Chuyện tiền thưởng đội bóng và vấn đề niềm tin

Câu chuyện Hóa chất Đức Giang 'xù' tiền thưởng đội bóng đá nữ luôn nóng trong những ngày qua. Dù đúng, sai thế nào thì đến giờ cả 2 đều bị tổn thương.

Đến thời điểm này thì vẫn chưa có bất cứ động thái nào được diễn ra. Phía đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia đã khéo léo từ chối không nhận, phía Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang vẫn án binh bất động và chưa thể trao tiền. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong vụ việc này chính là ban lãnh đạo và các cầu thủ nữ.

Khúc mắc bắt nguồn từ… niềm tin

Câu chuyện bắt đầu có lẽ từ cách trao và cách nhận tiền thưởng. Liên đoàn bóng đá và Lãnh đạo đội bóng thì muốn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu tài khoản đó là của ông Chủ tịch Liên đoàn, ông Phó chủ tịch Liên đoàn hay của Huấn luyện viên Mai Đức Chung thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đáng tiếc.

Đằng này lại là tài khoản của một cô Hạnh nào đó mà không thuộc thành phần đội bóng (Sau này ông Nguyễn Minh Châu – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã xác nhận cô Hạnh là cán bộ Liên đoàn được cử đi theo đội bóng để làm nhiệm vụ kết nối, hậu cần và tiếp nhận tài trợ). Đây có lẽ là điểm mấu chốt khiến ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang không yên tâm, không tin tưởng nên không chịu trao.

Sau khi ông Huyền không chịu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Liên đoàn và yêu cầu Lãnh đạo đội bóng chuyển cho ông một bản danh sách nhận thưởng để Đức Giang trực tiếp chuyển tiền vào tài khoản cho các cầu thủ thì phía đội bóng lại cho đó là việc nội bộ và không cung cấp.

Đành rằng ai cũng có cái lý của mình, ông Huyền thì muốn minh bạch, ông Chung thì muốn tế nhị để không ai có thể soi mói, khen chê. Cuối cùng không ai chịu nhường và cả 2 đều chịu thiệt. Doanh nghiệp thì mang tiếng quỵt tiền, đội bóng thì mất một khoản tiền thưởng để động viên, khích lệ cầu thủ.

Quay lại chuyện trao thưởng. Sau khi bị báo chí tố “xù” tiền thưởng của đội bóng, do không muốn bị tai tiếng và đẩy câu chuyện đi quá xa, ông Huyền và các cộng sự đã đem 500 triệu tiền mặt sang trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam để đích thân trao tặng cho đội bóng.

Ông Huyền cho biết, trước khi sang, ông Huyền đã trao đổi với Huấn luyện viên Mai Đức Chung và được ông Chung hứa sẽ bố trí cùng lãnh đội và các cầu thủ đứng ra nhận. Tuy nhiên khi ông Huyền sang thì tất cả đã tránh mặt, chỉ có ông Nguyễn Minh Châu – Phó Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá tiếp và thông báo đội bóng từ chối nhận thưởng.

Sau đó qua báo chí mọi người biết là Huấn luyện viên Mai đức Chung đã thay mặt toàn đội từ chối nhận thưởng của Đức Giang với lý do: “Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty Đức Giang vì đã có ý định thưởng nhưng giờ chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa".

Như vậy rõ ràng vì những sự không thống nhất, vì tự ái hay sĩ diện của người lớn, không ai chịu nhún nhường nên dẫn đến người chịu thiệt thòi nhất trong sự việc này chính là các cầu thủ. Họ vô tình mất đi một khoản tiền mà họ vô cùng xứng đáng được nhận. Nếu người lớn chịu ngồi với nhau, chịu thông cảm cho nỗi niềm của nhau thì có lẽ sự việc đã được ổn thỏa.

Nên nhớ với số tiền 500 triệu đồng nếu chia ra ít nhất mỗi cầu thủ cũng có thể nhận được hơn 10 triệu. Đây là số tiền không hề nhỏ khi mà các em đa phần đều xuất thân từ những gia đình nông thôn không khá giả, thậm chí là nghèo khó. Với mỗi cầu thủ số tiền này có thể sẽ giúp gia đình các em có một cái Tết đủ đầy, ấm no.

Cần cơ chế rõ ràng

Sau những lùm xùm này thì một vấn đề được đặt ra là trong khi thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, các mạnh thường quân chắc chắn sẽ tiếp tục tài trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới thì vấn đề rõ ràng minh bạch lại càng trở nên cấp thiết. Điều mà các nhà tài trợ mong muốn nhất là số tiền của họ được trao đúng người, đúng mục đích.

Sau những lùm xùm về việc chia tiền thưởng của đội bóng đá nữ cách đây vài năm đã khiến không ít tốn giấy mực của báo giới thì điều mà dư luận và đặc biệt là nhà tài trợ quan tâm đó chính là sự minh bạch của dòng tiền.

Muốn vậy, những khoản tiền thưởng các đội bóng cần được chuyển về một tài khoản nào đó đứng tên Liên đoàn hay đội bóng chứ không nên là những tài khoản cá nhân dù đó là những người đáng tin cậy và uy tín.

Dư luận đặt ra giả thiết bỗng một ngày nào đó các cá nhân nhận tiền biến mất thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những khoản tiền này. Khi đó việc xử lý để làm sao các vận động viên nhận lại được cũng không phải là dễ, thậm chí là mất rất nhiều thời gian.

Dân gian ta có câu: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi chưa có tiền thì không sao, khi đã có tiền thì rất dễ nảy sinh tranh chấp. Khi đó mọi sự rõ ràng, minh bạch sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi việc dù phức tạp đến đâu.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù là tiền thưởng cho các đội thể thao nhưng trong việc này vai trò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, thậm chí cao hơn nữa là của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là vô cùng quan trọng. Họ chính là những người cầm cân nảy mực, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo hay phân xử những sự việc tương tự Đức Giang xảy ra. Việc làm công tâm minh bạch, có tình có lý của họ sẽ tạo niềm tin, động lực cho các doanh nghiệp chung tay đóng góp cho thể thao nước nhà, giúp cho các vận động viên yên tâm phấn đấu mang về vinh quang cho đất nước.

Tiến Dũng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chuyen-tien-thuong-doi-bong-va-van-de-niem-tin-165242.html