Chuyện thực phẩm: Thức quê chỉ sẵn rau

Phải công nhận rau hồi đó chỉ nhõn loại rau sạch, không có kiểu phân biệt rau bán rau ăn như bây giờ.

Bữa cơm gia đình đầm ấm - Ảnh: Tư liệu/Internet

Sau loạt bài về lương thực, có bạn đọc nhắn hỏi sao không viết về thực phẩm, tức là thức ăn thời bao cấp, thời hậu chiến. Lương thực phải đi với thực phẩm mới đủ đôi đủ bộ chứ. Lại có bạn tỏ ý hồ nghi, thắc mắc những chuyện ấy xảy ra hồi nào, ở đâu, sao nghe giống chuyện cổ tích quá…

Quả thật sự gợi ý về thực phẩm làm sống lại bao nhiêu ký ức thời chưa xa, cần phải biên ra kẻo sau này đầu óc loãng đi có muốn ghi chép cũng chả được. Và xin nói rõ ngay từ đầu, tất cả mọi điều đã kể hoặc sẽ kể đều là thực, mắt thấy tai nghe, bản thân từng trải, chủ yếu ở miền Bắc hồi thập niên 1960 - 1970, sau chút nữa là thời hậu chiến 1975 cả hai miền.

Những năm xa ấy, lương thực đã thiếu, cơm chỉ 2 lưng bát mỗi bữa, lại độn đủ thứ ngô khoai sắn bột mì thì làm gì có chuyện thực phẩm sẵn, dồi dào. Hồi tôi còn bé, thậm chí khi đã nhớn đi học cấp 2, biết nhiều nhà làng mình chỉ có cơm mà không mấy khi đủ thức ăn. Loanh quanh cũng mấy thức vườn nhà, rau là chính, chứ thịt thà tôm cá không mấy khi xuất hiện trên mâm. Con gà nuôi để nhặt hạt rơi hạt vãi, bắt con sâu con bọ ngoài vườn, khi chúng to nhơ nhỡ trở lên là thày bu đã xách ra chợ bán lấy tiền đong gạo, đố nhà nào dám cắt tiết. Giết lợn chui có khi bị đi tù. Giò chả nem mọc chỉ có trong câu chuyện khề khà hoặc dịp tết. Thức ăn trong bữa cơm của dân quê thật nghèo nàn và đơn giản.

Bây giờ ta quen gọi chung những thứ kèm cơm là thực phẩm, chứ cách nói dân dã là thức ăn. Ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi, trên thị trấn cạnh cửa hàng bách hóa bán vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, cái kim sợi chỉ… là cửa hàng thực phẩm với thịt cá, gà qué, nước mắm, xì dầu, đậu phụ, lòng lợn, rau cỏ. Chỉ những người có tem phiếu, có sổ mua hàng mới dám bén mảng hai cửa hàng này. Còn chỗ của phó thường dân là chợ Thọ Xuân gần đó, hay còn gọi là chợ huyện, chợ Tác Giang(Tác Giang là một tên gọi khác của sông Đa Độ chảy qua huyện), cũng đủ loại, chỉ có điều giá cao gấp mấy lần trong cửa hàng thương nghiệp. Vì vậy, thời ấy người ta tìm mọi cách để thoát ly, tức là làm cán bộ công nhân viên nhà nước, có sổ có phiếu mua hàng. Cái sổ ấy không chỉ để chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội mà còn tiết kiệm được ối tiền, nhất là lương ba cọc ba đồng. Giữ sổ kỹ chẳng khác gì của gia bảo. Lỡ để mất nó với cái sổ gạo thì chỉ còn cách treo mõm, ông anh họ tôi dạy học nửa đùa nửa thật bảo vậy. Nhớ có lần tôi về phép, năm ấy khoảng 1981-1982 gì đó, đứa cháu họ tôi là thương binh, dạy học ở Trường cấp 2 Thanh Sơn, một tay (y bị cụt tay) phóng xe đạp xuống mời chú lên nhà xơi cơm. Y bảo hôm nay cửa hàng thực phẩm có bán lòng lợn, để cháu mua đãi chú. Lại một tay phóng xe đạp lên huyện. Về nhà rồi y kể, vội vã đi, thế mà lên đã thấy người xếp hàng dài dặc. Thương binh được ưu tiên, có hàng riêng. Khi tới lượt mua mới nhớ quên sổ ở nhà. Cô mậu dịch viên nhất quyết không bán, không có sổ thì làm sao bán. Y năn nỉ mãi, cô không lay chuyển, kêu anh đứng ra cho người khác mua. Nghĩ tới ông chú mặt mũi vêu vao đang háo hức chờ món lòng lợn ở nhà, y bảo cô ạ, tôi quên đem sổ nhưng sổ của tôi đây, rồi giơ cánh tay cụt lên huơ huơ. Cô hàng tần ngần, rồi “em thông cảm cho anh lần này thôi”, bán cho nửa ký lòng lợn theo sổ-cánh tay cụt. Nghe kể, vợ y cười tủm tỉm, hú vía, chứ không hôm nay vợ chồng cháu chỉ biết đãi chú bằng rau luộc. Bữa lòng lợn kỳ công ấy khiến tôi nhớ mãi.

Đồ ăn thức uống ở nhà quê được gọi là thức quê. Nhiều khi nói thức ăn thì đám trẻ bây giờ hiểu ngay, nhưng nói thức quê chúng lại ngớ ra. Tôi tra từ “thức” trong từ điển, nghĩa động từ của nó là “không ngủ, làm cho tỉnh dậy”, chả hạn người ta khuyên nhau “thức lâu mới biết đêm dài”, còn chức năng danh từ chỉ có một nghĩa “thứ để ăn, đồ ăn uống”, nông thôn mùa nào thức ấy, quả dưa vào mùa hè, quả táo mùa xuân, củ su hào củ khoai tây và bọn rau xanh nhiều nhất vào dịp trước và sau tết âm lịch… Đó là thức quê.

Nhân nhắc tới rau, sực nhớ rau là món chính trên mâm cơm nông dân và dân nghèo thành thị suốt mấy chục năm. Chỉ khi nhà có khách, trông bữa cơm mới giàu chất đạm, có đĩa trứng rán, đĩa cá kho, tôm rang, bát canh khoai tây nấu sườn, chứ bình thường nhìn mâm thức ăn cứ xanh ngăn ngắt. Rau luộc, rau nấu canh, rau xào (chả mấy khi xào bởi không có mỡ), rau sống, hôm kiểu này, mai kiểu khác, tinh rau là rau. Được cái nhà quê sẵn rau, đủ loại cải thìa, muống, dền, ngót, mùng tơi, mướp, su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà chua, đậu cô ve; trồng trong vườn, ngoài ruộng, bờ rào, ven kênh, cứ tới bữa ăn cầm cái rổ nhảo ra một lúc là đủ nấu. Phải công nhận rau hồi đó chỉ nhõn loại rau sạch, không có kiểu phân biệt rau bán rau ăn như bây giờ. Tôi lúc bé rất sợ tuốt rau ngót bởi thứ rau này nhiều sâu, những con sâu đo màu xanh nõn chuối bé bằng ruột bút chì, dài bằng nửa cái tăm cong người trốn khi đụng phải nó. Nhiều bữa rửa rất kỹ nhưng múc bát canh vẫn thấy chình ình con sâu bị luộc chín giữa tô, thày tôi cười bảo không sao, ăn được tất. Rau có sâu là rau không bị phun thuốc trừ sâu (hồi ấy phổ biến 3 loại DTT, 666 và Vofatoc rất độc), không nhiễm độc, ăn càng lành, đừng đổ đi, phí. Chẳng hiểu sao từ thời bấy giờ thày tôi đã nhìn ra cái mối lo ngại của người tiêu dùng mấy chục năm sau.

Nói gì thì nói, đám trẻ con vẫn thích thịt cá gà qué hơn rau. Cứ có dịp ngồi với nhau, tinh kể lể thèm thịt thèm giò thèm cá rán, chả đứa nào nhận tao thèm rau. Nhớ hồi học cấp 1, trong sách tập đọc lớp 2 có bài về cu Tí. Hình như suốt mấy lớp, từ lớp vỡ lòng tới lớp 1, lớp 2, lớp 3, cu Tí đều là nhân vật chính. Tí của lớp 2 thèm thịt, bài học thuật lại rằng “Hôm nào thấy mâm cơm không có thịt là cu Tí buồn thiu. Một hôm Tí nói với mẹ: Mẹ ơi, ăn rau chán chết, sao mẹ không mua thịt luôn mà ăn. Mẹ Tí cười, thịt đắt tiền, lại khó mua…”, đại loại mẹ Tí nâng cao nhận thức cho Tí, rằng rau vừa rẻ vừa bổ, con ạ, ăn rau rất tốt. Đám trẻ con đi học chúng tôi nghe dạy vậy thì biết vậy nhưng vẫn cứ thèm thịt.

Nguyễn Thông

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-thuc-pham-thuc-que-chi-san-rau-93979.html