Chuyện quý ông, quý bà sập bẫy tình: Đàn ông nông nổi giếng khơi vậy mà…?

Con người, dù ở thân phận nào, đạt được thành tựu ra sao, khôn ngoan tới đâu, khi kinh qua cuộc đời này, thế nào chẳng có lúc sai lầm, có lúc tổng kết lại, tự nhận ra mình đã từng khờ dại đến đớn đau. Mà phàm trên đời, người ta chỉ hay ngây ngốc vì tình. Những loại thất bại khác thường đem về bài học đỡ đau đớn hơn. Đàn bà đã thế, đàn ông càng chẳng ngoại lệ.

Chẳng phải ngẫu nhiên, mà mỹ nhân kế có chỗ đứng chễm chệ trong ba mươi sáu kế quân sự của Trung Quốc cổ đại. Nạn nhân của kế sách này trải dài từ Đông sang Tây, từ anh hùng tới kẻ vô danh, đều vì một chữ tình mà điêu đứng, để liệt kê lại danh sách nạn nhân, quả thực là bất khả.

Thời mạng xã hội, con người được kéo lại gần nhau tới mức người xưa khó hình dung nổi. Thời gian, không gian được xóa nhòa, chẳng phải nhọc công tốn sức, trèo đèo lội suối, vượt đủ cửa ải mới thấy được nhau, chẳng mất công dò la hỏi han về gia thế, thói quen, sở thích, tình trạng hôn nhân hay tình trạng cảm xúc khi con người tự nguyện phơi bày chân dung bản thân hàng ngày, đều như cơm ăn nước uống. Nhưng hình như càng phơi bày nhiều, hướng vào chính mình nhiều, con người càng cô đơn.

Nhà văn An Hạ, anhavn85@gmail.com

Nhà văn An Hạ, anhavn85@gmail.com

Cô đơn đối với đa phần đàn ông mà nói, cũng là một kiểu khổ ải. Thế nên chẳng hiếm để tìm thấy những câu chuyện đấng trượng phu mắc phải bẫy tình qua mạng, vướng phải mỹ nhân kế thời hiện đại, ở dạng sơ đẳng nhất, lừa tình lấy tiền, từ vài triệu vài trăm trong những đêm chớp nhoáng, đến nhiều tỷ trong những kịch bản tưởng chừng như vô lý, nhưng lại vô cùng có lý.

Chẳng khó để tìm ra con mồi tiềm năng chỉ qua vài dòng trạng thái, đôi ba bức ảnh. Con người dù kín đáo đến đâu, chỉ cần có tài khoản mạng xã hội, cũng sẽ để lại vết dấu về chính mình. Không tự đăng tự phô, thì qua thông tin chia sẻ, những nút like, những lời bình luận, những mối quan hệ bạn bè nhìn thấy được qua tương tác.

Kẻ đi săn lại chẳng có gì ngoài kinh nghiệm, thời gian, tìm kiếm con mồi, định giá, nghiên cứu sở thích, khẩu vị, tất cả chỉ để nhằm vào yếu điểm sợ cô đơn, bản năng dục tính thích chinh phục, và xu hướng thích chở che, làm anh hùng của phái mạnh. Con mồi có, công cụ để tiếp cận kín đáo dễ dàng qua mấy cái like, đôi dòng inbox kín đáo, "thính" có và thừa mứa, từ ảnh đến lời, tất cả chỉ đợi phái mạnh rơi vào thời điểm yếu.Chưa bao giờ việc tiếp cận một con người lại dễ dàng như bây giờ. Chẳng phải kiếm cớ gặp mặt, chẳng phải mòn mỏi đợi thư, chẳng nhói tim nghe một tiếng chuông điện thoại bàn đổ.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, kẻ đi săn thỏa sức mà giăng lưới. Chỉ vài giây Google, đã có thể tìm thấy hàng triệu kết quả quý ông sập bẫy tình, từ chuyện một đêm, cho đến những mối quan hệ tai nạn dài hơi tình tiền sóng đôi dập dìu. Còn có chuyện ở tít bên Thái hi hữu tới mức, một người đàn bà có thể lừa cưới tới mười hai người đàn ông, cuỗm sạch tài sản và của hồi môn sau đám cưới. Và đương nhiên, mười hai ông chồng đều được săn qua mạng xã hội.

Thế mới biết, bản năng gốc, tính dục, khao khát được yêu, khao khát thoát khỏi cô đơn, dù chỉ trong giả tạm, chi phối con người ta lớn như thế nào, đấy là nhu cầu muôn đời có lý, khi người ta còn làm người, còn bị chi phối với ham muốn. Cái có lý ấy lý giải cho mọi kịch bản vô lý.

Cho việc từ anh tổng thống, anh cựu danh thủ, doanh nhân thành đạt, anh đại gia công nghệ, hay ông già tám mươi tuổi lụ khụ tháo hàm răng giả ra đánh còn khó khăn, vẫn cứ sập bẫy những cuộc tình - tiền như thường, khiến cho đám đông hay tin thường ồ lên kinh ngạc.

Thời đại mọi khoảng cách được co ngót nhờ internet, những cú sập bẫy tình của đàn ông càng diễn ra nhanh hơn, gọn hơn, và nhiều khi lặng lẽ và đau đớn hơn. Chẳng gã đàn ông nào muốn kể về thất bại ngây ngốc vì tình và vì dục của mình cả. Phải cùng cực lắm thiên hạ mới được theo dõi vài phen kiện tụng tình tiền cay đắng phủ khắp các mặt báo.

Ảnh minh họa.

Kể cũng lạ, ranh giới giữa vô lý và có lý của chuyện tình tiền lại mong manh đến thế, chỉ cách biệt giữa bước chân trong cuộc và ngoài cuộc, giữa rung động và không rung động, giữa cô đơn và chưa cô đơn tới mức sập bẫy. Thậm chí, chẳng phải con mồi nào cũng sập bẫy vì ngây ngốc, vì hormone đang lên tiếng cuồn cuộn trong cơ thể, vì ham của lạ, đôi khi, ngay cả những kẻ khôn ngoan, quá thừa từng trải cũng quyết định dại khờ, vứt lại mọi toan tính để lao vào một canh bạc.

Canh bạc mơ hồ của khao khát, kể cả mười mươi trước mắt là một cái bẫy, họ vẫn nhắm mắt đưa chân trong hy vọng. Ai chẳng có lúc khao khát yêu và được yêu, nhất là khi kẻ săn mồi lại làm dấy lên được trong con mồi loại cảm xúc, khao khát nguyên bản ấy.Trong trường hợp ấy, con mồi đánh mất không chỉ tiền bạc, đôi phút nông nổi sung sướng dại dột, mà còn sở hữu thêm nỗi đau đớn mất mát khi tàn cuộc, loại nỗi đau khủng khiếp nhất trong các loại sập bẫy ái tình, có thể diễn đạt trọn vẹn bi kịch cô đơn của một kiếp người.

Thuở bé, tôi thích xem bộ phim truyền hình "Bao Thanh Thiên", ngâm nga suốt bản "Mộng uyên ương hồ điệp" ở cuối phim. Lớn mới biết bản nhạc ấy là một trong những bài hát thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa ngữ, riêng tại Đài Loan bán được 940 nghìn bản, toàn cầu lên đến hơn 6 triệu bản. Hóa ra ca từ bài hát toàn trích nguyên thơ hai nhà thơ lớn của Trung Quốc.

Hai câu: "Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu/ Cử bôi tiêu sầu cánh sầu" ( Rút dao chém nước, nước càng chảy/ Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm), vốn là thơ Lý Bạch. Hai câu khác: "Đản kiến tân nhân tiếu. Na văn cựu nhân khốc" (Chỉ thấy người nay cười. Đâu nghe người xưa khóc), lại là thơ của Đỗ Phủ.

Phải mượn tới hai nhà thơ lớn được xưng tụng là thi tiên và thi thánh, thêm ca từ đậm cái lý vô thường, để diễn tả nỗi đắng cay của hai chữ ái tình, mới có sức lan tỏa đến thế, khiến một ca khúc trở thành kinh điển. Nay xin mượn lại những câu thơ này để sẻ chia thấm thía với nỗi đau đắng cay của phái mạnh khi trượt ngã tấm chân tình trong cái bẫy ái tình ảo. Nỗi đau đời nào cũng giông như nhau, đều rất con người.

Nhà văn An Hạ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/chuyen-quy-ong-quy-ba-sap-bay-tinh-dan-ong-nong-noi-gieng-khoi-vay-ma-586700/