Chuyện phố, chuyện phường: Từ chợ vào nhà và ra phố (Bài cuối)

'Từ chợ vào nhà và cuối cùng là ra phố' đó là 'quy trình' của một chiếc túi ni lông, thứ túi hiện được coi là tiện dụng nhất cho các bà nội trợ, cho các bà bán hàng ngoài chợ nhưng chính những chiếc túi ni lông lại đang là 'nỗi đau đầu mang tên thời @'.

Biết ai còn nhớ

Còn nhớ dạo cuối những năm tám mươi đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi những chiếc túi lưới Liên Xô không chỉ khá thịnh hành mà nó đâu như còn là món quà quý. Dạo đó những ai được bạn thân hay người nhà đi công tác, học tập hay lao động xuất khẩu ở Liên Xô về nước có cho hoặc tặng một chiếc túi lưới thì đúng là “mở mặt mở mày”.

Này nhé, với các cô là nhân viên nhà nước sáng sáng đạp xe tới cơ quan lòng đầy “tự hào” bởi bên tay lái xe là chiếc túi lưới Liên Xô treo lủng lẳng. Với chiếc túi lưới Liên Xô ấy cứ tới tầm chiều là các cô đạp xe từ cơ quan về nhà thì việc trước tiên là rẽ qua chợ. Nhiều thì một cân xương hay dăm lạng thịt, vừa thì mấy bìa đậu Mơ thơm phưng phức và nếu còn thêm chút rau, hành.

Ảnh minh họa

Chiếc túi lưới Liên Xô thật công hiệu, đi chợ về chỉ cần lau qua hay giặt treo phơi gió nhoáng cái là khô. Và nếu cần thì chính chiếc túi ấy cũng có thể đựng cân cam Vinh ngoắc vào tay lái xe đạp mà ung dung đạp xe tới bệnh viện thăm ai đó ốm.

Cũng đã có dạo các xí nghiệp nhựa của ta “bắt trước Liên Xô” sản xuất ra những chiếc túi lưới có kiểu dáng và chất lượng không thua kém. Nhưng rồi chẳng hiểu vì sao những chiếc túi lưới tiện cho đi chợ ấy “bỗng nhiên biến mất”.

Đấy là các cô nhân viên Nhà nước tranh thủ đi chợ buổi chiều còn sáng sớm ra là mấy bà í ới gọi nhau xách làn đi chợ. Chiếc làn đi chợ hồi đó cũng “đa dạng” về chất liệu. Người ưa hoài cổ thì xách làn tre đan, người sang một chút thì xách làn mây đan sợi vàng óng muốt. Rồi “thời thượng” là những chiếc làn nhựa. Có làn nhựa mà xách đi chợ thì “tuyệt cú mèo”. Nó vừa nhẹ, vừa màu mè xanh đỏ tím vàng khá bắt mắt nhưng quan trọng nhất là việc đi chợ về mang làn nhựa ra vòi nước công công xả qua xả lại rồi treo ngược vào chiếc đinh đóng sẵn trên tường. Lại cũng chỉ nhoáng cái thôi là chiếc làn nhựa khô như “chưa hề dính hơi dính mùi của chợ” vậy.

Quả là hay, là tiện và thú vị nhất là những chiếc làn cho dù là làn nhựa, làn tre, làn mây hay những chiếc túi lưới Liên Xô không những dùng được “vô số lần” mà nó lại chẳng hề “tham gia vào đội quân rác”. Lâu lâu nếu có thủng có rách thì vá lại. Cách vá túi lưới Liên Xô hay vá làn cũng là sự thể hiện của bản tính “chắt chiu” của người phụ nữ Thủ đô ngày trước.

Và bây giờ thì sao?

Bây giờ á? Việc đi chợ của các bà các cô nội trợ lại khá uyển chuyển. Người bận bịu công việc hay người “gia đình có điều kiện” thì nhắc “ai phôn” lên làm cú alo tức thì gọi thứ gì là có ngay thứ ấy. Từ mớ rau cho tới cân thịt hay những thứ gia giảm gia vị tất cả đều được người bán hàng bọc cẩn thận trong nhưng chiếc túi ni lông. Vài phút sau hoặc vài giờ sau những chiếc túi ni lông đã có cái để trong đó được chuyển tới tận nhà. Gia chủ nhận những chiếc túi mở ra xem chất lượng, đếm số lượng rồi cất luôn vào tủ lạnh. Tới trưa hay chiều thì mở tủ lạnh ra mở túi ni lông đem những thực phẩm mình cần đi chế biến và những chiếc túi ni lông đó nhanh chóng được bỏ vào thùng rác.

Có lần tôi hỏi bà xã là tại sao các bà nội trợ bây giờ không ai xách túi lưới kiểu Liên Xô hay xách làn đi chợ? Bà xã tôi sau hồi cười “vào mũi” tôi thì chậm rãi giảng giải. Ôi đúng là tôi “lạc hậu” thật rồi. Ngày trước á, việc đi chợ dĩ nhiên là không dính dáng gì đến việc đi tập thể dục sáng. Ngày nay, buổi sáng thức dậy là các bà nội trợ bao giờ cũng hăng hái đi tập thể dục. Việc chăm lo tới sức khỏe đương nhiên là tốt rồi nhưng các bà nội trợ cũng chẳng vì “vui duyên mới mà quên nhiệm vụ”. Các bà đi tập thể dục sáng chỉ cần giắt vài ba chục ngàn hay vài ba trăm ngàn vào túi quần, túi áo là xong. Cứ yên tâm mà tập thể dục với chị với em cho sảng khoái. Tập thể dục xong mới là lúc các bà nội trợ “dung dăng” đi chợ.

Đảo qua hàng thịt đưa tay lật phải lật trái rồi nói “cho chị nửa cân”. Rẽ vào hàng rau ngó nghiêng rồi nghĩ ngợi xem hôm nay nhà mình ăn rau gì rồi chỉ tay nói “cho cô mớ cần”. Đại khái là ngó nghiêng, xem xét và đưa ra quyết định. Tất cả những thứ đã được “quyết định” ấy sẽ nhanh chóng gọn gàng cho vào những chiếc túi ni lông màu đỏ màu xanh. Và rồi chỉ cần thò ngón tay ra là những chiếc túi ni lông đó được ngoắc vào. Ít thì hai ba ngón tay còn bữa nào “ăn tươi” hay có việc mời khách thì tất cả các ngón tay đều được những chiếc túi ni lông ngoắc vào. Rồi các bà nội trợ vui vẻ ra về.

Có lần tôi mải hút thuốc lào mà quên mất lời bà xã.Tôi cứ thản nhiên ngửa mặt lên trời mà nhả khói mịt mù thì thấy đau nhói bên mạng sườn.Thôi chết tôi rồi.Cú véo mạng sườn đau tái mặt đó là của bà xã. Tôi quên mất hôm nay nhà mình mời khách nên bà xã đi chợ về tất cả các ngón tay đều có những chiếc túi ni lông ngoắc vào. “Tôi sắp đứt ngón tay đến nơi rồi mà ông còn ngồi đây hút sách à?”. Thú thực sau cái lần bị véo tái mặt ấy tôi quyết định bỏ ra “một món tiền kha khá” để đầu tư cho bà xã một chiếc làn để bà ấy đi chợ cho khỏi “sắp bị đứt ngón tay”.

Nhưng ôi thôi, hành động của tôi là tốt nhưng nó không “phù hợp” với việc đi tập thể dục sáng rồi mới đi chợ. “Mới sáng ra chưa tập tành gì đã làn với chả thúng. Người ta đi tập là chính chứ đâu phải cứ nhăm nhăm đi chợ phục vụ bố con nhà ông”. Và thế là chiếc làn tôi đã “đầu tư” nhanh chóng bị xếp vào xó bếp.Thực cũng chẳng hiểu khi nào nó mới được sử dụng?

Nỗi lo thời @

Túi ni lông là thế đó. Nó đi theo quy trình từ chợ vào nhà và cuối cùng được vứt vào sọt rác để đợi giờ đổ rác thì “cùng chung số phận” với các thứ các loại rác khác. Rác thải thì loại bỏ chẳng có gì đáng nói cả nhưng rác thải là túi ni lông thì “rất đáng nói đấy”. Túi ni lông và những thứ đồ vật dùng một lần như ống hút, hộp đựng thức ăn vân vân và vân vân đều là thứ rác thải vô cùng khó phân hủy, nghe đâu để phân hủy nó phải mất tới ba bốn trăm năm kia, kinh không?

Tôi đã được tới bãi rác Nam Sơn và được mục sở thị thế nào là rác ni lông. Xe vừa đổ rác xuống, gặp cơn gió vừa phải thôi là túi ni lông bay tứ tung, bay tơi tả, bay không kiêng nể gì ai cả. Rồi sau đó là người “nhặt rác lại” với thứ dụng cụ là những chiếc que sắt dài có móc, họ móc họ moi để nhặt lại những chiếc túi ni lông ấy. Bạn biết không? Từ đây lại có “quy trình” mới, đó là quy trình túi ni lông từ bãi rác về nhà máy tái chế lại thành những chiếc túi ni lông mới tỉnh tình tinh và nó lại có quy trình gì thì bạn biết rồi đấy.

Rác ni lông hay rác thải nhựa đang là nỗi lo chung của thế giới. Đối với các nước phát triển họ đã có những giải pháp khả thi hoặc phạt nặng với những cơ sở không tuân thủ quy định không dùng túi ni lông. Còn với những nước kiểu như nước ta thì có cảm tưởng như việc sử dụng túi ni lông “càng ngày càng gia tăng” thì phải. Đài báo nói rất nhiều nhưng xem ra nó vẫn như là “không phải cháu”. Người viết bài này xin mạo muội đề xuất như sau:

Một là khuyến khích sử dụng túi giấy, túi lưới hoặc làn đi chợ để giảm thiểu việc thải túi ni lông. Theo đó hội phụ nữ, hay một tổ chức xã hội nào đó đứng lên phát động phong trào không sử dụng túi ni lông. Có thể tính đến việc chấm điểm thi đua trong công nhân viên chức?

Hai là tính toán tới việc các xí nghiệp sản xuất túi ni lông chuyển đổi sản xuất để hạn chế tối đa sản xuất túi ni lông. Cũng có thể nghĩ gần tới việc “cấm” sản xuất túi ni lông. Đơn giản là có thì tôi dùng còn không có thì tôi không dùng. Thế thôi.

Tết đang tới gần, nỗi lo túi ni lông cùng đang là hiện hữu. Hãy hành động vì một môi trường xanh, sạch đẹp từ việc loại bỏ túi ni lông ngay từ những ngày đầu xuân này.

Nguyễn Trọng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-pho-chuyen-phuong-tu-cho-vao-nha-va-ra-pho-bai-cuoi-86099.html