Chuyện thổ ngơi Sâm Báo

Tin nhắn của Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc Lữ Minh Thư mời về quê dự Hội thảo Sâm Báo! Nhận tin nhắn, tôi bồi hồi ngồi lật giở lại một cuốn sách xưa. Đó là cuốn từ điển Bách khoa Bản thảo cương mục thống kê cùng biên khảo về dược vật học được thầy thuốc Lý Thời Trân biên soạn vào thế kỷ 16 đầu thời nhà Minh. Tác phẩm này đã được UNESCO tôn vinh là di sản tư liệu thế giới.

Vùng nguyên liệu Sâm Báo.

Vùng nguyên liệu Sâm Báo.

Bản thảo cương mục có tổng cộng 52 quyển tập hợp 1892 chủng loại cây, con, vật thuốc khác nhau. Ước tính toàn bộ sách có tới 160 vạn chữ được chia thành 16 bộ, 60 loại, từng chủng loại cây, con, vật thuốc đều được chú rõ tên, tập tính, lịch sử khai thác, phương pháp chế biến, đặc tính, công dụng.

Băn khoăn lẫn bâng khuâng cái nỗi, khá nhiều tên cây thuốc xứ Đại Việt - An Nam đã được kể tên cùng thống kê trong cuốn Bản thảo… Đủ biết thứ dư địa chí nước Nam, ngoài hình sông thế núi trong đó có sản vật dược liệu xứ mình từ lẩu lâu đã từng nằm trong tầm ngắm của thiên triều? Và nữa cả cái tài kinh lịch điều nghiên của bác vật học Trung Hoa như Lý Thời Trân? Và biết bao tự hào trong Bản thảo cương mục đã rờ rỡ những dòng cụ thể như thế này: Nước Nam có nhiều sâm chỉ có sâm ở đất Biện công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng sâm Biện có hiệu nghiệm kỳ lạ!

Đất Biện là xứ nào? Chính là địa danh của xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc. Tên đất ấy có từ thời Lê Sơ. Nhớ năm xa đi với nhà văn Nguyễn Khải vào Thanh Hóa ghé làng Bồng Trung tên mới là Vĩnh Tân, quê gốc nhà văn (sau chuyến đi ấy, Nguyễn Khải có bài viết Hào Kiệt Xứ Thanh nổi tiếng đăng trên Báo Văn Nghệ) Ông cứ lẩm bẩm câu Nam Hành Thiện Đông Biện xứ Thanh. Ấy là nhà văn đương nhắc lại cái nắc nỏm của tiền nhân ngợi ca cái tài, cái chí thú đất học hành...

Sâm thì rõ rồi nhưng tên Báo ở đâu ra? Như đã nói, tên chữ là Đông Biện, Biện Thượng. Nhưng hai làng ấy còn có tên nôm, Đông Biện là Bồng, Biện Thượng là làng Báo. Làng lớn Biện Thượng do ba làng hợp lại. Mỗi làng mang tên một con vật. Làng Báo to nhất. Bồng, Báo là địa danh cổ có tiếng về đất học hành cũng như cái đức rèn cặp người.

Giở lại chính sử, gẫm thêm ngữ nghĩa của 4 chữ trên tấm biển vua nhà Minh ban tặng chúa Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm Sóc Lĩnh Chung Linh. Lĩnh đây là đỉnh là gò đống. Đỉnh của núi Sóc. Núi Sóc liền kề liền mạch như gối đầu vào dãy núi thiêng Hùng Lĩnh, còn có tên là núi Báo nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh của thủ lĩnh Tống Duy Tân. Linh khí cùng thung thổ núi Báo tự thượng cổ đã phát sinh và dung dưỡng được một thứ vưu vật. Ấy là cây sâm. Thứ mọc hoang, thứ dân Biện Thượng đem trồng là thứ dược liệu quý nổi danh bao đời mà sách Tàu từng phải nắc nỏm trong Bản thảo cương mục!

Có lẽ không sợ sái và suy diễn này khác là hậu thế đã góp phần giải mã cùng minh chứng công dụng diệu kỳ của giống sâm núi Báo. Đến tận thời điểm này, hậu thế vẫn “bó tay chấm com” những dòng trong chính sử chép rõ Thành Nhà Hồ công trình bằng đá kỳ vĩ chỉ xây vỏn vẹn trong 3 tháng! Chuyện có thực mà đẹp như huyền thoại là tất tật hiệp thợ nước Nam xây thành Hồ vào cái năm 1397 ấy thức uống hàng ngày để có thể vượng được sức là nấu bằng sâm núi Báo. Núi Báo Biện Thượng chỉ cách hiện trường Thành Hồ non 8 km.

Và nữa, trận phục kích hoành tráng của quân nhà Trịnh do Tiết chế Trịnh Tùng chỉ huy khiến đại quân Mạc đại bại chỗ khúc sông Mã dưới chân núi Báo mà sử từng chép! Thể nào mà chả trong nhiều ngày mật phục, quân nhà Trịnh được dưỡng sức bằng chính thứ dược liệu cây cỏ là thứ sâm Báo mọc hoang chỗ đóng quân? Rồi nữa, nghĩa quân của Tống Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh ngoan cường chống Pháp đã trụ vững căn cứ rồi đánh rộng ra khắp miền rừng Xứ Thanh cũng là nhờ thứ sâm núi Báo nhổ vội lận vào lưng khố để nhấm nháp ngày này sang ngày khác.

… Bây giờ tiếp được lời mời của ông Bí thư Huyện ủy quê nhà thấy xốn xang bao nỗi. Nhớ cái năm đầu 80, đạp xe chèo chẹo ê mông cùng ông Mai Xuân Minh, Chủ tịch huyện Vĩnh Thạch (khi ấy huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành hợp nhất thành Vĩnh Thạch) có ghé qua quê làng Báo. Bữa cơm ghế sắn khô ngày bao cấp khốn khó ấy thêm dư vị đắng đót khi ông chú tôi chả khách sáo gì sất cứ tuồn tuột bấm đốt ngón tay trần tình với ông Chủ tịch huyện. Rằng cái phong trào cùng cung cách trồng cây thuốc lá đương rầm rộ triển khai lâu nay rồi sẽ thảm bại mất thôi. Rừng đồi cạo trống trơn để lấy cái đun lò sấy thuốc lá. Công điểm cho lao động trồng hái chế biến phơi sấy thuốc lá quy thóc suốt vụ cho cả nhà ba lao động cật lực chỉ hơn 30 cân thóc. Năm nào cũng đói rài đói rạc. Dân không được phép trồng sắn ngô và hoa màu. Núi Báo mênh mông bỏ hoang trơ ra cái màu đất đỏ quạch…

Vĩnh Lộc lại trở lại tên huyện sau thời kỳ tháp nhập. Rồi dân tình cũng tạm mát mặt sau thời đổi mới. Năm xa ấy về Tết quê, ngạc nhiên xiết bao khi ngồi với ông chú ruột được ông đãi một giành tích Sâm Báo ông hãm do chính tay ông trồng! Thì ra mấy năm nay ông tỉ mẩn âm thầm lên núi Báo tìm cây giống. Về quây kín đáo một góc vườn. Phải mất ba năm thì mới đủ hạt gieo cho vài thước đất.

Tết ấy ngồi với Bí thư Huyện Vĩnh Lộc Nguyễn Xuân Dũng, tôi hào hứng kể lại cảm giác ngọt mát lâng lâng vị Sâm Báo trong cái giành tích của ông chú. Bí thư Dũng quày quả vào buồng trong và ngạc nhiên chưa, trưng ra ngay cái gói ni lông đựng thứ Sâm Báo đã sấy khô. Ông cho biết là có mấy hộ ở vùng núi Báo Vĩnh Hùng hai năm nay đã tự phát gây được giống Sâm Báo tưởng như đã tuyệt chủng này.

Cây Sâm Báo đã không bị quên lãng. Một ngày đẹp trời cuối năm 2018, câu chuyện với Bí thứ huyện Vĩnh Lộc Mai Xuân Bình tưởng như khó dứt lại cũng về cây Sâm Báo. Anh Bình cho biết thêm, ngày 22/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã kí quyết định phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm Báo ở xã Vĩnh Hùng giao cho Công ty cổ phần dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc Tập đoàn TRISO GROUP).

Năm 2019, lại có dịp ngồi với Bí thư Bình được nghe thêm về triển vọng khả quan của Dự án Sâm Báo. Ấy là Công ty nọ đã trồng được 2,5 ha sâm tại Vĩnh Hùng năng suất đạt 3 tấn/ha, thu hoạch được 7,5 tấn theo giá bán bình quân trên thị trường là 150.000 đồng/kg sâm tươi, doanh thu đạt 1 tỷ đồng. Công ty còn chế biến các sản phẩm như: Nước ép bổ dưỡng, trà sâm Báo, rượu sâm Báo… Đồng thời, Công ty còn tạo điều kiện cho hàng chục lao động ở địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngó vẻ khoát hoạt của Bí thư Mai Xuân Bình, tự dưng tôi dấy lên một cảm giác xúc động! Phải, vị Bí thư kia chính là con trai thứ của ông Chủ tịch huyện Vĩnh Thạch năm xa.

Và bữa nay, qua lời nhắn của tân Bí thư huyện Vĩnh Lộc Lữ Xuân Thư, loáng thoáng được biết thêm Hội thảo này sẽ mở ra thêm tầm vóc quy mô của cây Sâm Báo. Một cú hích quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch ở một huyện chưa giàu như Vĩnh Lộc.

Vâng, Vĩnh Lộc không chỉ có Thành Nhà Hồ cùng Phủ Trịnh!

Xuân Ba

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-tho-ngoi-sam-bao-559808.html