Chuyện sau tay lái

Tôi là đứa trẻ sinh non 7 tháng tuổi thai kỳ vào một sáng hè nóng nực năm 1979, theo một cách không bình thường. Mẹ tôi bị một người đàn ông say rượu đâm vào xe đạp bên bờ hồ Hoàn Kiếm tối hôm trước.

Mẹ tôi hay kể chuyện cũ khi tôi còn nhỏ nằm gối đầu lên đùi bà mỗi buổi tối mùa đông. Nó ám ảnh tuổi thơ: Tại sao ông say lại đâm vào mẹ nhỉ, mẹ có đau không, mẹ có buồn vì con ốm yếu không...?

Nếu ai đó nói những câu chuyện cũ đậm ký ức có khả năng điều chỉnh được hành vi thì tôi luôn tin điều này. Đi ra đường từ bé tôi nhìn thấy phụ nữ mang bầu là đứng xa xa. Lớn lên đi xe máy lẫn ô tô luôn giữ khoảng cách tới vài mét. Tôi sợ vô tình làm điều gì đó tổn thương họ.

Thói quen uống bia rượu rồi ngật ngưỡng leo lên xe đạp, xe máy rồi cả xe hơi đi ngoài đường không phải là chuyện lạ lẫm gì ở Việt Nam.

Đàn ông biết uống rượu nói chung đều có một niềm tin vững chắc về tửu lượng của mình. Họ điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng ngà ngà say đã trở thành thói quen, đôi khi khó có thể phân biệt được người nào say người nào tỉnh.

Việc khuyên can một gã say là để xe lại đi taxi, xe ôm về là việc khó. Người say vẫn tiếp tục lái xe lang bang ngoài phố với đủ tình trạng từ nhẹ đến “say mất người” gây ra bao thảm kịch cho xã hội.

Vậy nên một câu nói như slogan trên VOV giao thông, phía trước tay lái là sự sống, luôn đúng theo mọi nghĩa.

Cu Trí

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/chuyen-sau-tay-lai-177132.html