Chuyện thú vị về cách 'giữ lửa' cho Thế vận hội Olympic

Kể từ năm 1936 đến nay, Thế vận hội Olympic có truyền thống rước một ngọn đuốc từ Hy Lạp tới nơi đăng cai tổ chức sự kiện để thắp sáng đài lửa trong lễ khai mạc. Việc giữ cho ngọn lửa luôn cháy sáng, bất kể địa hình hay thời tiết, đã tốn không ít công sức của nhiều thế hệ người tổ chức thế vận hội.

Theo Popular Science, lễ rước đuốc luôn bắt đầu với việc thắp lửa ở Khu di tích Olympia (Hy Lạp), nơi diễn ra các kỳ thế vận hội đầu tiên kể từ thời cổ đại. Nhưng để thắp lửa, người ta không dùng các cách thông thường mà sử dụng một gương cầu lõm hội tụ ánh sáng mặt trời vào ngọn đuốc. Để dự phòng cho tình huống không đủ ánh nắng trong ngày diễn ra buổi lễ chính thức, một buổi tổng duyệt sẽ được tổ chức trước đó. Một ngọn lửa phụ được thắp lên trong buổi tổng duyệt này và được duy trì cho tới sau khi lễ đốt đuốc kết thúc.

 Khoảnh khắc ngọn đuốc của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 được thắp sáng tại Olympia (Hy Lạp). Ảnh: Tokyo2020.org

Khoảnh khắc ngọn đuốc của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 được thắp sáng tại Olympia (Hy Lạp). Ảnh: Tokyo2020.org

Cây đuốc mà những người tham gia rước đuốc chuyền tay nhau cũng rất đặc biệt. Trải qua nhiều kỳ thế vận hội, thiết kế cây đuốc đã thay đổi nhiều lần nhưng đều có mục đích là không để cho lửa tắt. Bên trong cán đuốc có một bình nhiên liệu, được thay thế thường xuyên để duy trì ngọn lửa luôn cháy sáng. Ngoài ra, trong cán đuốc còn có cơ chế giữ lửa dự phòng trong trường hợp ngọn lửa bị tắt do trời mưa, tuyết rơi.

Tuy nhiên, dù cho cây đuốc được thiết kế tinh xảo như thế nào, ngọn lửa từng bị tắt nhiều lần trong quá trình những người cầm đuốc chạy tiếp sức. Để khắc phục vấn đề này, ban tổ chức dùng ngọn lửa ấy thắp sáng nhiều lồng đèn chuyên dụng và mang chúng đi theo cây đuốc chính.

Bằng nhiều phương thức phức tạp, kỳ công, ngọn lửa biểu tượng cho tinh thần thể thao luôn có mặt để đánh dấu sự bắt đầu của một kỳ thế vận hội trong suốt 85 năm qua. Nghi lễ này không chỉ đại diện cho sự bắt đầu và kết thúc của sự kiện thể thao trọng đại nhất thế giới, mà còn tượng trưng cho việc con người nỗ lực gìn giữ truyền thống bằng những thành tựu thời hiện đại.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/chuyen-thu-vi-ve-cach-giu-lua-cho-the-van-hoi-olympic-655326