Chuyển sàn liệu có đổi vận?

Với mục tiêu cải thiện thanh khoản để huy động vốn trên TTCK, nhiều doanh nghiệp niêm yết quyết định chuyển niêm yết lên HOSE. Tuy nhiên, khả năng đổi vận của doanh nghiệp là không, nhiều nếu bản thân doanh nghiệp không có sự cải thiện về tình trạng nội tại.

Đưa CP về đúng giá trị

Tại ĐHCĐ thường niên 2018, CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF), có tờ trình về việc chuyển niêm yết 56 triệu CP từ UPCoM sang HOSE. Theo đại diện doanh nghiệp, mục tiêu của kế hoạch chuyển sàn là giúp CP tiếp cận với nhiều NĐT hơn, phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, gia tăng tính thanh khoản và tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông.

Theo KDF, đến thời điểm 1-10, KDF sẽ cơ bản thỏa mãn các điều kiện để có thể thực hiện đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn HOSE. Dự kiến KDF sẽ hủy giao dịch trên UPCoM, và chuyển sang niêm yết trên HOSE trong khoảng thời gian từ tháng 10-2018 cho tới tháng 4-2019.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có 11 doanh nghiệp đã nộp đơn xin niêm yết CP trên HOSE, trong đó có 3 doanh nghiệp chuyển niêm yết từ UPCoM và HNX, gồm: L14, CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT), CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM).

Được biết, trước khi niêm yết trên UPCoM, KDF đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá 52.000 đồng/CP. Tuy nhiên, từ ngày niêm yết (28-9-2017) với giá tham chiếu 60.000 đồng/CP, KDF liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn 24.000 đồng/CP. Việc KDF mất 60% giá trị kể từ ngày niêm yết khiến cho giới đầu tư bất ngờ, bởi đây là doanh nghiệp đang đầu ngành trong lĩnh vực ngành hàng đông lạnh, với quy mô thị trường được ước tính lên đến 18.160 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng kép toàn ngành kem đạt khoảng 6,4-8% trong giai đoạn 2016-2021. Thực tế trong năm 2017, mảng kem KDF tiếp tục dẫn đầu thị phần và mảng đông lạnh tăng 77%.

Thời gian tới, KDF sẽ thâm nhập sâu hơn vào mảng đông lạnh thông qua việc phân phối sản phẩm của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC). Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của KDF được cổ đông thông qua với doanh thu thuần 1.700 tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng (tăng 12%), cổ tức tiền mặt 14%.

Chiêu thổi giá?
Nếu xem chuyển sàn của KDF có mục tiêu rõ ràng và minh bạch, thì động thái dời sàn của CTCP Ligico 14 (L14) khiến cho giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi. Mới đây, HOSE thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 15 triệu CP của L14.

Như vậy, sau 7 năm gắn bó trên HNX, doanh nghiệp này đã sắp phải nói lời chia tay để chuyển sang giao dịch ở sàn giao dịch có tiêu chuẩn cao hơn. Điều đáng nói là trong khoảng thời gian trước khi nộp hồ sơ chuyển sàn, L14 có nhiều biến động bất thường cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh doanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để được niêm yết trên HOSE.

Chẳng hạn, đầu tháng 3, L14 đã tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 75 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng) bằng cách phát hành gần 7,5 triệu CP chào bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu. Thời điểm đó, giá CP L14 đang giao dịch trên HNX ở mức 78.500 đồng/CP, nhưng giá chào bán chỉ có 12.000 đồng/CP. Tương tự, hoạt động kinh doanh của L14 cũng đột biến đáng ngờ với doanh thu giảm nhưng lợi nhuận ròng trong quý II đạt gần 26 tỷ đồng, gấp đôi quý I và là con số cao nhất từ trước tới nay.

KDF xin cổ đông chuyển sàn với mong muốn đưa CP về giá trị thực.

KDF xin cổ đông chuyển sàn với mong muốn đưa CP về giá trị thực.

Quyết định chuyển sàn cộng với sự đột biến về lợi nhuận, đã giúp cho L14 bật tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, thời điểm cuối tháng 6, L14 chỉ giao dịch trên mức 31.000 đồng/CP, nhưng đến phiên giao dịch 21-9, L14 đã vượt mốc 46.000 đồng/CP (tương đương mức tăng xấp xỉ 50%).

Điều đáng ngờ là ngay trong đợt sóng tăng này, lãnh đạo L14 và người nhà lên tục đăng ký mua bán CP L14. Chẳng hạn, ông Phạm Gia Lý, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào, trong khi em trai đăng ký bán ra.

Mới nhất là con gái của ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc, đăng ký bán 50.000 CP L14 trong khoảng thời gian từ 17-9 đến ngày 16-10. Việc người nhà lãnh đạo L14 bán ra CP L14 ở mức giá cao, khiến cho giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi về động cơ của việc chuyển sàn nhằm làm giá CP để trục lợi?

Khó kỳ vọng đột phá

Ngày 12-9, HOSE có công văn chấp thuận đăng ký niêm yết CP của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC). Theo đó, PHC sẽ hủy niêm yết toàn bộ gần 20,9 triệu CP trên sàn HNX kể từ ngày 25-9 để chuyển sang sàn HOSE. Tuy nhiên, thông tin này không thể giúp cho PHC khởi sắc hơn so với thời điểm giữa tháng 4, khi ĐHCĐ thường niên 2018 thông qua kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE.

Đây chính là thông tin giúp cho PHC ghi nhận mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch 20.300 đồng được xác lập trong phiên giao dịch ngày 12-4. Với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (21-9) là 16.100 đồng/CP, thì PHC đã giảm khoảng 20%.

Việc NĐT không còn mặn mà với việc chuyển sàn của PHC là điều dễ hiểu, bởi mức giá hiện tại quá cao so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính bán niên 2018, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 101 tỷ đồng (tăng 64,14%). Thế nhưng, trong giai đoạn tăng trưởng này mức biên lợi nhuận bình quân chỉ đạt mức 7,7%, được xem là chưa đạt được như kỳ vọng.

Nguyên nhân do mức giá trúng thầu của PHC thường thấp hơn so với các nhà thầu hàng đầu khác, trong khi vẫn phải duy trì chi phí sản xuất cao để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trong quá trình tăng trưởng đòi hỏi phải đầu tư nhiều máy móc, thiết bị và trong những năm đầu khấu hao cao làm giảm lợi nhuận.

Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong nội bộ ngành đã đẩy mức tỷ suất lợi nhuận biên của ngành xây lắp xuống mức thấp, và PHC hiện chỉ chiếm 1% thị phần trên thị trường xây dựng.

Một yếu tố nữa khiến cho NĐT không thật sự an tâm khi đầu tư vào PHC chính là rủi ro từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào. Theo thống kê, nguyên liệu vật liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành sản xuất nên khi giá nguyên liệu, vật liệu tăng sẽ làm sụt giảm lợi nhuận dù không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu do hầu hết các hợp đồng xây lắp đã được ký kết và xác định giá trị từ ban đầu.

Tương tự là trường hợp CTCP Cà phê Thương Phú (CTP). Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HĐQT của CTP có tờ trình kế hoạch chuyển niêm yết CP từ HNX sang HOSE. Quyết định chuyển niêm yết của CTP được cho là nhằm mục đích cải thiện thanh khoản và tạo sức bật cho CP. Thời điểm đó, giá CP CTP chỉ giao dịch trên mức 5.000 đồng/CP, giảm gần 82% so với mức đỉnh hơn 29.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 6-7-2017).

Tuy nhiên, thông tin này cũng không giúp ích được gì cho CTP, thậm chí có thời điểm CTP giảm xuống gần sát mức 4.000 đồng/CP. Cũng như PHC, việc NĐT không mặn mà với kế hoạch chuyển sàn của CTP bắt nguồn từ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HĐQT của CTP đặt kế hoạch doanh thu năm 2018 đạt 180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6,4 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2017, kế hoạch năm 2018 giảm 20% về doanh thu và 66% lợi nhuận.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/chuyen-san-lieu-co-doi-van-61621.html