Chuyện thiết kế cảnh quan quanh Lăng Bác

'Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/ Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa xa đứng thẳng hàng… Mỗi lần nghe những câu ca ấy lòng tôi lại đong đầy cảm xúc, để rồi bất chợt bao kỷ niệm lại ùa về trong tâm tưởng'. Đó là chia sẻ của Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử - người chủ trì thiết kế cảnh quan cây xanh khu vực Quảng trường Ba Đình và Vườn hoa tiếp giáp Lăng Bác.

Từ những “người lính” không bao giờ đổi gác…

Đất nước đã trải qua hơn 40 năm hoàn toàn thống nhất, cũng là từng đó năm công trình linh thiêng và kỳ vĩ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình chính thức được khánh thành và đón Bác trở về trong niềm hân hoan của nhân dân Thủ đô, cũng như đồng bào cả nước…

KTS Nguyễn Xuân Thử bên bản thiết kế cảnh quan Lăng Bác

KTS Nguyễn Xuân Thử bên bản thiết kế cảnh quan Lăng Bác

Hàng chục năm đã đi qua, với những người dân Việt Nam, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (còn gọi là Lăng Bác) không chỉ là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị, tư tưởng to lớn, mà còn thể hiện tình cảm của đồng bào cả nước với Bác Hồ kính yêu.

Bởi thế, mỗi khi nhắc đến Lăng Bác, nhiều người nhớ ngay đến đó là một quần thể kiến trúc Lăng hiện đại, nhưng giản dị và gần gũi. Tuy nhiên, để tạo nên sự kỳ vĩ đó, là sự tổng hòa của cảnh quan thiên nhiên, của cây cỏ, hoa lá…và ở đó, hình ảnh cây tre trước Lăng đã trở thành biểu tượng “không thể nào quên” trong bức tranh toàn cảnh về công trình kiến trúc có một không hai trên dải đất hình chữ S.

Hàng tre bên Lăng Bác khắc sâu trong tâm thức của bao người

Ai đó đã từng nói, hàng tre bên Lăng Bác như những bức tường thành vững chắc, là những người lính dũng cảm, kiên cường và chẳng bao giờ chịu “đổi ca” để ngày ngày canh giấc ngủ cho Người. Hình ảnh hàng tre bên Lăng Bác hiên ngang là thế, kiên cường là thế, thậm chí còn in đậm vào trong tâm thức của bao người người con đất Việt mỗi khi nhớ về…Nhưng ít ai biết rằng, hàng tre ấy lại được “sinh ra” từ bàn tay, khối óc tài hoa của người kiến trúc sư (KTS) mộc mạc Nguyễn Xuân Thử (77 tuổi, ở Khoái Châu – Hưng Yên).

Trò chuyện với chúng tôi trong niềm xúc động dâng trào, người đàn ông đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, KTS Nguyễn Xuân Thử vẫn còn nhớ như in những ký ức, những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình. Ông kể, năm 1973, sau khi tu nghiệp ở Cu Ba về nước, cùng với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu về các loại cây và hoa, ông may mắn được cơ quan chủ quản là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) giao chủ trì cùng một nhóm KTS của Viện, xây dựng ý tưởng thiết kế cây xanh ở Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác.

“Khi xây dựng ý tưởng, bản đồ án thiết kế các loại cây trồng phải bảo đảm được tính dân tộc, hiện đại, trang nghiêm và giản dị. Các loại cây phải mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, đặc biệt là những loại cây mà Bác yêu thích. Vì thế, ngay sau khi nhận nhiệm vụ nhóm chúng tôi phải lên thăm nhà sàn Bác Hồ, vườn cây quanh nhà; thực địa xung quanh Quảng trường Ba Đình…từ đó, nhóm đã đưa ra ý tưởng xây dựng cảnh quan Lăng Bác phải hội tụ cây của các vùng miền”, ông Thử nhớ lại.

Rất nhanh sau đó bản vẽ thiết kế cảnh quan Lăng Bác được hình thành. Theo KTS Nguyễn Xuân Thử, cây tre là loại cây được ông nghĩ đến đầu tiên và đưa ý tưởng vào bản vẽ. Ngay sau đó, Ban tổ chức xây dựng Lăng CHủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị, mời tất cả các cơ quan, cá nhân liên quan tham gia phương án thiết kế cảnh quan Lăng đến trình bày đồ án...ông Thử được mời lên trình bày bản thiết kế đầu tiên.

KTS Nguyễn Xuân Thử kể, khi tôi trình bày xong bản đồ án của nhóm thì tất cả các đại diện khác đều rút phương án của mình và nhất loạt đồng ý. Bản thiết kế được thông qua một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, không như số phận các loại cây khác như: Cây Đại trước cửa Lăng, 9 cây vạn tuế, hàng cây Chò chỉ (đường Hùng Vương), cây Sao đen (đường Bắc Sơn)…Thì việc bảo vệ ý tưởng cho cây tre được hiện diện hai bên Lăng Bác là khó khăn nhất, bởi khi đó, có một số ý kiến đề nghị nên trồng hai cây đa, hoặc hai cây đề.

Để bảo vệ ý tưởng đồ án của mìn ông Thử đã lý giải và cho mọi người thấy rằng, cây tre chính là cây gắn liền với làng quê Việt Nam, với truyền thống dựng nước và giữ nước…nó thể hiện được ý chí quật cương của dân tộc, cho dù bão táp cũng không bao giờ gãy đổ. “Nhờ vậy, cụ Trường Chính đã đồng ý phê duyệt đồ án. Bản thiết kế vì thế đã mang một số phận đặc biệt ngay từ thời điểm mới bắt đầu và giờ đây, hình ảnh cây tre bên Lăng Bác đã in sâu vào tâm thức của bao người con đất Việt”, KTS Thử tâm sự.

… Đến chữ “duyên” trong cuộc đời

Với KTS Nguyễn Xuân Thử, hình ảnh 2 hàng tre bên Lăng Bác không chỉ lưu lại trong ký ức của ông, mà còn trong tâm thức của bao người dân đất Việt. Ấy thế, khi chia sẻ câu chuyện với chúng tôi, người KTS tài hoa ấy chỉ lý giải bằng một câu ngắn gọn: Đó là bởi một chữ duyên.

Ông Thử bảo: “Kỷ niệm về Bác thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất là năm 1963, lần đầu tiên tôi được gặp Bác khi Bác về thăm Trường Đại học Bách Khoa. Khi đó, từng lời Bác nói đều in đậm vào trong tâm trí tôi. Lần thứ hai là vào năm 1969, khi hay tin Bác mất là thời điểm chúng tôi chuẩn bị lên đường sang Cu Ba tu nghiệp.

Hôm cử hành Quốc tang, đoàn chúng tôi gồm 10 người đã lên Quảng trường Ba Đình giãi bày với các đồng chí công an để được vào Lăng viếng Bác. May mắn thay, dù không thuộc đoàn, hội nào, nhưng chúng tôi cũng được cho vào dự lễ tang. Khi đó, có lẽ là phút giây buồn nhất trong cuộc đời…và mãi mãi là cơ duyên không khi nào có lại được”.

Đúng như lời KTS Nguyễn Xuân Thử, cuộc đời ông như có cơ duyên với Bác và cái duyên ấy lại đến một lần nữa sau 3 năm ông Thử sang Cu Ba nghiên cứu và về nước. Để rồi cơ duyên đó trở thành khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời, bởi vào năm 1973, khi mới tròn 30 tuổi, ông Thử vinh dự khi được cơ quan đề cử làm trưởng nhóm nghiên cứu xây dựng đồ án cảnh quan Quảng trường và Vườn hoa tiếp giáp Lăng Bác.

“Một cái duyên nữa trong quá trình xây dựng cảnh quan Lăng Bác đó chính là thời điểm chúng tôi đang xây dựng con đường Bắc Sơn, con đường hướng Nam và được lựa chọn để trồng các loại cây của phương Nam - cây Sao đen đã được lựa chọn. Tôi nhớ, khi thi công con đường này là thời điểm cả nước Tổng tiến công năm 1975, trong khi làm để dõi theo bước tiến của quân ta tôi phải treo lên cành cây một tấm bản đồ Việt Nam. Sau đó, khi nào nghe tin chiến thắng ở đâu, tôi lại lấy cây bút cẩn thận gạch chéo khu vực đó trên bản đồ…và cứ thế, khi trận đánh cuối cùng kết thúc cũng là lúc anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo khóc, cười vùi mừng ngay trên con đường Bắc Sơn”, ông Thử bộc bạch.

Đất nước được giải phóng, không lâu sau đó Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được khánh thành trong niềm vui và hân hoan của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung…Thế nhưng, thay vì ở lại Thủ đô làm việc, ông Thử lại xin trở về Khoái Châu (Hưng Yên) xây dựng quê hương. Và tại chính mảnh đất này, theo ông Nguyễn Xuân Thử, cơ duyên của ông với Bác một lần nữa như thế được “sống lại”, khi ông tiếp tục được giao thiết kế Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Đình Dù, cùng nhiều công trình tâm linh, nghĩa trang liệt sĩ…

“Cái duyên được gặp Bác đã là niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng được làm việc, được cống hiến công sức nhỏ bé của mình khi xây dựng các công trình về Bác lại càng mang ý nghĩa đặc biệt hơn…Cũng giống như số mệnh của những cây tre xanh ngày ngày vững chắc bên Lăng. Để rồi nhạc sĩ Viễn Phương phải viết lên rằng: Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này. Và đó chính là mong ước của bao người con đất Việt hướng về người cha gia của dân tộc”, ông Thử bùi ngùi.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-thiet-ke-canh-quan-quanh-lang-bac-79361.html