Chuyện thảm đỏ ở 'Hội chợ phù hoa'

Không biết tự bao giờ, LHP phim quốc tế Cannes đã được ví như một 'Hội chợ phù hoa', nơi mà chỉ riêng câu chuyện trên thảm đỏ thôi cũng đủ mọi sắc thái hỉ nộ, ái ố, khiến người trong cuộc phải nhọc lòng toan tính còn công chúng thì được lắng nghe vô số những thị phi.

Dạo bước trên thảm đỏ Cannes- tấm vé thuộc về những ai?

Đây thực sự là câu hỏi không có trả lời chuẩn xác nhất bởi có những điều thuộc về sự tế nhị mà có lẽ BTC LHP Cannes không bao giờ muốn hé lộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo giới, thì đối tượng có được giấy mời tham dự sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới (nên nhớ là Liên hoan phim Cannes vốn chỉ tặng vé chứ không bán và tất cả nhân vật tham dự LHP đều chung một danh xưng “khách mời”) chia làm ba nhóm thuộc hai dòng. Dòng thứ nhất, có thể gọi là “dòng chính thống”; bao gồm nhóm thứ nhất gồm khách mời là những người nằm trong hội đồng Ban giám khảo, những nhà làm phim, diễn viên có phim tham gia tranh cử; nhóm thứ hai là những nhà tài trợ, đại diện thương hiệu cho các nhà tài trợ cho LHP Cannes, khách mời của đoàn làm phim hoặc những khách mời danh dự thường xuyên xuất hiện tại LHP- đó thường là những những nhân vật nổi tiếng đình đám, đôi khi không thuộc địa hạt điện ảnh.

Điều này lý giải lý do tại sao mà những tên tuổi như: Hoa hậu thế giới năm 1994 Aishwarya Rai, nữ diễn viên điện ảnh Củng Lợi, “Yêu nữ hàng hiệu” xứ Chùa Vàng Chompoo Araya… rất nhiều năm qua gần như năm nào cũng hiện diện tại các kỳ LHP Cannes dù không có vai diễn điện ảnh nào mới. Năm 2019, với Aishwarya Rai là năm thứ 18 nàng “Hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại” là khách VIP của LHP Cannes. Nữ diễn viên Trung Quốc Củng Lợi, cũng chiếm kỷ lục số lần được là khách VIP của Cannes dù rất lâu cô không tham gia một bộ phim nào.

Dòng khách mời thứ hai chính là những nhân vật đã và đang tạo nên thị phi cho thảm đỏ Cannes những năm gần đây: những vị khách đến Cannes bằng “cửa sau”, tạm gọi tên là “dòng không chính thống”. “Cửa sau” ở đây là gì? - Là việc những nhân vật cũng có trong tay giấy mời của LHP Cannes nhưng không phải từ BTC, từ các thương hiệu đối tác của Cannes… mà là từ đội ngũ trong công ty môi giới, có thể gọi là “phe vé” tại Cannes. Móc hầu bao chi trả một số tiền không nhỏ (theo “đơn giá” mới nhất được hé lộ bởi tờ Sina của Trung Quốc - quốc gia được xem là giữ kỷ lục về lượng các “ngôi sao vô danh” bỏ tiền đến LHP Cannes - vé đến LHP được rao bán trên một trang thương mại điện tử với yêu cầu đặt cọc ban đầu là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng) và giá cho từng vị trí xuất hiện trên thảm đỏ của LHP là hoàn toàn khác nhau, dao động từ khoảng 235 triệu đồng đến khoảng 340 triệu đồng cho vị trí VIP, thậm chí có thể lên đến hơn 400 triệu đồng), các nhân vật này sẽ có cơ hội “lướt sóng” tại Cannes. Còn nếu các “Guest” muốn có vị trí ghế ngồi hay tham dự các sự kiện khác của Cannes như các bữa tiệc bên lề thì họ lại phải tiếp tục móc hầu bao ra chi trả thêm.

Phân định rõ quyền lực, thứ hạng

Nhìn hàng loạt những bức ảnh chụp các ngôi sao trên thảm đỏ Cannes, ngôi sao nào cũng xiêm y lộng lẫy, thần thái ngút ngàn, nhưng ít ai biết được rằng thực tế trên thảm đỏ tại Cannes, sự lộng lẫy, thần thái ấy là khác nhau. Từng khoảng trống, từng mét đo và cả khoảng thời gian được lưu lại trên thảm đỏ của LHP Cannes đều được phân định rất rõ ràng theo quyền lực, độ nổi tiếng của từng ngôi sao và “quy định bất thành văn” ấy được BTC LHP hiện thực hóa rất rõ và yêu cầu các ngôi sao, kể cả những tên tuổi thượng thặng nhất buộc phải tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, họ có quyền được lưu lại trên thảm đỏ nhưng chỉ trong khoảng thời gian nhất định, sau đó phải bước đi để nhường chỗ cho người tiếp theo.

Cụ thể, khoảng thời gian đầu tiên của thảm đỏ Cannes sẽ dành cho các khách mời quan trọng nhất: các vị giám khảo, các đoàn làm phim và diễn viên của phim dự giải trong liên hoan, các đại diện được ưu ái nhất của các nhà tài trợ chính... Những nhân vật này lần lượt tiến vào thảm đỏ theo cá nhân hoặc theo đoàn dưới sự sắp xếp của các điều phối viên. Thông thường khách mời sẽ có thời gian khoảng 2-3 phút, thậm chí hiếm hoi có vị khách mời được đặc cách lên tới 6 phút, lưu lại trên thảm đỏ để tạo dáng. Thảm đỏ lúc này trống hoàn toàn, điều này là rất quan trọng khi biết rằng nhờ vậy, các ngôi sao khi lọt vào khuôn hình của ống kính phóng viên, khách mời đó sẽ có một background “hoàn toàn sạch”, không hề bị chen vào bởi bóng dáng của các khách mời khác. Tuy nhiên, để được thụ hưởng đặc quyền này, phải là các ngôi sao thượng thặng thuộc dạng khách VIP. Đơn cử như ngôi sao Trung Quốc Củng Lợi.

Khi ngôi sao này di chuyển trên thảm đỏ, các nhân viên thảm đỏ của sự kiện đã tạm thời ngăn lại dòng người để Củng Lợi có thể thỏa sức khoe sắc, được phóng viên quốc tế liên tục chụp ảnh từ nhiều góc độ và được phát sóng trực tiếp liên tục trong vòng 3 phút. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là những khách mời VIP thường được đặc quyền lưu lại trên thảm đỏ lâu nhưng họ lại là người thường di chuyển rất nhanh. Thế nên, nói như một tờ báo, quyền lực và thần thái của một ngôi sao nằm ở cách họ xuất hiện trên thảm đỏ và qua những bức hình của họ chứ không phải họ diện trang phục gì và trang điểm ra làm sao.

Tuy nhiên với những cá nhân đến Cannes bằng “cửa sau”, dường như chẳng mấy ai trong số họ nhận thức rõ điều đó. Việc họ bị BTC LHP Cannes đuổi khéo trên thảm đỏ cũng chính là hậu quả của sự “không thấu hiểu” ấy. Đơn cử như tại Cannes năm nay, nữ diễn viên Cảnh Điềm và Thư Dư Phi đã khiến cư dân mạng Trung Quốc xấu hổ khi liên tục bị đuổi khéo “5 lần 7 lượt” trên thảm đỏ Cannes. Để tránh tình trạng này, tại LHP Cannes năm ngoái, những vị khách có mặt trên thảm đỏ đều nhận được lời nhắc nhở: “Không chụp ảnh selfie trên thảm đỏ. Cảm ơn. Bất kỳ ai vi phạm sẽ bị mời khỏi sự kiện”.

Không chỉ là chuyện “lố thời gian”, khoe thân từ lâu đã là cách thu hút ống kính của những người chưa là “sao” khi đến Cannes. Một điều được xem là điểm khá lạ lùng của Cannes là mặc dù LHP có quy định được xem là khá khắt khe về dresscode như: nam giới phải là “black tie” chỉn chu gồm suit đen, sơ mi trắng kết hợp cùng nơ cài cổ màu đen, nữ giới thường được khuyến khích diện những bộ đầm dài tha thướt, chấm đất, bắt buộc phải đi giày cao gót để thể hiện vẻ đẹp nữ tính và sang trọng nhưng lại không quá ngặt nghèo trong việc kiểm soát thiết kế trang phục lên thảm đỏ. Nhiều stylist nhận xét, so với các lễ trao giải như Oscar, Quả cầu vàng thì LHP này thoải mái hơn nhiều, cho các người đẹp “thích gì mặc nấy”, bất kể là hở hang đến đâu.

Đây cũng là lý do trên thảm đỏ Cannes ngày càng xuất hiện nhiều màn khoe da thịt theo hướng ngày càng táo bạo đến phản cảm của các nữ khách mời. Có những bộ cánh gây ồn ào suốt cho đến ngày trao giải Cành Cọ Vàng, chẳng hạn như của siêu mẫu Bella Hadid tại LHP Cannes năm 2017. Tại LHP Cannes năm 2018, một trong những cái tên có trang phục hở táo bạo nhất là Chantel Jeffries. Bộ váy hở đến phản cảm này khiến nữ nghệ sĩ trẻ bị xếp vào hàng thảm họa. Trên thảm đỏ LHP Cannes 2019, nữ diễn viên Trung Quốc Mẫu Kỳ Di Nhã khiến truyền thông quốc tế chú ý vì trang phục xẻ sâu táo bạo.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-tham-do-o-hoi-cho-phu-hoa-post62386.html