Chuyện ông Vui làm kinh tế

Làm giàu từ nông nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là đối với những người tha hương vào mưu sinh trên miền đất mới. Là một trong những người làm nông nghiệp giỏi ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, có rất nhiều người biết về câu chuyện ly hương của người đàn ông mang tên Nguyễn Văn Vui 27 năm về trước.

Ông Vui hiện là nông dân sản xuất cà chua có tiếng ở vùng Hiệp An

Ông Vui hiện là nông dân sản xuất cà chua có tiếng ở vùng Hiệp An

Cuộc ly hương tìm “miền đất hứa”

Người nông dân 50 tuổi kể lại, năm 1992, sau khi kết hôn, biết rằng những thửa ruộng ít ỏi ở một làng quê bao đời nghèo khó thuộc huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) không thể trang trải cho cuộc sống một gia đình nên vợ chồng ông đã quyết định ly hương để mưu sinh. Từ sự giới thiệu của bạn bè, người thân, cặp vợ chồng trẻ đặt chân lên vùng đất xã Hiệp An năm 1993. “Ngày đó, chúng tôi được một người bạn thân cho mượn căn chòi vách gỗ, lợp tranh sống tạm. Để có tiền mua gạo sống qua ngày, hai vợ chồng đến những vườn cây của người dân xin làm thuê. Cuộc sống cứ thế trôi qua và có lần vợ chồng rơi nước mắt trước sự cô quạnh, đói khổ”, ông Vui nghẹn ngào khi nhớ về những tháng ngày đầu tiên trên miền đất mới ấy.

Vẫn như cách bao năm qua tiếp sức, đồng hành cùng chồng, khi ông Vui không ngăn nổi dòng xúc cảm, bà Lê Thị Oanh - vợ ông tiếp lời, “những hôm trời đổ mưa lớn, nước thấm qua lớp tranh, nhỏ liên hồi xuống nền đất, căn chòi trở nên ướt át, nổi sình lầy nên vợ chồng lại phải đến các công trình bỏ hoang nhặt gạch về lát tạm để có chỗ đặt chân. Hồi ấy, tôi nghĩ, mình cần có mảnh đất để trồng cây thì mới mong khá lên được. Thế rồi tôi xin vào làm công nhân cho một công ty khai thác đá để kiếm khoản lương ổn định, lấy đó làm vốn”. Sau 2 năm dành dụm hai vợ chồng thuê được 4.000 m2 đất nông nghiệp và bắt đầu sản xuất. Khi đó niềm vui của ông Vui mới thực sự bắt đầu.

Khoác bộ đồ lao động, lồng chân vào đôi ủng nhựa và hướng bước về vườn rau bát ngát của gia đình, ông với tay hái quả chín đỏ, làm sạch vỏ rồi cho vào miệng và bảo rằng: “Đây chính là loại quả đã nuôi sống gia đình trong quá khứ và cả hiện tại”.

Có đất, ông Vui học theo người dân Đà Lạt trồng cây cà chua. Thời bấy giờ, cây trồng này còn chưa phổ biến ở Đức Trọng khi các nông hộ chỉ chú trọng phát triển đậu tương, bắp, cà phê… Ông vui kể: “Năm đầu tiên, dù năng suất không cao nhưng nhờ có nguồn tiêu thụ tốt, được giá nên gia đình thu về một khoản kha khá. Sau khi trừ các chi phí thì lãi ròng khoảng 20 triệu đồng. Ở những năm 90, món lợi nhuận 20 triệu đối với tôi là cực kỳ lớn và gia đình quyết lấy đó làm vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất”. Sau 3 năm thuê đất trồng cà chua, gia đình ông Vui tích góp được gần 4 cây vàng và dùng khoản tiền này mua 3.000 m2 đất nông nghiệp. Từ đây, người nông dân khổ sở ngày nào đã trở thành người có tài sản, tự tin bắt tay vào gầy dựng cuộc sống bền vững ở xứ người. Ông tiếp tục với nghề trồng cà chua và tiếp tục thu lợi nhuận cao. Có một điều mà ông Vui nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện với chúng tôi rằng phải luôn học hỏi. Và chính nhờ việc không ngừng học của người nông dân ấy nên những chuyển động trên mảnh đất của ông cho đến nay vẫn luôn thức thời và hiệu quả.

Thức thời trong làm nông

Ông Vui nói: “Đến khoảng năm 1999, diện tích cà chua tăng nhanh do dân trồng ồ ạt điều đó làm giá mặt hàng này giảm nhanh. Chọn loại cây trồng mới là điều bắt buộc phải làm”. Thế rồi, ông chuyển qua trồng cúc giống mới nhập khẩu từ Đài Loan. Khu vườn 3.000 m2 lúc đó được ông phân thành nhiều luống để vừa trồng hoa, vừa trồng cà chua. “Ban ngày chăm sóc, ban đêm chong đèn để hoa cúc phát triển nên ai ai cũng bảo lạ. Cũng chính việc mình luôn đi trước một bước trong trồng trọt nên sản phẩm bán được giá hơn”, người nông dân 50 tuổi bộc bạch. Sau mùa hoa năm 2001 vợ chồng ông mua thêm mảnh vườn 2.500 m2 để tiếp tục sản xuất.

Từ những đồng tiền nhỏ và nhờ sự tích góp, cố gắng làm ăn nên kinh tế gia đình dần chuyển đổi. Đến nay, gia đình ông Vui đã có 1,2 ha đất làm rau, hoa và căn nhà khang trang ven Quốc lộ 20. Cuộc sống bần hàn ngày nào giờ đây đã được thay đổi khi nông sản cho gia đình những hợp đồng kinh tế ổn định, nguồn thu lên đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Ở diện tích 1,2 ha, gia đình ông Vui đang trồng cà chua, hoa cúc, súp lơ, cải cầu vồng… Trong số đó, ông dành khoảng 1.000 m2 lắp đặt nhà kính, trang bị hệ thống tưới hiện đại để trồng cải bó xôi cao cấp. Dòng sản phẩm này được thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP và cung cấp chủ yếu cho một công ty chuyên đóng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ông chia sẻ, mỗi năm, rau từ các vườn đạt khoảng 70 tấn hàng chất lượng cao để bán cho công ty này.

Ngoài việc thực hiện các mô hình rau ăn lá, ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Vui tham gia vào Hợp tác xã liên kết An Phú để phát triển sản xuất. Hiện nay, các sản phẩm từ vườn của gia đình được kiểm soát chặt về chất lượng, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm tra quy trình sản xuất thông qua việc quét mã code QR trên điện thoại. Mỗi năm, hàng chục tấn nông sản được Hợp tác xã An Phú thu mua để sơ chế, đóng gói và cung ứng cho các chuỗi cửa hàng rau chất lượng cao, các chuỗi siêu thị trong nước.

Vườn cây cho thu về khoản tiền lớn, lãi cao, ông Vui quyết định ngừng mở rộng diện tích và chú trọng vào nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Ông chia sẻ: “Hiện nay, rau, trái trong vườn có thể hái ăn ngay được vì rất sạch. Dù vậy, cái đích tôi hướng đến vẫn là chuyển qua làm nông nghiệp hữu cơ. Mô hình này trước tiên đem lại cho người làm sức khỏe, không bị ảnh hưởng bởi các thứ thuốc bảo vệ thực vật và thứ đến là thị trường đang rất quan tâm”.

Ông cũng tâm niệm, làm nông nghiệp không đơn thuần là cần cù, chịu khó mà cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới trong sản xuất và cả việc phân tích về thị trường. “Từ quá khứ đến hiện tại, mỗi mô hình cây trồng đã đưa tôi lên một vị thế mới và đó là điều tôi vô cùng trân trọng”, nông dân 50 tuổi kết thúc câu chuyện trong niềm vui, hạnh phúc.

Ngọc Ngà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chuyen-ong-vui-lam-kinh-te-80552