm ran kể khiến câu chuyện tình của bà nóng như “thời sự” nơi địa đầu Tổ quốc.

Nhiều người, nhất là lứa tuổi trẻ, các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện “cổ tích” về tình yêu đó mỗi khi ra thao trường, hay trên biên giới, hải đảo xa xôi. Bất cứ đâu có màu xanh áo lính thì ở đó, câu chuyện vẫn được lưu truyền như một minh chứng cho lòng tri ân của người đang sống với những người đã ngã xuống vì cuộc sống thanh bình. Hơn nữa, nó cũng minh chứng rằng, dù cuộc sống có đổi thay thiên biến vạn hóa, có xô bồ đến đâu, thì giá trị của tình yêu vẫn được vĩnh cửu.

Bà Tam, ông Phương và các cháu

Khi lá thư được truyền đi, với nhiều người tin tưởng rằng sẽ có một kỳ tích viết lên. Và đúng là ông trời không phụ công những người có lòng, và tình yêu của họ, một o thôn nữ và liệt sỹ kéo dài 38 năm không tin tức ấy đã khiến ông trời cảm động chăng? Với cách làm độc đáo đó, vài tháng sau, anh Lê Đức Tuyến, một cán bộ tư pháp xã Cẩm La (Yên Hưng) đã nhận ra người mà bà Tam cần tìm chính là chú ruột mình, chính là liệt sĩ Lê Xuân Hiệp.

Lúc đó, hồ sơ về liệt sỹ Hiệp được công bố.Theo giấy báo tử thì ông Hiệp đã hy sinh ngày 4-2-1972 tại mặt trận phía Nam, tức là hy sinh sau một năm chia tay với người yêu. Tức là khi liệt sỹ Hiệp mất, thì o thôn nữ ấy vẫn đang tham gia chiến đấu trên chiến tuyến miền Trung đầy bom đạn mà không hề biết rằng người mình thể non hẹn biển đã nằm xuống mảnh đất miền Nam của tổ quốc thân yêu. Trong suốt mấy năm trời, bà vẫn nhớ mong và vẫn ôm hy vọng anh sẽ trở về, đón bà về ra mắt gia đình sau ngày kết thúc chiến tranh.

T.V

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/chuyen-tinh-cua-nguoi-dan-ba-lam-cam-dong-hai-coi-am-duong-51589.htm