Chuyện thú vị về đồng tiền cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn

Dân gian xưa lưu truyền một câu chuyện thú vị trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, nó liên quan đến đồng tiền cuối cùng trong của chế độ phong kiến và cũng là đồng tiền cuối cùng của vương triều Nguyễn.

Tháng 2 năm 1924, Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy đang du học tại Pháp về nước để dự Lễ Tứ Tuần Đại khánh của vua cha là Khải Định, đến tháng 11 năm 1924 trở lại nước Pháp để tiếp tục học. Tháng 11 năm 1925, Vĩnh Thụy về nước thọ tang Khải Định và đến ngày 8 tháng 1 năm 1926, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm vua lấy niên hiệu Bảo Đại, tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập giao quyền điều hành cho một Hội đồng phụ chánh,

Sau 10 năm học tập ở Pháp, ngày 16 tháng 8 năm 1932, Bảo Đại xuống tàu "Đác ta nhăng" (Dartagnan) về nước.Sau đó Bảo Đại đã tiến hành cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, bãi bỏ một số tập tục truyền thống từ đó thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn long nhan nhà vua khi nhà vua tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy...

 Chân dung vua Bảo Đại.

Chân dung vua Bảo Đại.

Tuy nhiên cũng có những việc vị vua Tây học này vẫn tuân theo quy tắc xưa, như đúc tiền chẳng hạn. Tiền đồng Bảo Đại thông bảo là loại tiền đồng Việt Nam kiểu cổ sau cùng được phát hành vào năm 1933; cớ ba loại khác nhau: Một loại tiền đúc cỡ nhỏ, loại tiền đúc cỡ lớn mặt sau có chữ "thập văn" và loại tiền đúc lớn nhất mặt sau không có chữ.

Theo hệ quy đổi tỉ giá lúc bấy giờ, 01 tiền đồng Bảo Đại ăn 6 đồng tiền kẽm, 01 tiền đồng "thập văn" ăn 10 đồng tiền kẽm và 01 đồng trinh ăn 1/2 hay 1/3 tiền Khải Định (loại tiền máy rập). Đồng tiền Bảo Đại còn được gọi là 1/6 (một phần sáu) của 1 (một) đồng xu (1 đồng bạc có 100 xu), với một đồng Bảo Đại, người ta chỉ có thể mua được hai ba cọng hành lá.

Ngoài tiền Bảo Đại thông bảo thông thường, khi đó Ngân hàng Đông Dương còn đúc đồng trinh tiền Bảo Đại thông bảo bằng máy rập nhưng giá trị rất thấp, phải 02 hoặc có khi phải 03 đồng đồng trinh tiền Bảo Đại thông bảo mới ăn ngang giá trị 01 đồng trinh tiền Khải Định thông bảo. Nếu so với tiền Đông Dương thì giá trị đồng trinh tiền Bảo Đại thông bảo chỉ bằng 1/400 đến 1/600 của 01 xu tiền Đông Dương nên không có chức năng kinh tế nào.

Tiền Bảo Đại thông bảo- Thập văn.

Điều thú vị là đồng Bảo Đại thông bảo phải mất 2 thậm chí ba “đồng Bảo Đại” mới đổi được một “đồng Khải Định”. Trước đấy, người ta thường dùng “đồng Khải Định” để bố thí cho người ăn xin, nhưng kể từ khi “đồng Bảo Đại” ra đời, chiếm độc tôn giá trị thấp nhất, là đơn vị chót của hệ thống tiền tệ lúc bấy giờ nên thay vì cho đồng Khải Định như trước, người ta giờ chỉ cho đám “cái bang” đồng tiền nhỏ nhất là đồng Bảo Đại.

Theo tài liệu của báo Đuốc Nhà Nam thì trước khi đồng Bảo Đại ra đời, dân chúng vẫn tiêu xài tiền tệ bằng đơn vị chót là đồng Khải Định. Phải 2 (hai) Đồng Khải Định mới đổi được 1 (một) xu, do đó đồng Khải Định còn được gọi là đồng “nửa xu” hoặc “tiền chinh”.

Lê Thái Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chuyen-thu-vi-ve-dong-tien-cuoi-cung-cua-vuong-trieu-nha-nguyen-1167990.html