Chuyến thăm 'hợp thời' của Tổng thống Syria

Chuyến thăm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới UAE ngày 18/3 một lần nữa cho thấy xu thế hòa bình, hợp tác dần chiếm ưu thế tại Trung Đông.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad hội đàm với Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum ngày 18/3 tại Dubai. (Nguồn: Emirates New Agency/AP)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad hội đàm với Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum ngày 18/3 tại Dubai. (Nguồn: Emirates New Agency/AP)

Bên cạnh xung đột Nga-Ukraine, tâm điểm khác của thế giới tuần qua là chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Syria tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 18/3.

Chuyến công du này được đặc biệt chú ý do ba yếu tố sau.

Thứ nhất, chuyến thăm diễn ra trong lúc thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng có nhiều thay đổi lớn. Nga, đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đang triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Đặc biệt hơn cả, xung đột này đã tác động sâu sắc tới ngành năng lượng toàn cầu, đồng thời làm nổi bật vai trò các nước Arab xuất khẩu dầu mỏ tại Trung Đông.

Quan trọng hơn, bên cạnh một vài điểm nóng, xu thế hòa bình, hợp tác đang dần chiếm ưu thế ở khu vực này. Israel đẩy nhanh bình thường hóa quan hệ với thế giới Arab, trong khi Iran nhấn mạnh mong muốn nối lại Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) với các nước P5+1. Vừa qua, lãnh đạo Qatar và UAE đã lần đầu gặp gỡ sau khi bốn nước Arab chấm dứt cấm vận Doha đầu năm 2021.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm đầu tiên của ông Bashar al-Assad tới một đất nước Arab sau 11 năm ngày nội chiến bùng phát ít nhiều phản ánh xu thế này.

Thứ hai, lịch trình gặp gỡ, nội dung thảo luận của Tổng thống Syria tại UAE cũng phản ánh thực tế về mong muốn gác lại quá khứ, đẩy mạnh hợp tác của hai bên.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gặp gỡ hai lãnh đạo cấp cao của Dubai là Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum và Hoàng Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan.

Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ là “khởi đầu cho hòa bình, ổn định của Syria và khu vực”.

Hãng thông tấn UAE WAM cho biết, hai bên đã trao đổi về “các vấn đề cùng quan tâm”, bao gồm toàn vẹn lãnh thổ của Syria và sự rút lui của các lực lượng nước ngoài.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Syria SANA, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này “thảo luận về quan hệ song phương và triển vọng mở rộng vòng tròn hợp tác song phương, đặc biệt là trong kinh tế, đầu tư và các lĩnh vực thương mại”.

Theo giới chuyên gia, trong khi UAE muốn hợp tác với Syria để chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Bashar al-Assad muốn tìm chỗ dựa mới khi hợp tác kinh tế với Nga và Belarus chịu tác động do trừng phạt liên quan tới Ukraine.

Trong khi UAE muốn hợp tác với Syria để chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Bashar al-Assad muốn tìm chỗ dựa mới khi hợp tác kinh tế với Nga và Belarus chịu tác động do trừng phạt của phương Tây liên quan tới Ukraine.

Thứ ba, đó là phản ứng của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Washington “thất vọng sâu sắc và quan ngại về nỗ lực rõ ràng nhằm hợp pháp hóa ông Assad”. Ông hối thúc các nước cân nhắc trong tiếp xúc chính quyền này, cáo buộc Damascus “thường xuyên không cho phép nhiều người dân tiếp cận với hỗ trợ nhân đạo và an ninh”.

Nhận định về động thái này, ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Trung Đông học tại Đại học Oklahoma (Mỹ), cho rằng các nước Arab “cho rằng Mỹ không cân nhắc tới lợi ích của mình một cách hợp lý”.

Saudi Arabia đã từ chối yêu cầu của chính quyền ông Joe Biden về nâng sản lượng dầu và việc UAE tiếp đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một cách thể hiện thái độ với Washington.

Ngoài ra, các nước Hồi giáo Trung Đông dường như không phản đối chuyến thăm này. Bởi lẽ, UAE dường như không đơn độc trong nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Syria.

Theo Giáo sư Khattar Abou Diab tại Đại học Paris (Pháp), Ai Cập, Bahrain, Kuwait, Oman và Algeria dường như muốn sớm khôi phục quan hệ với Syria.

Ngoài ra, ông Diab cho rằng dù chưa thể nối lại quan hệ với Liên đoàn Arab ít nhất trong năm nay, song Syria có thể tạo môi trường thuận lợi cho quá trình này nói riêng và quan hệ với thế giới Arab qua việc tiếp nhận trở lại người tị nạn.

Chuyến thăm UAE đầu tiên sau hơn một thập kỷ của ông Bashar al-Assad có thể là khởi đầu cho những nỗ lực đó, đưa đất nước Syria trở lại với thế giới Hồi giáo.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-tham-hop-thoi-cua-tong-thong-syria-177721.html