Chuyến tàu nối Anh với châu Âu lục địa trong ngày cuối trước Brexit

Trên chuyến tàu Eurostar cuối cùng tới châu Âu trước thời điểm nước Anh rời đi, cảm xúc của những hành khách rất lẫn lộn: buồn, tiếc nuối, lạc quan, giận dữ, và cả sự trống rỗng.

Martin Kavanagh, một người làm công việc tư vấn an ninh, co thân hình to lớn của mình lại để ngồi vào chiếc ghế bên cửa sổ và bắt đầu suy ngẫm về cái ngày lịch sử này, khi nước Anh của ông sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu sau 47 năm làm thành viên.

 Một hành khách bước lên chuyến tàu Eurostar 9054 - chuyến cuối cùng từ London tới Paris trước khi nước Anh chính thức rời khỏi EU. Ảnh: Reuters.

Một hành khách bước lên chuyến tàu Eurostar 9054 - chuyến cuối cùng từ London tới Paris trước khi nước Anh chính thức rời khỏi EU. Ảnh: Reuters.

Ngày buồn nhất

"Đây là ngày buồn nhất. Nó gửi đi một thông điệp tới thế giới rằng chúng tôi đang quay lưng lại với họ trong thời điểm mà chúng tôi nên hướng ra bên ngoài", ông Kavanagh chia sẻ khi trên đường tới Paris để xem trận đấu bóng bầu dục giữa Anh và Pháp.

Bayan Patel, 27 tuổi, nha sĩ người Anh, trên đường tới Paris để tận hưởng kỳ nghỉ với hôn phu người Tây Ban Nha, lại cho rằng sự nổi bật của nước Anh nên được tôn vinh, và đang có quá nhiều sự bi quan xung quanh Brexit.

"Chúng tôi có thể đứng trên đôi chân của mình. Rời khỏi EU có thể sẽ là một quyết định tuyệt vời. Hiện tại mọi người đang quá tập trung vào những điều tiêu cực", anh Patel cho biết.

Chuyến tàu Eurostar cuối cùng trước khi nước Anh ra khỏi EU, rời khỏi nhà ga St Pancras ở London vào lúc 8h10 (giờ GMT) ngày 31/1/2020.

Không có các hoạt động kiểm tra bổ sung ở các chốt hải quan. Giai đoạn chuyển tiếp - kéo dài 11 tháng cho tới ngày 31/12 năm nay - sẽ giữ nguyên các quy định và luật lệ như khi nước Anh vẫn còn ở trong liên minh.

Không có cuộc biểu tình, lễ kỷ niệm hay những giọt nước mắt nào xuất hiện trên chuyến tàu. Không có thông báo chính thức nào trên hệ thống liên lạc nội bộ của tàu khi nó đi qua đường hầm xuyên eo biển Manche.

Nhiều hành khách cho biết cảm giác hôm nay cũng giống như những chuyến tàu bình thường khác. Nhưng sự thật thì không phải như vậy.

Nước Anh mà đoàn tàu bỏ lại phía sau sẽ trải qua sự thay đổi lớn nhất về mặt chính trị và xã hội kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Trong khi đó EU, điểm đến của đoàn tàu, cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử của khối, khi mất đi một thành viên giàu có và đầy quyền lực.

Nhà ga St Pancras ở London, nơi các chuyến tàu Eurostar khởi hành để đi đến Gard du Nord ở Paris với thời gian trung bình vào khoảng 2 tiếng 15 phút. Ảnh: Reuters.

Trên trang Wikipedia về Liên minh châu Âu, những thông tin của khối đã được cập nhật. Thành phố lớn nhất EU không còn là London mà đã trở thành Paris, số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ giảm từ 13% dân số xuống còn 1%.

"Chẳng ai sẽ được lợi từ việc này, tất cả chúng ta đều bị thiệt hại", anh Alan Ron, một công dân Pháp 35 tuổi đang sống và làm việc ở London, chia sẻ. Anh đang trên đường về thăm bạn bè và gia đình.

Mất đi một phần danh tính

Ý tưởng về một đường hầm khổng lồ xuyên eo biển Manche nối Anh và Pháp đã có từ lâu. Vào năm 1802, một kỹ sư Pháp đã thiết kế một đường hầm với các toa xe chạy bằng sức ngựa, được chiếu sáng bằng đèn dầu và thông hơi bằng các ống chồi lên mặt biển.

Nhưng thủ tướng Anh khi đó là ông John Palmerston bác bỏ ý tưởng này, cho rằng "nó làm cho quãng đường - mà chúng ta nghĩ là quá ngắn - trở nên ngắn hơn".

Phải đến gần 2 thế kỷ sau, một bản kế hoạch chi tiết mới được phê duyệt để xây dựng đường hầm - khởi công vào năm 1988 và hoàn thành năm 1994 - khi đó là công trình giao thông tốn kém nhất thế giới.

Bây giờ, tương lai của Eurostar trở nên không chắc chắn. Những chuyến tàu được coi là biểu tượng một châu Âu không biên giới, nhưng sự dễ dàng trong việc đi lại - với những chốt kiểm tra nhập cư nhanh chóng cho hành khách có hộ chiếu Anh và EU, mặc dù nước Anh không ở trong khu vực Schengen - chắc chắn sẽ thay đổi.

Chính phủ Anh và Pháp đã cảnh báo rằng nếu London và Brussels không thể có được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, thì tuyến đường sắt Eurostar có thể phải dừng hoạt động.

Ở chiều ngược lại, Glen Berry, một công dân Anh, đang trở về London từ Diễn đàn Fintech Paris, một sự kiện lớn trong ngành công nghệ tài chính thế giới. Anh đang tự hỏi không biết hành trình tương tự vào năm sau có trở nên khó khăn hơn hay không.

Bên cạnh những trở ngại có thể gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, anh Berry cho biết Brexit đã tác động rất nhiều đến công việc cá nhân của mình.

"Công ty của chúng tôi đang chuyển trụ sở từ London đến Amsterdam. Một bộ phận sẽ chuyển tới Luxembourg. Chúng tôi biết là những quy định sẽ thay đổi, chỉ là không biết chúng sẽ thay đổi như thế nào", anh nói.

Ở chiều còn lại, các hành khách ở Paris cũng lên chuyến tàu Eurostar 9601 - chuyến cuối cùng đến London trước Brexit vào lúc 20h13 ngày 31/1. Ảnh: AFP.

Nhưng sâu sắc hơn nữa, Berry cảm thấy một phần danh tính của mình đã mất đi.

"Cả đời tôi, tôi luôn nghĩ mình là một công dân châu Âu. Tôi đủ may mắn để có những lựa chọn. Rõ ràng là chúng tôi vẫn sẽ là một phần của châu Âu ở một mức độ nào đó. Nhưng có cảm giác là chúng tôi đã phải nói lời tạm biệt với một phần làm nên chúng tôi", anh Berry chia sẻ.

Ông Jean-Marc Charles, một hành khách người Pháp tỏ ra lạc quan với hy vọng rằng nước Anh sẽ sớm quay trở lại với Liên minh châu Âu.

"Đây có thể chỉ là một lời tạm biệt ngắn ngủi. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ sớm quay lại với chúng tôi", hành khách 47 tuổi chia sẻ.

Sơn Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chuyen-tau-noi-anh-voi-chau-au-luc-dia-trong-ngay-cuoi-truoc-brexit-post1041811.html