Chuyện tình cô nàng 'chân voi' và chàng khiếm thị

Chồng bị mù mắt, vợ mắc bệnh 'phù chân voi', ông trời sắp đặt cho họ đến bên nhau, cùng đồng cảm để vượt lên số phận.

Vợ chồng anh Phụ, chị Liệu cùng hai người con. Ảnh: Khánh Chi

Vợ chồng anh Phụ, chị Liệu cùng hai người con. Ảnh: Khánh Chi

Nên duyên từ sự đồng cảm

Đó là câu chuyện về vợ chồng anh Lê Hữu Phụ (SN 1981) và chị Đặng Thị Luyện (SN 1982, trú tại xóm 2, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng nằm khuất nẻo sau thung lung núi rừng Hương Giang với bức vách thô sơ, lộ rõ vẻ tồi tàn khi bên trong không có vật gì quý giá ngoài chiếc xe đạp cũ đặt ở giữa gian nhà. Rót chén trà mời khách, chị Luyện bắt đầu kể về cuộc đời mình trong chìm nổi đa đoan.

Chị Luyện sinh ra trong một gia đình bần nông đông con ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Từ nhỏ vì mắc chứng bệnh "phù chân voi" nên bàn chân trái của chị bị sưng, nổi lên những khối thịt to, chỗ khô ráp, thâm đen; chỗ lại mềm oặt như có nước ở bên trong. Lớn lên với đôi chân không trọn vẹn, chị sống khép mình, tự ti dưới ánh mắt kỳ thị của mọi người. Đường đến trường xa, nhà lại nghèo nên lên lớp 2, Luyện đành phải gác lại giấc mơ sách bút để ở nhà phụ việc cho gia đình. Đối với nhiều người, tuổi thơ là những ký ức đẹp, những khoảnh khắc khó quên, nhưng với Luyện, tuổi thơ của chị thật buồn. Ngày ngày, Luyện dò dẫm từng bước vào rừng chặt củi gánh về bán ở chợ, ban đêm lại cùng các anh chị ra đồng mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn cho cả gia đình.

Với đôi chân voi kỳ lạ, chị Liệu phải sống trong những ngày đau khổ, tự ti.

"Tuổi thơ của tôi là sống trong sự kỳ thị của mọi người, thậm chí chẳng có lấy một người bạn thân để tâm sự chia sẻ. Nếu nhà có điều kiện, chân tôi có thể chữa khỏi; nhưng nhà nghèo, tiền không có ăn, lấy đâu ra để chữa bệnh", chị Luyện ngậm ngùi nhớ lại. Không có nổi đám bạn chơi, cũng chẳng có tuổi thơ đẹp, tưởng chừng ông trời đày đọa cuộc sống của chị thế là đủ, nhưng đến năm 20 tuổi, chị phát hiện mình còn bị bệnh bướu cổ và u thần kinh, mụn nhọn nổi khắp người. Chính bệnh tật, sự kỳ thị của mọi người đã khiến cô gái này có những khi muốn tìm đến cái chết, muốn được giải thoát.

"Mọi người xa lánh, chả ai dám lại gần tiếp xúc nên có những lúc tôi muốn chết đi. Ngày còn trẻ, thấy chúng bạn được ăn mặc đẹp, mà tôi quanh năm chỉ mặc chiếc quần dài cũ nên luôn tủi thân rồi hờn trách bố mẹ sao sinh ra con không giống người như thế này", chị Luyện nói trong đau đớn.

Cuộc sống của Luyện cứ lặng lặng trôi qua cho đến một ngày chị gặp được anh Phụ. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 6 anh chị em. Từ khi sinh ra, đôi mắt anh đã bị mờ, rồi dần dần mất đi ánh sáng lúc nào không hay. Chị Luyện kể, ngày ấy, chị thường xuyên lui tới nhà bác họ, ngay sát vách nhà anh Phụ chơi. Cũng từ đây, hai số phận được ông trời vun vén gặp nhau. "Lần đầu tiên tôi gặp anh Phụ khi anh ấy sang nhà bác chơi. Lúc đó tự anh ấy lại gần bắt chuyện, kể rất nhiều về hoàn cảnh của mình. Anh Phụ là người đàn ông đầu tiên nghe tôi trải lòng về cuộc sống, nên mỗi lần gặp anh, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều", chị Luyện thổ lộ niềm vui.

"Mong một một lần nhìn thấy vợ con"

Hiện nay, đôi mắt anh Phụ không thể nhìn thấy ánh sáng.

Sau nhiều lần gặp gỡ, chị Luyện đem lòng thương mến chàng trai mù lòa. Tuy nhiên, chị lại chẳng dám thổ lộ tình yêu này bởi chị sợ gia đình hai bên ngăn cấm, sợ những đứa con sinh ra lại bị bệnh tật giống bố mẹ chúng. Sự mặc cảm, tự ti cùng nỗi sợ hãi đã khiến tình yêu của chị dành cho người đàn ông đầu đời nằm trong im lặng cho đến một ngày, gia đình hai bên tổ chức mai mối, gắn kết hai người lại với nhau. "Ngày ấy gia đình hai bên không biết chúng tôi quen nhau trước đó nên tổ chức đưa tôi đi gặp mặt anh Phụ. Tôi thương anh vì số phận anh giống mình. Khi được gia đình ủng hộ, tôi đã không ngần ngại mà đồng ý làm vợ anh", chị Luyện kể lại.

Chính vì tình yêu thương, sự đồng cảm về số phận giữa hai người, đầu năm 2014, một đám cưới cổ tích đã diễn ra ở miền quê nghèo. Một đám cưới đơn giản chỉ có vài mâm cỗ đặt ở sân nhà nhưng vô cùng ấm cúng, hạnh phúc. Cưới xong, anh Phụ được bố mẹ dựng cho một căn nhà tạm ở mảnh đất cũ để hai vợ chồng ra ở riêng. Ông trời như có mắt trước số phận của vợ chồng anh chị nên hai cháu Lê Thị Kiều Anh (SN 2014) và Lê Đức Hùng (SN 2017) lớn lên khỏe mạnh, chăm ngoan. Được bên nhau san sẻ số phận nhưng cũng từ đây gánh nặng khó khăn đè lên đôi vai vợ chồng anh chị. "Những ngày đi làm, tôi phải khóa cửa lại cho chồng và con ở trong nhà vì không ai trông nom. Làm một buổi sáng, tôi lại đạp xe về để chăm cho con, cho chồng vì anh Phụ mù không làm được việc gì hết", chị Luyện ngậm ngùi.

Sau nhiều năm làm vợ, làm mẹ, chị Luyện chịu biết bao khổ cực. Nhiều hôm anh Phụ lên cơn thần kinh, nói nhiều, thậm chí đánh đập vợ. Nhưng với tình yêu, sự đồng cảm, chị chịu trận mà không hề oán trách chồng. Thấm thoát 4 năm trôi qua, dù không nhìn được mặt hai con như thế nào, nhưng khi hỏi về các con, anh Phụ không giấu được niềm vui. "Con trai tôi ai cũng khen khôi ngô lắm. Khi mới lấy nhau, vợ chồng không dám ra đường vì sợ người ta lại chỉ trỏ rồi cười nhạo. Đến khi có con, cuộc sống vất vả hơn nhiều nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc, lấy đó làm nghị lực sống", anh Phụ tâm sự trong hạnh phúc người cha.

Hai mảnh đời khó nhọc trong ngôi nhà nhỏ nơi thung lũng im lìm tự chăm sóc nhau để cùng vượt qua số phận. "Tôi thương vợ con, nhưng đôi mắt mù này khiến tôi bất lực trước mọi việc. Tôi mong có thể một ngày nào đó mắt tôi được chữa khỏi, được nhìn thấy ánh sáng để ngắm vợ con và có thể tự kiếm tiền giúp đỡ vợ", anh Phụ ngậm ngùi tâm sự.

Trong căn nhà trống hơ trống huếch ở vách núi ấy, tài sản chẳng có gì nhưng tình người là đáng giá. Dù cuộc sống khó khăn bộn bề, nhưng gia đình khó nhọc ấy vẫn le lói những hi vọng về một tương lai tươi sáng cho mái ấm của họ.

Khánh Chi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-co-nang-chan-voi-va-chang-khiem-thi-20191223193406513.htm