Chuyện thầy nội, thầy ngoại

Việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đồng ý cho HLV Đặng Anh Tuấn thôi không dẫn dắt kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên theo đúng nguyện vọng cá nhân đã khiến người hâm mộ được dịp bàn ra, tán vào.

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định trên của ông Tuấn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch, mục tiêu của riêng Ánh Viên và thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không ít người hâm mộ thẳng thắn nhìn nhận, đáng ra ông Tuấn nên xin nghỉ từ lâu. Bên cạnh những lùm xùm riêng tư về chuyện nợ nần của HLV Anh Tuấn, việc thành tích của Ánh Viên chỉ gói gọn tại đấu trường SEA Games là một điều đáng tiếc, đáng phải xem xét lại.

Kình ngư Ánh Viên là một trong số ít vận động viên được ngành thể thao Việt Nam đầu tư trọng điểm. Kể từ năm 2014, Ánh Viên được đầu tư tập huấn tại Mỹ với mục tiêu hướng tới đấu trường Asiad và Olympic. Điều đáng nói, quá trình tập huấn của Ánh Viên từ lâu đã được giới phân tích chỉ ra nhiều vấn đề: Mô hình tập huấn “1 thầy 1 trò” ở nước ngoài hiếm thấy với thể thao Việt Nam, thông tin về quá trình tập huấn không rõ ràng, mục tiêu dàn trải, thiếu công khai, minh bạch, không thấy điểm nhấn vai trò của chuyên gia nước ngoài… Phong độ của Ánh Viên không tiến triển, thậm chí sa sút trong một thời gian rất dài. Dù tập huấn ở Mỹ nhưng liệu Ánh Viên có được tập bằng giáo án của các HLV hàng đầu xứ cờ hoa? Ánh Viên có được thi đấu, cọ xát với các VĐV tầm cỡ của Mỹ?

 HLV Đặng Anh Tuấn không còn dẫn dắt kình ngư Ánh Viên.

HLV Đặng Anh Tuấn không còn dẫn dắt kình ngư Ánh Viên.

Sau khi tính toán, phân tích, Tổng cục Thể dục thể thao vừa quyết định để Ánh Viên trở lại tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Thứ nhất, mô hình tập luyện, tập huấn tại Mỹ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thứ hai, phong độ của Ánh Viên không còn như trước và cần phải xây dựng lại giáo án tập luyện cho phù hợp. Ánh Viên là một VĐV rất tài năng, được đầu tư, chăm bẵm kỹ càng nhưng thành quả lại không như tính toán đã đặt ra một vấn đề cho ngành thể thao Việt Nam về cách chọn thầy, nơi tập huấn. Lâu nay, thể thao Việt Nam vẫn tranh cãi xung quanh việc chọn thầy nội, hay thầy ngoại. Đương nhiên, thầy nội có những ưu thế riêng khi nắm bắt được tâm lý, tâm tư của các học trò. Nhưng thẳng thắn mà nói, thầy ngoại có những giáo án chuyên nghiệp, cách huấn luyện bài bản hơn. Kết hợp được giữa thầy nội và thầy ngoại là một điều đáng quý giống như cách bóng đá đang làm những năm qua, song không phải bộ môn nào cũng thuận lợi như vậy.

Bơi Việt Nam hiện đang có một số VĐV rất triển vọng, như: Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Phương Trâm. Quy hoạch VĐV để đầu tư trọng điểm là điều cần thiết mà ngành thể thao Việt Nam đã làm trong những năm qua, nhưng đầu tư như thế nào, đầu tư làm sao để có hiệu quả tốt nhất là điều đáng phải bàn bạc, suy tính. “Tuổi thọ” VĐV rất ngắn, nhất là đối với bơi lội thì độ tuổi đẹp nhất được các chuyên gia đưa ra là mười tám, đôi mươi. Từ việc của Ánh Viên, ngành thể thao Việt Nam cần có tính toán hợp lý, chọn thầy phù hợp để các kình ngư phát huy tối đa tài năng của mình. Nhiều người cho rằng, Ánh Viên tập huấn tại Mỹ nhưng chỉ có hai thầy trò tập với nhau thì có khác gì là mấy so với tập ở Việt Nam. Làm sao để các VĐV tập huấn nước ngoài được tập luyện theo đúng giáo án, giáo trình chuyên nghiệp của nước đó; được cọ xát với các VĐV hàng đầu của nước bạn mới xứng đáng với hai từ… tập huấn. Cũng không phải là đơn giản bởi nếu bạn tập huấn tại Mỹ hay bất kỳ một đất nước có nền thể thao phát triển nào thì liệu họ có vui vẻ chia sẻ bí quyết thành công của mình?

Bài và ảnh: HẢI VÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chuyen-thay-noi-thay-ngoai-608451