Chuyện quần áo và tư duy chuyên nghiệp

Bóng đá Việt Nam tiếng là đã chuyên nghiệp 20 năm nhưng tư duy chuyên nghiệp đến nay vẫn còn mơ hồ.

HLV Trần Minh Chiến phát biểu sau trận đấu Bà Rịa - Vũng Tàu thắng CLB Sài Gòn 2-1

HLV Trần Minh Chiến phát biểu sau trận đấu Bà Rịa - Vũng Tàu thắng CLB Sài Gòn 2-1

Vòng loại Cúp Quốc gia 2020 đã kết thúc khá êm đẹp, với nhiều tín hiệu tích cực từ các trận đấu. Công tác truyền thông, làm hình ảnh của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng khá đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn đó đôi chút lấn cấn.

HLV Lê Huỳnh Đức trong cuộc đọ sức giữa SHB Đà Nẵng và Huế diện chiếc quần kẻ không khác gì quần ngủ. Thật khó chấp nhận một HLV trưởng của đội bóng chuyên nghiệp sử dụng trang phục như vậy.

Hay như chuyện CLB Sài Gòn bất ngờ để thua Bà Rịa - Vũng Tàu 1-2. Tưởng chừng câu chuyện này chẳng liên quan tới áo hay quần nhưng đừng quên, trong một buổi tập mới đây, HLV Trần Minh Chiến đã mặc nhầm áo của CLB Sài Gòn, dù ông đang dẫn dắt CLB Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ở đây, từ chuyện cái áo buộc người hâm mộ phải đặt dấu hỏi về trận thắng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Liệu có hay không yếu tố dàn xếp khi Sài Gòn FC và Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng được một doanh nghiệp đầu tư? Nếu đặt ra ngoài yếu tố dây mơ rễ má, việc ông Chiến mặc áo Sài Gòn FC lại càng khôi hài.

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” vì cái áo. Mùa giải năm ngoái, ở trận gặp TP HCM, tiền đạo Wander Luiz và Nguyễn Anh Đức mặc nhầm áo của nhau, cả hai sau đó phải ra ngoài thay áo trước khi trở lại sân.

Cách đây vài mùa, SLNA đến Tam Kỳ để đối đầu với chủ nhà Quảng Nam. Trước giờ bóng lăn, một ngoại binh tá hỏa báo BHL quên áo thi đấu ở Vinh. May thay, BTC sân Tam Kỳ đã chấp thuận cho đội khách mặc áo thi đấu sân nhà ra sân.

Khi nhắc tới bóng đá chuyên nghiệp, đồng nghĩa tất cả mọi thứ đều phải chuyên nghiệp, kể cả quần áo. Nhưng bản thân các HLV cũng chưa ý thức được mình cần sự chỉn chu thì rất khó để làm gương cho học trò. Không hiếm để bắt gặp các HLV mặc quần ngố, áo phông ra sân.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, ở các giải bóng đá lớn trên thế giới, HLV trưởng thường mặc vest, đeo cà vạt rất lịch thiệp. Nếu diện đồ thể thao, họ cũng lựa chọn kỹ càng, để hình ảnh của mình đẹp nhất khi xuất hiện.

Tại V-League 2020, HLV Fabio Lopez là người duy nhất ra sân với trang phục đậm chất quý ông. Đơn giản, nhà cầm quân này tới từ Italia - một trong những nền bóng đá phát triển nhất thế giới.

Bóng đá Việt Nam tính ra đã lên chuyên nghiệp ngót 20 năm nhưng bản thân những thành tố tạo nên nền bóng đá ấy vẫn kém chuyên nghiệp. Ngoài chuyện áo quần, chuyện mặt sân xấu xí, chuyện cái nhà vệ sinh ở sân vận động không đủ tiêu chuẩn, chuyện dàn đèn không đủ sáng… diễn ra như cơm bữa.

VFF, VPF tuy nói thắt chặt nhưng vẫn cứ phải nhắm mắt cho qua khi thiếu một vài điều kiện. Bởi lẽ, nếu làm đúng, làm chuẩn, V-League chắc chỉ còn vài đội đá, hạng Nhất còn tệ hơn.

Muốn bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, mọi CLB, HLV, cầu thủ đều phải có ý thức về sự chuyên nghiệp, không thể chỉ trông chờ vào những nỗ lực của Ban Tổ chức hay các nhà quản lý.

Phương Linh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-quan-ao-va-tu-duy-chuyen-nghiep-d466686.html