Chuyện tình của người Anh hùng miền biên viễn

Những ngày này, cán bộ chiến sỹ Biên phòng ở Lạng Sơn đến gia đình của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nông Văn Giáp để thắp tâm nhang. Các chiến sỹ đã ôn lại những chiến công dũng mãnh của Anh hùng Nông Văn Giáp trên tuyến đầu cũng như mối tình đẹp, trong sáng của người lính cụ Hồ.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 5, ngõ 34, đường Chùa Tiên, khối Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chủ nhà là bà Đinh Thị Lan, năm nay tuổi ngoài bẩy mươi, tóc đã bạc trắng nhưng còn hoạt bát, khỏe mạnh.

Khi được gợi chuyện nhân duyên giữa bà với Anh hùng- liệt sỹ Biên phòng Nông Văn Giáp, bà Lan bỗng chốc trầm lặng, xúc động.

Bà Lan kể lại: Vào khoảng đầu năm 1971, bà Lan là dược tá làm việc tại Bệnh viện Điều dưỡng B300 tỉnh Nam Hà. Ở đây, bà chủ yếu làm nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Một hôm ở bệnh viện xuất hiện một anh chàng thương binh khá điển trai, dễ thương.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng, gia đình bà Lan đã ổn định, con cháu trưởng thành. Ảnh: Duy Chiến

Nhờ sự quan tâm của chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng, gia đình bà Lan đã ổn định, con cháu trưởng thành. Ảnh: Duy Chiến

Trong những lần thăm khám, cấp phát thuốc, cô dược tá được biết chàng trai này tên là Nông Văn Giáp (SN 1945), người dân tộc Nùng, quê ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Lúc rảnh rỗi, anh kể lại cuộc đời binh nghiệp của mình. Tại chiến trường miền Nam đánh Mỹ, anh đã tham gia bảy trận đánh lớn, bị thương nhiều lần, trong đó một mảnh đạn còn găm trong sọ não và bị mất một phần gót chân. Vì thế, anh được cấp trên cho chuyển ngành sang lực lượng an ninh vũ trang tỉnh Quảng Ngãi. Sau này anh được ra Bệnh viện điều dưỡng B300.

“Anh ấy còn kể cho tôi nghe về quê hương xứ Lạng với những cảnh đẹp nên thơ và sự tích nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng. Khi đó, giọng anh rất say mê, cuốn hút làm cho tôi có cảm tình”, bà Lan kể.

Thế rồi, Lan đem lòng yêu mến Giáp. Giáp cũng tỏ rõ sự quan tâm đến cô. Tình yêu nảy nở trong vòng gần 2 năm, đến cuối năm 1974 hai người nên duyên vợ chồng. Họ sống bên nhau thật hạnh phúc với một cô con gái kháu khỉnh, xinh xắn ra đời.

Khi cô con gái biết gọi bố, mẹ thì cũng là lúc anh Giáp kết thúc đợt an dưỡng và được cấp trên điều về nhận công tác tại Đồn Biên phòng 191 (đồn Na Hình ngày nay), thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn.

Thi thoảng được tranh thủ về phép, anh Giáp kể cho vợ nghe những diễn biến xấu, phức tạp ở nơi anh đóng quân với sự khiêu khích của bọn “bành trướng” bên kia biên giới. Thời gian này, anh đeo lon Trung úy, đảm nhiệm chức vụ Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng 191.

Dũng mãnh nơi tuyến đầu

Rạng sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc dùng số lượng lớn binh sỹ, xe tăng bọc thép ồ ạt tấn công khu vực Đồn Biên phòng 191. Với kinh nghiệm dày dạn 9 năm chiến đấu ở miền Nam, Trung úy Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt trên 100 tên.

Bà Lan với di ảnh của chồng. Ảnh: Duy Chiến

Gần một tuần, chiến thuật biển người của Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai. Trong khi đó, lực lượng ta đã mỏng lại hy sinh và bị thương khá nhiều, đạn dược cạn kiệt. Để khích lệ tinh thần cho toàn quân, Trung úy Giáp nhảy lên chiến hào hô vang: “Giữ vững trận địa, thắng ngay trận này!”.

Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng cùng xông tới theo người chỉ huy, đánh bật địch xuống chân đồi. Đúng lúc đó, máu trong người Giáp chảy ra xối xả. Đồng chí Rô (Tiểu đội trưởng) lao tới băng bó cho cấp trên của mình. Giáp bình tĩnh cầm tay Rô căn dặn: “Chiến sự còn ác liệt. Tôi bị thương, đồng chí thay tôi chỉ huy giữ vững trận địa đến cùng. Nhớ phải tiết kiệm đạn, tiêu diệt nhiều địch”. Nói rồi, thiếu úy Giáp nhắm mắt...

Sau này, Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 19/12/1979.

Son sắt

Nhận được tin dữ, Lan tưởng chừng như trời sụp dưới chân mình, nhưng vẫn gắng gượng vì thời gian này cô đã mang thai đứa con gái thứ 2.

Bà Lan kể lại, nhiều đêm liền trong giấc ngủ chập chờn bà vẫn thấy hình bóng chồng đến an ủi, vỗ về yêu thương. Bà nhớ lại những lời căn dặn phải biết vượt lên những khó khăn, thử thách, xứng đáng là vợ người chiến sỹ nơi tuyến đầu.

Bà đã sinh thêm cho anh hùng liệt sỹ Nông Văn Giáp một cô gái xinh đẹp, nết na và bà đã ở vậy nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, bà Đinh Thị Lan bảo, thấm thoắt bà đã xa chồng hơn 40 năm. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ gia đình bà Lan chu đáo.

“Năm 1994, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cấp cho tôi một ô đất rộng 54 m2 tại khu tập thể Bộ đội Biên phòng. Anh Giáp mất đi nhưng hai con đã khôn lớn, trưởng thành, con cháu đuề huề và cả những nghĩa tình đồng đội, niềm thủy chung son sắc vẫn còn sáng mãi”, bà Lan nói.

Bà Lan chỉ cho tôi những tấm hình chụp với các con gái trong những bộ trang phục của ngành. Con gái đầu đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại cơ quan tòa án địa phương, cô thứ 2 làm giáo viên dạy âm nhạc ở Trường THCS xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn.

Bà Lan sống giản dị nhưng sâu sắt. Bà vẫn thường xuyên kể về mối tình vợ chồng của bà với con cái, người thân. Những chiến sỹ biên phòng vẫn thường đến nhà bà Lan chơi, đôi khi họ còn đón bà lên đơn vị, thăm lại ngôi nhà, chiến hào năm xưa, nơi mà Nông Văn Giáp từng sống, chiến đấu.

Bà Lan cảm động khi các bạn trẻ tíu tít gọi bằng những từ thân thương “Mẹ, U” và giục bà kể lại những kỷ niệm của mối tình đầu son sắt. Khi đó, bà cảm thấy hình ảnh chồng bà - Anh hùng liệt sỹ Nông Văn Giáp hiện về như những ánh sao xanh thân thương nơi miền biên viễn.

“Hôm dự Lễ truy điệu Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chồng, tôi được mời lên nhận thay anh Giáp tấm bằng và huy hiệu Anh hùng, tôi ôm những phần thưởng cao quý vào lòng. Nước mắt tôi trào ra và bỗng chốc những ký ức đẹp đẽ ùa về làm tôi rưng rưng xúc động, khôn nguôi nhớ chồng”.
Bà Đinh Thị Lan

N.D.C

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-cua-nguoi-anh-hung-mien-bien-vien-1525591.tpo