Chuyện thầy Phạm Toàn với Internet

Thầy Toàn sợ phây y như sợ chuột. 'Nhỡ mất thì giờ quá thì làm sao', 'Nhỡ comment tiêu cực nhiều thì làm sao'...

Sáng ngày 26/6, nhà giáo, nhà văn và dịch giả Phạm Toàn đã từ biệt cõi trần.

Vietnamnet xin giới thiệu bài viết về ông của anh Dương Trọng Tấn - thành viên Ban điều hành nhóm Cánh Buồm.

Nhà giáo Phạm Toàn phát biểu tại một cuộc hội thảo giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức năm 2017. Ảnh: Lê Văn

Nhà giáo Phạm Toàn phát biểu tại một cuộc hội thảo giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức năm 2017. Ảnh: Lê Văn

Hầu như năm nào Cánh Buồm cũng tổ chức một hội thảo ở L’Espace để báo cáo với xã hội về những việc mình làm và giới thiệu những cuốn sách mới.

Năm 2013, hội thảo có cái tên Đông Tây kim cổ là “Cánh Buồm no gió thời đại Internet”. Tên là vậy, nhưng thực ra Cánh Buồm tổ chức hội thảo để giới thiệu tủ sách Tâm lí học giáo dục Cánh Buồm, không có tí gì liên quan đến Internet cả.

Có vị khách đến cuối hội thảo đứng lên phát biểu “Tôi đi ngang qua thấy có cái tên hội thảo hay quá, vào nghe thì từ đầu đến cuối không thấy đề cập gì đến Internet thấy lạ quá. Nhưng sau khi nghe nội dung các vị trình bày thì lại rất thích những việc làm của Cánh Buồm...”.

Có thể vị khán giả chưa biết, ngoại đề trữ tình vốn là một một phong cách rất Phạm Toàn và Cánh Buồm. Một nét đáng yêu rất Phạm Toàn.

Ngoại đề trữ tình vốn là một một phong cách rất Phạm Toàn. Ảnh: Lê Văn

Ngay từ những năm đầu hoạt động, vị già làng của nhóm Cánh Buồm đã có niềm tin lớn vào Internet. Cụ tin tưởng Internet sẽ giúp Cánh Buồm vươn xa, lan tới những bạn bè trên khắp thế giới để kết nối các trái tim cùng nhịp đập vì nền giáo dục Việt Nam. Thầy luôn thúc giục các “chú gà nhép” trong nhóm có các sáng kiến tận dụng sức mạnh của Internet.

Sau hội thảo kể trên 3 năm, nhóm Cánh Buồm đã quyết định lập kho sách mở để hưởng ứng phong trào phát triển tài nguyên giáo dục mở (OER). Lần đầu tiên, một nhóm soạn sách giáo khoa ở Việt Nam đã “mở” toàn bộ sách Văn và Tiếng Việt từ lớp 6 đến lớp 9 vừa mới ra lò của mình để cho phép xã hội tải về sử dụng miễn phí theo các mục đích sử dụng khác nhau, cho phép tái sử dụng, tái chế theo nhu cầu của riêng mình.

Trang web của Cánh Buồm ghi nhận gần hai chục ngàn lượt tải về trong thời gian rất ngắn. Đây là một kỉ lục mà Cánh Buồm chưa từng ghi nhận được. Trước đó, mỗi lần in sách, Cánh Buồm chỉ dám in vài trăm bản mỗi cuốn. Vừa do vấn đề về chi phí in ấn, nhưng cũng gặp phải vấn đề kho bãi và phân phối. Sáng kiến sách mở của Cánh Buồm khi đó được cộng đồng giáo dục hưởng ứng và đánh giá rất cao.

Nhưng mọi người có thể không biết được rằng, trước khi Cánh Buồm mở sách của mình, nhà giáo đáng kính Phạm Toàn chưa hề biết đến khái niệm tài nguyên giáo dục mở. Cụ quan niệm rất đơn giản “mở là miễn phí”, “mở là tốt” và “thời internet thì phải mở”.

Ít bạn trẻ biết được rằng, ông giáo già ngoại bát tuần Phạm Toàn đã sử dụng cực kì thành thục một trong các công cụ Internet nguyên thủy nhất để kết nối một đội ngũ cộng sự đông đảo trên khắp thế giới phục vụ cho công việc của Cánh Buồm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thầy Toàn hầu như dựa vào trực giác để ra khuyến khích cả nhóm làm sách mở. Nhưng trực giác ấy có được nhờ tầm nhìn dài hơi của một người không ngừng học hỏi và luôn rất nhạy cảm với những thứ mới mẻ.

Ai cũng biết chuyện thầy Toàn dùng email tếu táo thế nào. Từ chuyện đặt định danh email của mình là phamtoanvidai, bị trêu liền đổi thành phamtoankhiemton, cho tới phamtoantoiloi, và dừng lại ở cái email sống dai nhất cho đến cuối đời là phamtoannhamthan.

Nhưng ít bạn trẻ biết được rằng, ông giáo già ngoại bát tuần Phạm Toàn đã sử dụng cực kì thành thục một trong các công cụ Internet nguyên thủy nhất để kết nối một đội ngũ cộng sự đông đảo trên khắp thế giới phục vụ cho công việc của Cánh Buồm.

Từ Hà Nội, cụ kết nối tới Canada, Pháp, Mĩ, Úc, TP.HCM, Hội An, Đà Nẵng, Đà Lạt để hỏi người này một ý kiến, nhờ người kia viết cho một chương sách, kết nối với quỹ này quỹ nọ để xin tiền in sách.

Không kể nhóm cơ hữu ở Hà Nội, Cánh Buồm thực ra là mạng lưới đông đảo vài chục chuyên gia tâm huyết cùng nhau góp sức xây dựng nên một bộ sách có tính đột phá trong cả nội dung và cách làm.

Rất nhiều người ngạc nhiên hỏi Cánh Buồm lấy tiền đâu mà làm ra bộ sách? Tại sao người ta làm sách cần vài trăm tỉ, mà Cánh Buồm có vài trăm triệu mà tiêu mãi không hết? Đó là vì mọi người chưa được thấy nhà giáo Phạm Toàn đã kết nối các trái tim và khối óc như thế nào. Và Internet chính là công cụ bắc các nhịp cầu.

Một người cả đời luôn cởi mở với cái mới, nhưng lại luôn không muốn mất đi một giây phút ý nghĩa nào để làm nốt những việc có giá trị cho dân tộc này. Ảnh: Lê Văn

Đã gần hai chục năm thầy Toàn không xem TV, không đọc báo giấy, nhưng tình hình trong nước thế giới đều nắm rõ. Có lẽ chỉ có tình hình showbiz diễn biến như thế nào là thầy Toàn không rõ. Đó là bởi vì thầy vẫn theo dõi tin tức phục vụ công việc qua Internet.

Đối với thầy Toàn, Internet là một cơ hội khổng lồ. Nó đủ cho bất kì một mục đích làm việc nghiêm túc nào. Muốn biết thì tìm trên Internet. Muốn gặp ai thì lên Internet nhắn tin, email để kết nối. Muốn làm việc gì thì lên Internet là có cơ hội hết. Nhiều người có thể không biết, vị thuyền trưởng Cánh Buồm còn chịu khó vào phần comment của một vài bài viết và nhắn tới tác giả những lời động viên khích lệ. Đó là chính xác là cách thức giao tiếp “tân thời” của thời đại Internet mà thầy hay nhắc đến.

Nhưng có một thứ thuộc về thời đại Internet mà thầy Toàn lại rất lạc hậu. Thầy giáo của nhóm Cánh Buồm lại rất sợ “chơi Phây”.

Các nhóm viên Cánh Buồm nhiều lần xúi cụ mở facebook, nhiều bạn đồng chí cao niên của cụ cũng đã phây phiếc ầm ầm, nhưng cụ thì cứ đứng ở ngoài. Thầy Toàn sợ phây y như sợ chuột. “Nhỡ mất thì giờ quá thì làm sao”, “Nhỡ chúng nó comment tiêu cực nhiều thì làm sao”...

Lúc Cánh Buồm mở được fanpage, cả nhóm coi như là một thắng lợi lớn. Nhưng riêng cụ Toàn thì mãi vẫn không dám mở trang Facebook riêng. Cho tới gần đây cụ đã đổi ý, chịu mở Facebook nhưng lại chỉ thỉnh thoảng dùng để “theo dõi tin tức”.

Nỗi lo sợ Facebook làm cụ sao nhãng vẫn chưa hề biến mất. Đến lúc gần đất xa trời, cụ vẫn còn dặn nhóm viên Cánh Buồm “bớt phây đi, phải làm việc thực tế”. Nỗi sợ ấy có nguyên do sâu xa của nó. Một người cả đời luôn cởi mở với cái mới, nhưng lại luôn không muốn mất đi một giây phút ý nghĩa nào để làm nốt những việc có giá trị cho dân tộc này.

Nhà giáo Phạm Toàn qua đời lúc 6h42 ngày 26/6/2019 (tức ngày 24/5 năm Kỷ Hợi) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng từ 8h30-9h30, lễ truy điệu từ 9h30-10h30 ngày 28/6/2019 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (phố Trần Vĩ, Mai Dịch, Hà Nội). Hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển).
Ông được an táng tại quê nhà - thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội.
Gia đình xin không chấp điếu (không nhận vòng hoa và tiền phúng viếng).

Dương Trọng Tấn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuyen-cu-pham-toan-voi-internet-545474.html