Long đong, hẩm hiu số phận tăng 'quốc bảo' Altay Thổ Nhĩ Kỳ

Có ý chí nhưng thiếu kinh nghiệm chế tạo xe tăng, Ankara buộc phải sử dụng công nghệ của nước ngoài, tuy vậy, tương lai của 'quốc bảo' Altay vẫn mờ mịt, khó đoán định.

Dự án xe tăng chiến đấu chủ lực Altay

Altay là thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thứ ba+ của Thổ Nhĩ Kỳ, được phát triển thông qua Dự án Xe tăng Quốc gia (Milli Tank Üretim Projesi ALTAY - MITÜP ALTAY), theo một sáng kiến được đề xuất vào giữa những năm 1990 nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng độc lập, vững chắc cho việc sản xuất, phát triển và bảo dưỡng MBT cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Xe được đặt tên Altay để vinh danh Tướng Fahrettin Altay - Tư lệnh Quân đoàn kỵ binh 5 trong giai đoạn cuối Chiến tranh giành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Công ty Otokar - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến năm 2008 đã sản xuất hơn 25.000 xe quân sự - bắt đầu Dự án Altay vào năm 2007 theo một hợp đồng trị giá 500 triệu USD nhằm thiết kế và chế tạo 4 nguyên mẫu. Đây là chương trình phát triển MBT đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1943, khi các nguyên mẫu của xe tăng quốc gia được sản xuất ở Kırıkkale, nhưng chưa bao giờ được sản xuất ở quy mô lớn. Tháng 9/2010, giai đoạn thiết kế ý tưởng Altay đã hoàn thành; nguyên mẫu đầu tiên ra đời vào năm 2015; tháng 8/2016, Otokar đệ trình đề nghị cho sản xuất hàng loạt.

Tăng Altay được phát triển nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng độc lập, vững chắc cho việc sản xuất, phát triển và bảo dưỡng MBT cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: topwar.ru

Tăng Altay được phát triển nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng độc lập, vững chắc cho việc sản xuất, phát triển và bảo dưỡng MBT cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: topwar.ru

Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ dự định chế tạo 1.000 MBT Altay theo 4 lô, 250 chiếc mỗi lô. Dự kiến, xe tăng sẽ được gắn pháo nòng trơn 120mm L/55, một súng 7,62mm đồng trục và một súng 12,7mm; được trang bị các cảm biến và thiết bị bảo vệ kíp xe khỏi các tác nhân hóa-xạ-sinh; dùng động cơ 1.800 mã lực bản địa (hai lô đầu tiên sẽ dùng hộp số RENK và động cơ diesel tuốc bin MTU Friedrichshafen có công suất 1.500 mã lực của Đức) có tốc độ tối đa 70km/h, có thể hoạt động dưới nước sâu 4,1m; kíp xe 4 thành viên.

Được thừa hưởng từ các hệ thống được phát triển trong nước và công nghệ pháo trên K2 Black Panther của Hàn Quốc, Altay có khung gầm chắc chắn với tháp pháo được thiết kế lại cùng hệ thống điều khiển hỏa lực mô-đun Volkan-III của công ty Aselsan được vi tính hóa (hoặc Hệ thống điều khiển hỏa lực pháo quốc gia cho nền tảng hải quân (TAKS)), được trang bị hệ thống xác định mục tiêu chiến trường tương thích STANAG 4579 để tương tác giữa các đơn vị xe tăng, của Thổ Nhĩ Kỳ.

Altay có bảy cặp bánh, thân xe dài hơn, vỏ giáp nặng hơn; một khoang chứa đạn biệt lập được thiết kế để bảo vệ kíp xe cùng với các hệ thống ngăn chặn cháy và nổ được kích hoạt khi bị trúng đạn hoặc khi xe gặp tai nạn. Ngày 9/11/2018, Altay đã giành được hợp đồng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 3,5 tỷ USD cho lô 250 xe. Quân đội nhiều nước như Ả Rập Saudi, Azerbaijan, Oman, Pakistan, Qatar đã thể hiện sự quan tâm về việc có được Altay.

Long đong hẩm hiu số phận Altay

Theo kế hoạch, tăng Altay sẽ thay thế Leopard 1A và 2A (Đức), M48 và M60 (Mỹ) đang có trong trang bị của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, dù có ý chí nhưng do thiếu kinh nghiệm chế tạo xe tăng, Ankara buộc phải sử dụng công nghệ của nước ngoài. Năm 2019, trong một bài phát biểu, Tổng thống Erdogan đã đưa Altay vào kế hoạch vũ khí năm 2020 nhưng trên thực tế, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa giải quyết được ba vấn đề chính là động cơ, vỏ giáp và hộp số.

Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có động cơ và hộp số của Đức, nhưng Berlin áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và giải pháp khả thi đã tan thành mây khói. Vỏ giáp cho MBT được sản xuất tại Pháp, tuy nhiên, quan hệ của Ankara với Berlin và Paris đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây do Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường chính sách đối ngoại gây hấn ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông; căng thẳng chính trị gần đây liên quan đến việc thăm dò hydrocacbon ngoài khơi Síp đã khiến Pháp hủy tất cả các thỏa thuận; và mới nhất, đặc nhiệm Đức đã kiểm soát tàu dân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường sang Lybia.

Việc phát triển “quốc bảo” Altay đang gặp nhiều khó khăn về công nghệ. Nguồn: i.imgur.com

Có một chi tiết nhạy cảm đặc trưng cho chính trị-nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại - công ty Otokar phát triển Altay, đã tạo ra một số nguyên mẫu xe đầu tiên, nhưng trong cuộc đấu thầu sản xuất loạt, công ty BMC Otomotiv Sanayi ve Ticaret của Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar đã bất ngờ thắng thầu. Hợp đồng trị giá hàng tỷ USD của chính phủ đã được trao cho một công ty có một trong những cổ đông là thành viên của Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan. Không những vậy, nhà nước đã tặng miễn phí toàn bộ nhà máy quân sự cho BMC Otomotiv Sanayi ve Ticaret trong 25 năm tới.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc thay đổi tổng thầu không dẫn đến đột phá về công nghệ; Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đàm phán với Hàn Quốc để giải quyết ba vấn đề công nghệ. Hai nước có mối quan hệ rất tốt, trong những năm gần đây, các công ty Hàn Quốc đã có được các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có thông tin rằng, các cuộc đàm phán song song đang được tiến hành với công ty công nghệ quốc phòng Hàn Quốc Doosan và S&T Dynamics, liên quan đến hộp số tự động.

Nhưng trớ trêu là trong chương trình sản xuất hàng loạt tăng K2 Black Panther mới của Hàn Quốc cũng có thời điểm xảy ra vấn đề tương tự - việc triển khai sản xuất loạt đã bị tắc bởi các vấn đề liên quan đến động cơ và hộp số. Hàn Quốc tự hào có nền công nghiệp nặng mạnh hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nước này cũng gặp khó khăn trong việc phát triển các tổ hợp động lực. 100 xe tăng K2 Black Panther đầu tiên phải sử dụng động cơ Đức, do động cơ Doosan 1.500 mã lực và hộp số tự động S&T Dynamics thường bị lỗi.

Tăng “quốc bảo” của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ là chiếc K2 Black Panther được hiện đại hóa hay đơn giản hóa. Nguồn: nationalinterest.org

Lô thứ hai (106 xe) cũng bị trì hoãn vài năm vì nguyên nhân có liên quan đến động cơ, do đó, chúng có hệ thống truyền động lai ("hybrid"), gồm động cơ sản xuất tại Hàn Quốc và hộp số RENK của Đức. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề cập với Ukraine về khả năng sử dụng động cơ đa nhiên liệu 6TD-3 1.500 mã lực của nước này. Như vậy, ý tưởng về một chiếc xe tăng “quốc bảo” đang bị mai một dần. Với động cơ, hệ thống truyền động và vỏ giáp lai, Altay không còn như được quảng cáo, nó sẽ là một phương tiện chiến đấu hoàn toàn khác - một chiếc K2 Black Panther được hiện đại hóa hay đơn giản hóa.

Hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của mình, giới quân sự Pakistan từng để mắt đến Altay của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, vào tháng 7/2020, họ đã quyết định mua VT-4 của Trung Quốc do trọng lượng Altay vượt quá 60 tấn - một bất lợi lớn cho các hoạt động trên núi và sa mạc (có thông tin Pakistan đã ký hợp đồng mua 300 xe tăng VT-4 Trung Quốc, với khoảng 860 triệu USD). Về tính cơ động, Altay kém đáng kể so với các xe tăng sản xuất tại Pakistan và các mẫu từ Trung Quốc.

Altay dùng pháo 120mm trong khi cỡ nòng của MBT trong quân đội Pakistan là 125mm. Chế tạo đạn mới hoặc mua sẽ mất nhiều thời gian và tốn quá nhiều tiền, chưa kể giá thành của một chiếc Altay lên tới 13,75 triệu USD. Altay hiện sử dụng động cơ Đức, và vì lý do chính trị, việc xuất khẩu chúng sang Pakistan khó có thể xảy ra trong khi triển vọng người Thổ tạo ra động cơ 1.800 mã lực của mình rất mờ mịt./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/long-dong-ham-hiu-so-phan-tang-quoc-bao-altay-tho-nhi-ky-819913.vov