Chuyện tết thời bao cấp: Tát cá ăn tết

Thời bao cấp, không phải nhà nào cũng có đủ 'thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ' bởi kinh tế khó khăn, nguồn thực phẩm khan hiếm và nhất là tiền mặt thì với nhiều người chỉ là niềm mơ ước. Vì vậy, mỗi dịp tết đến, ở nông thôn, bà con chỉ trông chờ vào nguồn sản vật tự sản, tự tiêu tại vườn - ao - chuồng nhà mình. Thứ thực phẩm có thể để dành được đến dịp tết là ao cá. Vì thế, ngày giáp tết, khi việc đồng áng đã xong rồi, bà con ở các xóm làng rủ nhau tát ao, bắt cá để ăn tết.

Bây giờ về các vùng nông thôn, chúng ta không còn thấy nhiều ao hồ như trước bởi tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số mấy chục năm qua đã khiến nhiều ao hồ bị san lấp để làm nhà, xây dựng công trình giao thông hoặc các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Còn 30 năm về trước, có những xóm làng mà số ao hồ nhiều hơn số hộ dân. Tuy có nhiều ao hồ nhưng bà con không có tiền để cải tạo ao và đầu tư nuôi cá. Vì vậy, có khi cả xóm mấy chục gia đình chung nhau góp vốn để nuôi cá chung một ao. Thức ăn cho cá ngày đó cũng không có như bây giờ mà chỉ là lá cây, bổi trấu hoặc thỉnh thoảng có ít phân trâu bò đổ xuống. Cũng vì thế mà cá rất chậm lớn. Nuôi cả năm như thế nhưng con nào to nhất cũng chỉ cỡ hơn 1,5kg. Ao cá thì không nuôi một hai loại mà có đủ cá trắng, cá đen.

Không có máy bơm nước nên việc tát nước rất vất vả. Ao cá rộng chừng 300-400m2 phải huy động vài chục người thay nhau dùng gầu giai tát gần một ngày mới cạn. Trẻ già, trai gái đứng chật kín xung quanh ao để chờ đợi. Chó, mèo cũng nhớn nhác chạy lăng xăng theo chủ ra ven ao. Mực nước càng cạn thì càng nhìn thấy rõ cá bơi lội, vùng vẫy mạnh hơn. Người này chỉ tay, người kia xuýt xoa dự đoán cân nặng của mấy con cá to đang nháo nhào lặn ngụp. Tầm trưa, mực nước ao đã cạn già một nửa, những người tát nước tạm ngừng, các gia đình í ới gọi nhau về ăn cơm nhưng chẳng có ai muốn về. Phải mất chừng nửa tiếng thì sự đông đúc, ồn ào xung quanh bờ ao mới được vãn hồi. Mấy thanh niên cắt cử nhau ở lại trông coi hiện trường. Và đến đầu giờ chiều, việc tát nước lại tiếp tục. Mọi người lại đổ xô ra đứng vây quanh ao.

Khi nước đã cạn, đáy ao trơ ra thì một hình ảnh sinh động, hấp dẫn cuốn hút mọi ánh nhìn và tạo nên sự náo động. Nhà nào nhà nấy gọi nhau mang rổ rá, xô chậu ra chuẩn bị chia phần. Cánh đàn ông nhanh chân lội xuống bắt cá. Những con cá to quẫy mạnh, bùn nước bắn tung tóe, vẩy hết lên người. Cái thứ bùn đen đặc, bốc lên một mùi thum thủm đặc trưng. Từ mặt mũi, chân tay, áo quần những người bắt cá dính bê bết bùn. Nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó mà ngược lại, họ vẫn nói cười vô tư, hể hả bởi đang được gặt hái thành quả lao động của cả một năm trời.

Cá được phân riêng ra từng loại và xếp vào những chiếc rổ sề to và khiêng đến một khoảng đất rộng gần đó. Việc chia phần bắt đầu. Cá to chia trước, cá nhỏ chia sau, cuối cùng là tôm, cua, lươn, chạch, ốc nhồi. Tình làng nghĩa xóm nên dễ cảm thông, sự chia chác không cần phải chính xác lắm nên chẳng cần phải cân. Nhà này được con trắm to hơn một tí thì bù lại bằng con chép to hơn của nhà kia. Thế là việc chia cá diễn ra chóng vánh, suôn sẻ, ai cũng cảm thấy hài lòng. Nhận phần xong rồi, ai nấy hả hê, miệng cười tươi rói mang cá về nhà.

Trong lúc dân làng chia cá thì lại có một số người tranh thủ nhảy xuống ao “hôi cá’. Đây cũng là nét sinh hoạt thường thấy trong bất cứ vụ tát cá nào. Người nhanh tay, khéo léo và có kinh nghiệm cũng kiếm được vài ba kg tôm cá, cua, ốc ở công đoạn “hôi” này. Những con cá đen, lươn, trạch rúc xuống bùn sâu sặc khí lúc này mới ngoi lên. Cứ thấy đám bùn nào động đậy là mấy người lại nhào đến chộp ngay, thế nào cũng được một con cá nhỏ. Cảnh hôi cá cũng đông vui, nhộn nhịp, khẩn trương không kém. Và mặt mũi, quần áo những người này cũng dính bê bết bùn. Họ còn tỏ ra vui hơn cả những người chia cá trên bờ.

Được phần cá chia về, từng nhà lại phân loại ra các rổ, chậu. Nhà khá giả, đông người thì để lại ăn cả; nhà nghèo túng thì chọn những con cá to thả vào chậu nước rồi sáng hôm sau mang lên chợ huyện bán lấy tiền mua sắm thứ khác. Vì không có tiền, họ buộc phải làm thế và chỉ còn nguồn thực phẩm ấy mới mang lại cho họ được chút tiền sắm tết. Nhìn những bà, những chị tất bật cắp rổ cá lên chợ huyện mà thấy thương cho gia đình họ. Cả nhà phải “bóp mồm bóp miệng” để con cái có manh quần, tấm áo mới diện tết và có ít lễ vật để thờ cúng tổ tiên. Và cũng ở phiên chợ tết ấy, người giàu có sẽ chọn mua những con cá to, tươi rói xách về, nét mặt họ hoan hỷ tự hào trước bao ánh mắt nhìn ngưỡng mộ.

Tối hôm tát cá ấy, nhà nào cũng được một bữa no nê. Những con cá nhỏ được nấu nồi canh chua và nướng ăn trước. Còn lại, nhà nào cũng kho một nồi cá to để ăn dần trong 3 ngày tết. Nồi cá kho ấy là một món chủ lực nên được chăm chút chu đáo hơn. Lá giềng, củ sả được lót dưới đáy nồi, cá mổ sạch được xắt thành khúc, xếp từng lớp rồi rắc muối lên. Có nhà còn cho thêm ít tương. Sau khoảng thời gian tẩm ướp thì rót nước sôi vào, tưới thêm chút nước hàng (ở quê gọi là kẹo đắng, chế từ đường đen) cho cá có màu vàng sậm. Nồi cá được đặt lên bếp kiềng (bằng sắt 3 chân) hoặc bếp đầu rau (có 3 tảng đất sét nặn hình hơi cong) và bắt đầu nổi lửa, đun bằng củi đến tận nửa đêm. Khi kho, mùi cá quyện với mùi lá giềng, củ sả và kẹo đắng tỏa ra ngào ngạt, quyến rũ đến nao lòng. Nhà nào thiếu kiên trì và hơi ẩu thì kho cá trong khoảng 2-3 tiếng; nhà có điều kiện và kỹ tính hơn thì phải đun 7-10 tiếng đồng hồ. Bên cạnh nồi bánh chưng sôi ùng ục là nồi cá với ngọn lửa hồng cháy lom dom. Người được phân công trông coi nồi cá ấy phải thỉnh thoảng mở vung kiểm tra mực nước giống như nồi bánh chưng. Nếu thấy nước cạn thì phải chế thêm nước sôi vào. Sơ ý mà để hết nước, nồi cá cháy khét lẹt thì mất hết vị ngon. Cá càng kho lâu thì càng ngon, xương cá cũng nhừ, ăn được hết mà có mùi ngậy khó quên. Mấy bà mấy chị còn tiếc rẻ lớp lá giềng lót đáy nồi, ăn bằng hết, lại còn khen ngon vì nó ngấm vị mỡ cá.

Lại nói đến bữa cơm cá chiều tát ao, có những chuyện cười ra nước mắt. Vì nấu món cá tạp, nhỏ, nhiều xương dăm nên người già, trẻ con ăn dễ hóc. Đang xì xụp ăn uống thì có đứa trẻ hoặc người già yếu trợn mắt, há hốc mồm. Xương cá dính ở họng rồi! Bữa ăn phải đột ngột dừng lại để cứu chữa người hóc xương. Những cú vỗ thật mạnh vào lưng người hóc. Có người ọe được ra ngay nhưng cũng có người bị xương vướng ở cổ. Một biện pháp tiếp theo là cho ăn miếng rau sống, nhai trệu trạo rồi nuốt để cuốn cái xương trôi vào bụng. Cả nhà nhốn nháo trong tâm trạng lo lắng. Cũng may là không ai phải nhập viện để phẫu thuật chứ xảy ra sự cố ấy thì có nhà mất tết, còn mang tiếng là tham ăn.

Trên mâm cỗ ngày tết, bên cạnh những món ăn truyền thống còn có thêm đĩa cá kho thơm nức, ngày nào cũng ăn mà không thấy ngán.

Bây giờ ít thấy nơi nào có cảnh tát ao chia cá ấy nữa. Âu cũng thiếu đi một nét sinh hoạt ở làng quê mỗi khi tết đến, xuân về.

Đức Toàn

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-tet-thoi-bao-cap-tat-ca-an-tet-251221.html