Chuyện thú vị về các Bảng nhãn Việt Nam - Kỳ 10: Đỗ quan triều Mạc, tiết nghĩa triều Lê

Đỗ Bảng nhãn triều nhà Mạc, nhưng Đỗ Uông lại sáng chói khi làm quan dưới triều nhà Lê.

GD&TĐ - Đỗ Bảng nhãn triều nhà Mạc, nhưng Đỗ Uông lại sáng chói khi làm quan dưới triều nhà Lê.

Đỗ Uông là một trong số ít các đại khoa biết trước sẽ đỗ Bảng nhãn. Ảnh minh họa: IT.

Đỗ Uông là một trong số ít các đại khoa biết trước sẽ đỗ Bảng nhãn. Ảnh minh họa: IT.

Đỗ Uông sinh năm 1523 hoặc 1533 ở xã Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc (nay là thôn Đoàn Lâm, xã Thanh Tùng, Thanh Miện – Hải Dương). Ông đỗ Đệ nhất giáp đồng tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn), khoa Bính Thìn (1556) khi còn rất trẻ (23 hoặc 33 tuổi và lần lượt làm quan cho nhà Mạc và nhà Lê trung hưng.

Yêu tinh tặng ngọc

Thời Mạc Mậu Hợp niên hiệu Sùng Khang (1574), Đỗ Uông giữ chức Hữu thị lang Bộ Binh, kiêm Vương phó (thầy của bậc vương công), sau đổi làm Tả thị lang Bộ Công. Năm Mậu Dần (1578), ông làm Chánh sứ sang nhà Minh dâng lễ cống, khi trở về được thăng chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, tước Phúc Quận công.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng Đỗ Uông sớm có tư chất thông minh hơn người. Trong “Vũ Trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ lược tả về Đỗ Uông:… khi xưa bà ngoại tổ mẫu Đỗ Uông góa chồng sớm, nhà nghèo mở ngôi hàng bán nước ở bên đường.

Một hôm có một người đến ngồi nghỉ ở quán nước, lúc về thì để quên gói bạc, ít hôm sau quay trở lại tìm thì bà hàng nước mang đủ số bạc trả lại. Người khách muốn đưa bà ít bạc trả ơn, nhưng bà nhất quyết không nhận. Ông ta cảm kích nói rằng gần đó có một cuộc đất phát đến công khanh, muốn để cuộc đất đấy cho bà.

Bà hàng nước bùi ngùi nói rằng: “Thân già này có con cái gì đâu, chỉ còn sót đứa cháu ngoại ba đời, còn mong công khanh gì nữa!”. Người khách kia nói cháu ngoại thì cũng được, có điều phát phúc sẽ không được lâu dài.

Cháu của bà là Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm, sau này đúng là thông minh, đĩnh ngộ, học hành rất giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Đỗ Uông cùng với Phạm Trấn ở làng Lam Kiều, người cùng huyện đều nổi tiếng về kiến thức rộng nên có ý ganh đua nhau trong việc học.

Trong làng có miếu thờ nữ yêu tinh, mỗi khi học bài xong, đi ngủ Đỗ Uông thường mơ thấy yêu tinh hiện ra nói rằng: Trấn đỗ Trạng nguyên, Uông đỗ Bảng nhãn.

Một tối đang đọc sách, bỗng bên ngoài cửa sổ có cánh tay thò vào, Uông đoán đó là tay yêu tinh. Sáng hôm sau hỏi một pháp sư, người đó bảo: Từ nay, hễ thấy nó thò tay vào thì dùng chỉ ngũ sắc buộc lại, nó sẽ không thể biến được.

Uông nghe vậy có ý rình đến canh khuya, thấy con yêu thò tay vào trêu bèn lấy chỉ ngũ sắc buộc ngay song cửa khiến tay nó cứng đờ không thể rút ra được. Đến gần sáng nó khóc lóc van lơn mà nói: Tôi thấy cậu sắp đại quý nên mới đùa bỡn, sao cậu lại nỡ nhẫn tâm thế?.

Đỗ Uông bèn hỏi: Như tài học của ta đây có thi đỗ được Trạng nguyên hay không? Con yêu tinh đáp: Trạng nguyên sẽ về tay họ Phạm, ông chỉ đỗ thứ hai thôi.

Đỗ Uông bèn tháo chỉ ngũ sắc tha cho, con yêu bèn thổ ra một viên ngọc tặng ông. Đỗ Uông bỏ vào mồm nuốt chửng, từ đó về sau học một biết mười, văn chương càng xuất sắc như nhả ngọc phun châu khiến Phạm Trấn cũng không theo kịp.

Không phục Trạng nguyên

Đúng như lời con yêu tinh, khoa thi năm Bính Thân (1556), Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên còn Đỗ Uông chỉ đỗ Bảng nhãn.

Để giải thích cho sự kiện này, dân gian tương truyền vào đến kỳ thi, khi đọc đề Đỗ Uông đã nghĩ ngay mình sẽ đỗ Trạng nguyên. Phạm Trấn khi đó đang trong lều bỗng nghe loáng thoáng bên tai có tiếng người nói tự xưng tên, một người là Hàn Kỳ, người kia là Đông Phương Sóc. Họ đọc cho Phạm Trấn viết bài, nhưng vì thấy ông viết không kịp nên Đông Phương Sóc nói với Hàn Kỳ: Ta phải làm cho Uông ốm để giảm sức viết đi.

Thế là Đỗ Uông đang làm bài bỗng đau bụng, không thể viết được đành nằm rên rỉ. Mãi đến khi Phạm Trấn viết gần xong bài thì Đỗ Uông mới khỏi. Vì không còn thời gian nên bài của Đỗ Uông hơi kém.

Cho là sức học của mình hơn hẳn Phạm Trấn, nên danh hiệu Trạng nguyên phải thuộc về mình - Ðỗ Uông không phục.

Lúc vinh quy bái tổ, vì hai người cùng huyện nên cùng một đường đi, Đỗ Uông ức lắm, cảm thấy không phục vì rõ ràng tài học của mình cao hơn. Theo lệ thì Trạng Nguyên được đi trước, thế nhưng Bảng nhãn lại cứ cho ngựa đi ngang hàng với Trạng nguyên.

Khi đến làng Hoạch Trạch, dân chúng biết có cả Trạng nguyên lẫn Bảng nhãn vinh quy bái tổ đi ngang qua thì mừng lắm, liền chạy đến xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Đây là một chiếc cầu ngói hơn mười gian.

Sẵn có chuyện ganh đua, hai người bèn thách nhau làm thơ, qua 7 gian phải vịnh xong, ai xong trước sẽ được đi trước. Mới đi được mấy bước thì Phạm Trấn đã đọc luôn 8 câu thơ khiến ai cũng phục tài, nhưng Đỗ Uông không phục cho rằng bài thơ đã được làm từ trước, nên lại vẫn cho ngựa đi ngang hàng với Trạng nguyên.

Hai người cùng ngang hàng đi đến làng Minh Luận. Tại đấy có người mới làm xong nhà nên xin câu thơ mừng nhà mới. Phạm Trấn liền đọc luôn: Năm năm thêm phú quý/Ngày ngày hưởng vinh hoa/Xưa có câu như thế/Nay mừng mới làm nhà.

Lúc này Đỗ Uông mới cảm thấy Phạm Trấn có tài năng, nhưng trong lòng vẫn chưa phục.

Hai người về đến cầu làng Đoàn Lâm, tên tục gọi là cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng tên Loan. Hai người liền thách nhau cùng làm bài thơ Nôm lấy đề là “Cô Loan bán hàng cầu Cốc”, mỗi câu phải có 2 giống chim, qua cầu phải đọc xong, ai xong trước được đi trước mà không tranh nhau nữa.

Vừa thống nhất xong, ngồi trên lưng ngựa, Phạm Trấn đã đọc ngay rằng: Quai vạc đôi bên cánh phượng phong/Dở giang bán chác lựa đồ công/Xanh le mở khép nem hồng mới/Bạc ác phô phang rượu vịt nồng…/Yến anh đón rước vừa ban tối,/Ông mổ bà, bà lại quạc ông.

Sau khi Phạm Trấn nhiều lần thể hiện tài năng của mình, Đỗ Uông mới hiểu ra, chịu phục và để cho Trạng nguyên được đi trước theo đúng lệ.

Xung quanh Bảng nhãn Đỗ Uông có rất nhiều giai thoại bí ẩn. Ảnh minh họa: IT.

Tiết nghĩa nhà Lê

Đình thờ và lăng mộ Đỗ Uông được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2002. Vào ngày 8 tháng giêng hằng năm, dân làng Đoàn Lâm lại long trọng tổ chức tế lễ tưởng nhớ, tri ân công lao của Bảng nhãn Đỗ Uông.

Năm Giáp Tuất 1574, đời Mạc Mậu Hợp, Đỗ Uông làm Hữu thị lang Bộ Binh, kiêm Vương phó - là thầy của các bậc vương công. Sau đổi làm Tả thị lang Bộ Công. Năm Mậu Dần (1578), ông làm chánh sứ qua nhà Minh dâng lễ cống. Khi trở về thăng Thượng thư bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Phúc quận công.

Cuối năm 1592, khi nhà Mạc mất, ông cùng một nhóm quan lại cũ của nhà Mạc phù tá nhà Lê, được vua Lê cho giữ nguyên chức vụ, chỉ đổi tên tước là Thông Quận công. Sau ông được phong giữ chức Thượng thư Bộ Hộ, tước phong Thông quận công, được cử cùng Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm quan hầu mệnh đến cửa Trấn Nam Giao, trao đổi điệp văn thư từ với viên Tả giang binh tuần đạo nhà Minh là Trần Đôn Lâm.

Tháng 12 âm lịch (1597), Đỗ Uông làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc mang hai người vàng, người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu của nhà Minh nhận nhiều của đút lót của họ Mạc, vì thế tìm cách thoái thác, việc không xong lại vừa gặp Tết Nguyên Đán nên trở về kinh.

Ngày 19 tháng 2 âm lịch năm sau, ông lại cùng Nguyễn Văn Giai đi Lạng Sơn, gặp nạn nhưng thoát được. Tháng 11 âm lịch năm 1598, ông được phong hàm Thiếu bảo.

Ngày 6 tháng 12 âm lịch, Tiết chế Trịnh Tùng sai ông chuẩn bị nghi chú, lễ vật đến cửa Trấn Nam Giao đón tiếp Bắc sứ của nhà Minh.

Vào năm 1600, trong nước có biến, một số tướng lĩnh cũ nhà Mạc làm phản. Vua Lê phải chạy về Tây Đô (Thanh Hóa). Đỗ Uông ra sức can ngăn, khuyên ở lại Kinh đô cố thủ chờ quân cứu viện. Chúa Trịnh nghĩ Đỗ Uông vốn là bề tôi cũ của nhà Mạc nên cho là có mưu đồ xấu, bèn cầm giáo đâm chết ông.

Tuy nhiên, theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” thì Đỗ Uông bị quân phản loạn giết chết, chứ không phải do chúa Trịnh nghi ngờ mà giết.

Sau vụ biến loạn này, vua Lê thấy rõ lòng trung thành tiết nghĩa, trung quân ái quốc của Bảng nhãn Đỗ Uông nên ra chiếu minh oan. Đỗ Uông được truy tặng hàng “Thái bảo”, phong làm phúc thần, ban sắc và cho dân làng lập miếu thờ. Thi hài ông được đem về an táng tại đống Mả Lái, ông được phong làm Thành hoàng làng Đoàn Lâm, nơi thờ ông gọi là đình Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện).

Hiện nay, tại đình thờ Đỗ Uông còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và một bức hoành phi dựng vào năm Canh Ngọ, niên hiệu Bảo Đại (1930) ghi chép những điều quý báu về sự tích của Đỗ Uông.

Hoành phi có đoạn viết: “Phụng trời giúp đời, cứu nước, an dân… kiên trung, nghĩa lớn, nghị luận chính đáng, đạo đức trong sáng, công trạng lớn lao, oanh liệt, mưu kế hiển hách… văn chương vì nước vì dân hết lòng hiến dâng sự tinh anh tài giỏi cho dân,… công trạng lớn lao, chiến tích vĩ đại”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chuyen-thu-vi-ve-cac-bang-nhan-viet-nam-ky-10-do-quan-trieu-mac-tiet-nghia-trieu-le-065EZP1ng.html