'Chuyến thăm New Zealand, Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang lại lợi ích gấp đôi'

Theo các chuyên gia, chuyến thăm đến Australia và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo thêm động lực hợp tác kinh tế cũng như sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông.

GS Carl Thayer, trường Đại học New South Wales, Australia lưu ý rằng, Việt Nam, New Zealand và Australia đều là của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngay sau khi CPTPP được ký kết tạo động lực cho các cuộc thảo luận về hợp tác kinh tế trong tương lai với cả hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malmcolm Turnbull trong lễ đón chính thức.

Thương mại là một trong các trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác Việt Nam - Australia khi kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng hơn 200 lần trong hơn 3 thập kỷ, từ 32,3 triệu USD trong năm 1990 lên 6,46 tỷ USD trong năm 2017.

Đại sứ Ngô Hướng Nam nhấn mạnh rằng, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP (đang được đàm phán) có hiệu lực, sẽ mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều mặt, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác kinh tế và thương mại giữa 2 nước.

Trả lời Kinh tế&Đô thị, Derek Grossman - nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu RAND, Mỹ phân tích, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang New Zealand đã tiến triển rất tốt, với cả hai bên hướng tới quan hệ Đối tác toàn diện trong tương lai. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Australia và nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên mức Đối tác chiến lược. Thông thường, ý nghĩa của cụm từ "chiến lược" có nghĩa là các mục tiêu quốc phòng và an ninh sẽ được bao gồm trong quan hệ song phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Andern.

Theo ông Grossman, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến New Zealand và Australia đã mang lại lợi ích “gấp đôi”. Thứ nhất, các chuyến thăm này sẽ củng cố quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông bởi cả Australia và New Zealand đều cam kết hỗ trợ lập trường của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương để thúc đẩy Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Và thứ hai, Việt Nam sẽ có lợi - cuối cùng, khi các quan hệ đối tác chiến lược có hiệu lực - từ việc trao đổi thông tin với các cơ quan quốc phòng phương Tây để hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cũng theo ông Grossman, mặc dù bản tuyên bố chung của New Zealand và Australia không đề cập đến "Ấn Độ-Thái Bình Dương", nhưng cũng đã nhấn mạnh những nguyên tắc tương tự theo quan điểm của chính quyền Trump, bao gồm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như tôn trọng cho các quá trình pháp lý và ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Điều này một mình chứng minh Việt Nam có các đối tác sẵn sàng ủng hộ quan điểm của mình trên các diễn đàn khu vực.

Nhấn mạnh rằng, hợp tác quốc phòng và an ninh sẽ đứng thứ 2 chỉ sau hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, GS Carl Thayer nhận định, Việt Nam đã được chọn là một đối tác chiến lược quan trọng của Australia vì đã đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN.

Trong tương lai, Australia sẽ giúp Việt Nam xây dựng năng lực đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Rất có thể Bộ trưởng quốc phòng từ hai phía sẽ gặp nhau thường xuyên hơn. Australia sẽ tiếp tục cử các tàu hải quân tới Việt Nam trong những chuyến thăm hữu nghị. Quan trọng hơn, Australia sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam để đạt được kết quả thực tế tại các diễn đàn khu vực đa phương trong khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN, ông Thayer dự báo.

Lan Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-tham-new-zealand-australia-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-mang-lai-loi-ich-gap-doi-312162.html