Chuyện phòng chống dịch nCoV tại xã có số dân chiếm hơn nửa là công nhân thuê trọ

Xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội những ngày này nóng với hai điều liên quan tới bệnh dịch nCoV .

Thứ nhất là nơi có BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang khám và điều trị cho người mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Thứ hai, có dân số gần 30.000 người, trong đó lượng công nhân thuê trọ đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long lên tới gần 17.000 người. Nằm ngay sát BV chữa trị dịch nhưng tâm lý người dân nơi đây rất ổn định, mọi thông tin về dịch bệnh, cách phòng chống được họ cập nhật từng ngày, từng giờ.

Khu tiếp công dân nằm trong khuôn viên UBND xã Kim Chung những ngày này luôn có cồn rửa tay và hộp khẩu trang phát miễn phí cho công dân đến liên hệ công việc. Còn điện thoại của ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã luôn “cháy máy” bởi những cuộc gọi thông báo công tác phòng chống dịch nCoV của các thôn, cơ sở trên địa bàn và chỉ đạo từ UBND huyện.

Cán bộ xã Kim Chung cùng chủ nhà trọ tiến hành tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tới người thuê trọ. Ảnh: G.B.

Cán bộ xã Kim Chung cùng chủ nhà trọ tiến hành tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tới người thuê trọ. Ảnh: G.B.

Hiện Kim Chung có tới 8 trường gồm mầm non, tiểu học, THCS, THPT và 1 trường trung cấp nghề. Số học sinh, học viên các bậc lên tới gần 7.000 em. Mấy ngày hôm nay, tranh thủ học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch, UBND xã đã chỉ đạo các trường làm công tác vệ sinh, khử khuẩn khu vực các lớp học và khuôn viên trường. Phía Đoàn thanh niên xã cũng báo cáo có DN hỗ trợ được 50 lít cồn khô và 250 khẩu trang. Những ngày tới đây, xã cố gắng vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ thêm khoảng 1.000 khẩu trang nữa để phát miễn phí cho học sinh, chủ yếu là khối mầm non.

Bắt đầu từ ngày 31-1, UBND xã đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh khâu phòng chống dịch bệnh, nhất là các khu vực đông dân cư, trong đó có chợ trung tâm xã, nhà chờ xe buýt... Toàn xã có 3 thôn gồm: Bầu, Nhuế và Hậu Dưỡng, dân số gốc 12.000 người nhưng lượng công nhân đang làm việc tại các Cty thuộc KCN Bắc Thăng Long lại lên tới 17.000 người. Công tác tuyên truyền, phát tờ rơi phòng chống dịch bệnh được các cộng tác viên phát tới từng nhà dân. Đối với công nhân thuê trọ, nòng cốt tuyên truyền ngoài các cộng tác viên dân số còn có các chủ nhà trọ nên UBND xã đã tổ chức một cuộc họp riêng với các chủ nhà trọ để nhờ họ cùng xã tuyên truyền tới công nhân.

Đa số công nhân đã nắm bắt được thông tin và cách phòng trừ dịch bệnh, bởi ngay nơi họ làm cũng đã được lãnh đạo Cty cùng bộ phận chuyên môn tuyên truyền và hướng dẫn. Ông Hoàng Đức Khang cho biết, hiện toàn xã chưa có ai nhiễm vi rút nCoV hay bị cách ly. Mặc dù BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nằm ngay tại thôn Bầu nhưng tâm lý người dân trong xã hết sức ổn định, thông tin phòng chống dịch bệnh được họ cập nhật qua các phương tiện truyền thông từng ngày, từng giờ. Mọi người hạn chế ra đường, những khu vực tập trung đông người như chợ, nhà chờ xe... giờ không còn đông như trước.

Đầu giờ chiều nhưng khu phòng trọ do gia đình ông Lê Hồng Minh, thôn Bầu vang tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Ông Minh cho biết, mấy hôm nay TP cho học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh nên ngoài mấy đứa cháu nội, ngoại, vợ chồng ông còn nhận trông thêm con của các gia đình công nhân đang thuê trọ để bố mẹ yên tâm đi làm.

Vợ chồng ông Minh hiện là chủ của 30 phòng trọ. Công nhân thuê trọ đa số đang làm việc trong các Cty thuộc KCN Bắc Thăng Long, thuộc nhiều địa phương như Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ... Ngoài việc giúp UBND xã phát các tờ rơi tuyên truyền về dịch bệnh, vợ chồng ông cũng thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh từ báo, đài rồi nói lại cho người thuê trọ.

Trong căn phòng nhỏ, chị Nguyễn Thị Toán, công nhân Cty Seev lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều, sau đó nghỉ ngơi ít phút để rồi lại tất tả cho ca làm việc mới kéo dài từ 18g hôm trước đến 6g ngày hôm sau. Chồng chị đang làm thợ điện nước. Chị Toán kể, hai cậu con trai sinh đôi, đẻ vào năm 2010 được vợ chồng chị gửi ông bà ngoại ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trông từ nhỏ. Mấy hôm rồi cô giáo của các cháu gọi điện thông báo, ở địa phương không mua được khẩu trang nên chị phải tìm mua ở một hiệu thuốc xã Kim Chung được một hộp gửi về quê.

Vòng quay một ngày của người công nhân này là làm việc, nghỉ ngơi và nấu ăn cho gia đình nên ngoài việc được Cty, chủ nhà trọ tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay... thì nguồn tin về dịch bệnh chị biết thêm chủ yếu qua các mạng xã hội.

Chị Phạm Thị Thơm, Cty Niss cho biết, quy định làm việc tại Cty từ trước tới nay luôn phải đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng trước và sau khi kết thúc công việc. Cuối giờ làm khẩu trang đều bị thu lại và được hủy bỏ. Ra đường cô và đồng nghiệp khác dùng khẩu trang cá nhân tự trang bị. Không chỉ Thơm mà toàn bộ người quen đều nhận thấy sự nguy hại của dịch bệnh.

Hiện KCN Bắc Thăng Long gồm nhiều Cty đóng trên địa bàn 4 xã của huyện Đông Anh gồm: Hải Bối, Kim Chung, Đại Mạch và Võng La. Vòng quay một ngày của người lao động là đến Cty làm ca, sau đó về nhà ngủ vùi lấy sức. Chính vì vậy, mọi thông tin cập nhật về dịch bệnh vẫn còn hạn chế, chủ yếu qua mạng xã hội. Vì vậy, vai trò của chính quyền và chủ nhà trọ trong việc cập nhật những thông tin về dịch bệnh hết sức quan trọng. Điều này vừa giúp công nhân yên tâm công tác, biết cách bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh và không xáo trộn tâm lý từ những nguồn thông tin không chính thống.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-phong-chong-dich-ncov-tai-xa-co-so-dan-chiem-hon-nua-la-cong-nhan-thue-tro-179064.html