Chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông ở Phiêng Ban

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, huyện Quỳnh Nhai là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng cố gắng lao động của đồng bào, đến nay, cuộc sống của bà con ở Quỳnh Nhai, đặc biệt ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng thực sự 'thay da đổi thịt', bà con hồ hởi đón một cái Tết ấm nhờ đời sống khấm khá hơn trước.

Toàn xã Mường Giàng có 14 bản, xóm. Tùy vào điều kiện địa lý mà mỗi bản, mỗi xóm ở Mường Giàng phát triển các mô hình kinh tế khác nhau. Bản Phiêng Ban của người Mông nằm cao nhất trên đỉnh núi. Góp công vào quá trình giảm nghèo của bà con Phiêng Ban chính là việc đưa cây sa nhân vào canh tác. Đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, giá trị kinh tế cao và có khả năng chống xói mòn đất giúp bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt hợp với những vùng đất có thời tiết mát mẻ. Trước đây, người Mông ở Phiêng Ban chỉ trông chờ vào vụ mùa ngô, sắn, thu nhập vô cùng bấp bênh. Từ khi nhận được sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, huyện, người dân đã chủ động đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế.

 Cây sa nhân trồng trên vùng đồi núi dốc ở bản Phiêng Ban.

Cây sa nhân trồng trên vùng đồi núi dốc ở bản Phiêng Ban.

Mùa Thị Mỉ, sinh năm 1991, dân tộc Mông ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng phấn khởi cho biết: "Nhờ cán bộ xã xuống hướng dẫn tận tình kỹ thuật trồng cây sa nhân, bà con trong bản đã chuyển đổi mô hình canh tác. Gia đình tôi giờ đây ngoài trồng ngô để nuôi lợn, gà; trồng cỏ để nuôi bò thì còn trông thêm 1ha cây sa nhân ở diện tích đồi núi dốc. Thu nhập của gia đình giờ đây khấm khá hơn rất nhiều".

Theo ông Lò Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Mường Giàng, bản Phiêng Ban là một trong những bản nghèo của xã Mường Giàng. Dân cư sinh sống 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của bà con trước đây vô cùng khó khăn, bấp bênh. Tuy nhiên, do tìm được hướng đi đúng đắn trong thay đổi mô hình canh tác, phát triển kinh tế, hiện nay, 100% hộ dân trong bản ngoài chăn nuôi và canh tác các loại cây trồng cũ như: Ngô, sắn... đều trồng cây sa nhân, với tổng diện tích hơn 40ha. Mặc dù giá bán không ổn định nhưng so với trồng cây ngô, cây lúa thì sa nhân cho thu nhập cao hơn nhiều lần trên cùng 1ha đất canh tác.

Gia đình anh Thào A Vàng thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới.

Ông Thào A Dia, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban cho biết, toàn bản Phiêng Ban có 175 hộ dân. Năm 2016, cả bản có 14 hộ nghèo, thì nay chỉ còn 2 hộ nghèo. "Những hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về con giống (bê con), giống ngô, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt nên hầu hết đã thoát nghèo. 2 hộ nghèo còn lại do sức khỏe yếu lại đông nhân khẩu", ông Dia chia sẻ. Có được thành công trong thoát nghèo, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban cũng cho rằng, đó chính là nhờ sự thay đổi mô hình canh tác. "Do đặc điểm địa hình của bản Phiêng Ban nằm trên núi cao nên trước đây, người dân chỉ trồng ngô và một số ít diện tích dành để trồng lúa nương. Khoảng 7 năm trở lại đây, những diện tích ở vùng đồi dốc, xa nơi ở người dân chuyển sang trồng cây sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao lại không mất nhiều công chăm sóc. Từ năm 2012, một số hộ dân được xã cử đi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế và đã mang cây sa nhân về trồng thử. Nhờ khí hậu ở Phiêng Ban khá mát mẻ nên chỉ sau một năm, cây sa nhân phát triển tốt, đẻ nhánh nhanh, không bị dịch bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc".

Gia đình anh Thào A Vàng (sinh năm 1986) ở bản Phiêng Ban từng là hộ nghèo vì 5 nhân khẩu chỉ có Thào A Vàng có thể làm việc. Bố mẹ già thường xuyên đau ốm thì giờ đây, nhờ hỗ trợ của Nhà nước, Thào A Vàng được cấp bò, ngô giống,... hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cuộc sống gia đình từ đó ngày càng khấm khá hơn. Về Phiêng Ban xuân này, các tuyến đường nội bản ở đây đều được đổ bê tông kiên cố và dẫn đến tận sân của từng gia đình, mặt đường sạch sẽ. Thào A Vàng vừa cười, vừa chia sẻ: "Người Mông Phiêng Ban biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Nhờ có chính quyền hỗ trợ, người Mông Phiêng Ban giờ đã có nước sạch để sử dụng hằng ngày, có điện xem ti vi, được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật sản xuất, có nhà lớp học khang trang cho con em học hành chu đáo"!

Bài, ảnh: XUÂN MAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chuyen-thoat-ngheo-cua-dong-bao-mong-o-phieng-ban-651534