'Chuyện phiếm' làng văn nghệ

Mới đây, gặp đồng hương, họa sỹ Vi Kiến Thành, trò chuyện loanh quanh cuối cùng chúng tôi quay về một nhân vật độc đáo trong giới hội họa: Nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Vi Kiến Thành tiết lộ: Ông vừa mới giới thiệu một người đến mua tượng của Lê Công Thành. Người này đến tận nhà Lê Công Thành ở khu tập thể Vĩnh Hồ để tham quan “vườn địa đàng”, đồng thời “ngã giá”. Nhà điêu khắc được người trong giới đặt cho cái tên “người giời” bỗng nghiêm mặt nói: “Tượng của Thành đắt lắm đấy. Mỗi cái 20 triệu đồng”. Vi Kiến Thành giật mình, nhắc khéo: “Thôi, anh Thành đừng nói nữa. Để chị Thái làm việc”. Sau một hồi trao đổi với họa sỹ Kim Thái, vợ Lê Công Thành, người mua tượng đã đồng ý lấy 3 bức và trả cho vợ chồng nhà điêu khắc gấp gần 100 lần số tiền Thành đưa ra.

Nhà điêu khắc chuyên nặn tượng đàn bà, Lê Công Thành.

Nhà điêu khắc chuyên nặn tượng đàn bà, Lê Công Thành.

Nhìn quanh mấy ông bạn già tôi hân hạnh được biết trong giới văn nghệ, chẳng thấy ai lơ tơ mơ về tiền bạc như Lê Công Thành. Nhưng không thiếu những ông bạn hồn nhiên với giá cả, với làm ăn. Một dạo nghe nhà văn Trung Trung Đỉnh ráo riết bán nhà để con đi du học. Nếu chưa đến nhà Trung Trung Đỉnh chỉ nghe miêu tả, hẳn ai cũng hình dung ngôi nhà đó đẹp ngang biệt thự. Trung Trung Đỉnh rất yêu chốn đi về của mình và hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn với nó, không có nhu cầu đập đi xây lại chỗ này hay chỗ kia. Nhưng ông yêu con hơn yêu nhà nên quyết định bán nhà để lo cho cậu con trai duy nhất sang Anh du học, theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Song ông không bán nhà với bất cứ giá nào, chưa nói đoạn giá cả cao, thấp, nhà văn luôn miệng khẳng định: “Nhà tao là đẹp rồi, đứa nào mua nhà tao, phải cam kết giữ nguyên hiện trạng, không được đập đi xây lại”. Chẳng biết ông có tuyên bố vậy với khách mua nhà không mà giờ này nhà vẫn chưa bán được. Nhưng nghe nói, có ông bạn nào đó đã cho nhà văn vay trước một khoản, để cậu con trai đi du học, khi nào bán được nhà sẽ trả bạn vàng sau. Trong lúc chờ đợi bán nhà, Trung Trung Đỉnh vẫn tranh thủ tít mít, lúc lên vùng cao, lúc sang Trung Quốc. Ông mới đến Vạn Lí Trường Thành và hô vang trên facebook: “Bất đáo Trường thành phi hảo hán”. Nói về độ mải chơi, trong làng văn nghệ ở ta, không biết có ai vượt qua Trung Trung Đỉnh? Ông cùng bạn già Thái Bá Lợi mỗi năm thế nào cũng “cặp kè” với nhau vài lần.

Gian phòng đầy tượng của nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Lại nhớ có một dạo tôi vào Đà Nẵng chơi, có ghé qua thăm nhà văn Thái Bá Lợi, tận thấy phòng văn đơn sơ của một trong những tác giả nổi tiếng của văn chương Việt đương đại. Rồi ông rủ tôi đi nhậu với những người anh em ở văn phòng miền Trung của NXB Hội Nhà văn. Trong buổi nhậu, các nhà văn già khoe với tôi dự án làm sách cho một công ty yến sào cỡ bự rồi rủ rê tôi tham gia với nhuận bút rất hấp dẫn. Vừa mê nhuận bút lại cũng vừa thích chu du, tôi đồng ý. Hơn tháng sau từ Hà Nội tôi khăn gói theo các nhà văn già đi thực tế miền Trung. Các nhà văn nhiệt tình ghi ghi chép chép và hỏi những câu lạ lùng: Yến có phải loài thủy chung nhất không? Khi được giải thích, các nhà văn khoái trá cười. Sau gần 10 ngày lang thang từ đảo nuôi yến đến tận cơ sở sản xuất yến, ăn cơm với công nhân nhà máy, các nhà văn khà khà khẳng định: Chắc chắn có một cuốn sách hay. Ông nào cũng khoe, đã nghĩ ra một truyện ngắn. Thế mới sợ. Nên khi nghe tin cuốn sách làm cho công ty yến sào ấy đổ bể, tôi chỉ cười. Người ta thương chẳng phạt các nhà văn thì thôi, đáng ra làm cuốn sách để quảng bá cho công ty người ta, ghi lại hành trình từ gian nan trở nên vững mạnh của công ty, thì mấy ông lại tặng người ta tuyền truyện ngắn, chẳng biết dùng làm gì? Vì dự án không thành công nên các nhà văn không có tiền. Nhưng nhà văn Thái Bá Lợi vẫn giữ lời hứa với tôi. Một buổi trưa tôi nghe Thái Bá Lợi từ Đà Nẵng í ới gọi ra: “Cho anh số tài khoản để anh chuyển nhuận bút?”. Lẽ nào, lại nhận nhuận bút từ những đồng lương hưu của các nhà văn? Một chuyến lang thang miền Trung với các nhà văn già, cũng coi như một món nhuận bút hời với tôi rồi.

Nhà văn Trung Trung Ðỉnh: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”.

Lâu nay, tôi vẫn nghe nói: Khi về già người ta bỗng trở lại một số phẩm chất của trẻ con. Ngẫm cũng đúng. Tôi thường xuyên bị các bạn già giận nhưng “giận mà thương”, chẳng mấy chốc lại làm lành. Lâu lâu, Lê Công Thành gọi điện mắng té tát tôi một trận, rồi bỗng nhiên cúp máy, chỉ vì ông đọc bài nào đó của tôi trên báo và… “không ưng cái bụng”. Chẳng thấy tôi phản ứng lại, một thời gian Lê Công Thành gọi điện làm lành: “Dạo này thế nào, lấy được chồng mới chưa?” v.v... Trung Trung Đỉnh thì không hay dỗi như Lê Công Thành nhưng ông để lại ấn tượng đặc biệt cho tôi ở khâu ăn uống. Về khoản này, tác giả “Ngõ lỗ thủng” khá giống cô con gái nhỏ của tôi. Lần đầu tiên đi ăn cùng ông, tôi nhớ ông gọi món salad Nga, được trình bày khá đẹp mắt. Thế rồi, tôi giật mình, khi nhà văn thản nhiên dùng chiếc thìa xúc salad được nhân viên chuẩn bị sẵn, xúc một miếng salad to đưa lên miệng ăn, ăn xong lại hồn nhiên trả thìa trở lại vị trí. Tôi từng ấn tượng với câu chuyện được nghe kể, Lê Lựu rút tất lau mồm. Trung Trung Đỉnh chưa đến mức ấy, ông chỉ kéo khăn trải bàn để lau miệng. Rồi tôi cũng hiểu ra, Trung Trung Đỉnh lúc nào cũng tự do như vậy. Ông có thể ngồi bệt dưới nền đất của phòng chờ sân bay để lục túi tìm số điện thoại của ai đó trong cuốn sổ, mặc ánh mắt của người lại qua. Ông có thể ăn cháo hoa với trứng cùng một viên bơ lại rưới thêm tí nước mắm và khen ngon rối rít tít mù. Thế mà ông rất đông bạn bè, cả tây lẫn ta. Chẳng biết tí ngoại ngữ nào, vẫn “alo” trò chuyện với bạn văn nước ngoài, cười vui vẻ. Hóa ra, ông bật loa to để cậu con trai giỏi ngoại ngữ đứng gần dịch hộ. Ở thời buổi văn chương rớt giá, người ta chẳng tìm đến nhà văn để lây “sang” làm gì. Ở Trung Trung Đỉnh có gì đó rất thân mật, khiến người ta không phải đề phòng. Thí dụ, tôi đặc biệt không thích chia sẻ sâu về đời sống riêng, thế mà lại tông tốc trình bày hết với Trung Trung Đỉnh. Cả hai chúng tôi đều hợp nhau ở khoản yêu con hơi quá trớn. Tôi kể về con bé của tôi với niềm vui, nỗi buồn, sự lo âu và nhận lại sự an ủi từ ông. Còn ông, có khi 9, 10 giờ đêm vẫn gọi điện bắt tôi lắng nghe tiếng đàn của con mình. Ngày Trung Trung Đỉnh lên bàn thay thận, tôi hồi hộp lắm. Lo sắp mất một người anh, một người bạn thân quí. Thế mà chỉ sau ca phẫu thuật vài tiếng đã nhận được tin nhắn: “Vẫn sống nhé!”. Cũng vì sự thay thận nên ông vẫn phải ra vào viện kiểm tra, thậm chí nằm lại cả tuần. Một lần đến thăm ông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Trung Trung Đỉnh hớn hở ra đón, kể hết chuyện đông sang tây, rồi cười khinh khích: “Hôm qua bác Ngô Thảo vừa vào đây, dẫn anh đi mát-xa, ăn uống”. Hóa ra là thỉnh thoảng ông cũng trốn viện ra ngoài chơi cho vui, rồi lại vào.

Lâu nay, tôi vẫn nghe nói: Khi về già người ta bỗng trở lại một số phẩm chất của trẻ con. Ngẫm cũng đúng. Tôi thường xuyên bị các bạn già giận nhưng “giận mà thương”, chẳng mấy chốc lại làm lành.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/chuyen-phiem-lang-van-nghe-1267101.tpo