Chuyện ông lão 90 tuổi 20 năm 'gánh' đơn đi tìm công lý

Cụ ông 90 tuổi gần 20 năm đi tìm công lý, nhưng đến nay các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai vẫn như chưa hề hay biết tiếng kêu của ông.

Chấn động cả tỉnh Đồng Nai

Câu chuyện "gánh đơn" đi tìm công lý tưởng chừng chỉ là thêu dệt trong đời sống thường nhật, ấy vậy đó lại là sự thật đối với cụ Lý Văn Hơn – 90 tuổi, ngụ tại 3/10 đường Hoàng Minh Chánh, ấp Đồng Nai, xã Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Gần 20 năm trôi qua, cụ Hơn “gánh đơn” đến các cơ quan công quyền xin chính quyền vào cuộc xác minh, làm rõ việc 208 ha đất trồng cao su của gia đình cụ bị một số đối tượng, cá nhân, tổ chức xâm chiếm sử dụng vào mục đích riêng.

Đáng nói, trong khi vụ việc chưa được làm sáng tỏ thì tỉnh Đồng Nai có quyết định “khó hiểu” cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 34 ha đất tranh chấp cho Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai quản lý, không đúng quy trình của pháp luật.

Đơn kiến nghị của cụ Lý Văn Hơn gửi các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai

Đơn kiến nghị của cụ Lý Văn Hơn gửi các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai

Trước sự uất ức của một cụ ông gần đất xa trời, chúng tôi đã vào TP HCM rồi bắt xe chạy lên Đồng Nai để tìm hiểu sâu thêm sự việc. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và ông Hơn thật khó khăn, khi tìm về địa chỉ nêu trên, chúng tôi lập tức nhận được phản hồi từ con cháu cụ Hơn thông báo, “cụ mắc bệnh thời chiến, tuổi già... nằm viện trên TP HCM”.

Qua bệnh viện Quốc tế Mỹ tại quận 2, TP HCM, vào khoa huyết học, chúng tôi được anh Thanh (con trai cụ Hơn) chờ đợi đón tiếp với khuôn mặt phờ phạc, mắt thâm quầng do thiếu ngủ vì chăm cụ trong bệnh viện nhiều ngày.

Do cụ Hơn sức khỏe yếu, mắc bệnh tuổi già và bệnh thời chiến, bệnh máu huyết..., vì vậy, phải đợi chờ gần 1 tiếng để cụ tỉnh táo, định thần tiếp chuyện với phóng viên.

Ông lão 20 năm lầm lũi "gánh đơn" đi tìm công lý giờ đây phải nằm giường bệnh vì căn bệnh tuổi già.

Trong câu chuyện cụ kể về hành trình gửi đơn đến cơ quan chức năng tìm lại công lý cho gia đình, chúng tôi cảm nhận được giọng nói và hơi thở yếu ớt, phập phùng nhưng đầy cố gắng.

Cụ Hơn cho biết: “Cuối năm 1971, tôi mua tổng 208,344 ha đất trồng ca su tại xã Tam An, huyện Long Thành theo bản đồ 101 và khu đất tại bàn đổ số 108, 109, 110 xã Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai) của gia đình ông Đặng Văn Bá, ông Trần Văn Ngự Tự Du và bà Đặng Thị Hiệp khi đó là đồn điền cao su đang được canh tác, có trích lục địa bộ số 739-740-310 cấp ngày 26/12/1974 và số 314 ngày 10/01/1975 của Ty Điền Biên Hòa".

Sau khi giao dịch mua bán hoàn thành, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất thực hiện và đứng tên Lý Văn Hơn có trích lục địa bộ của Ty Điền Biên Hòa. Từ đây, nghĩa vụ thuế được cụ Hơn đóng cho Nhà nước đầy đủ đến hết năm 1976.

Thời gian tiếp theo, do thay đổi chính sách quản lý của nhà nước, vì vậy, 208 ha đất trồng cao su của gia đình được cụ Hơn giao nộp cho HTX do bộ nông trường Long Thành tiếp quản, trong đó 22,04 ha được nhà nước chuyển giao cho Công ty cao su Đồng Nai (thuộc Tổng Công ty cao Su Việt Nam) sử dụng.

Phần đất mà cụ Hơn cho rằng thuộc quyền sở hữu của gia đình.

Tuy nhiên, đến năm 1992, việc nhận đền bù cho cụ Hơn chưa thực hiện thì tháng 02/1995, Tổng Công ty cao su Việt Nam có công văn số 95/ CSĐN gửi UBND tỉnh Đồng Nai, sở Địa chính tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Long Thành với nội dung “trao trả lại 22,04 ha đất cho chủ cũ” vì diện tích không nằm trong quy hoạch, yêu cầu ông Lý Văn Hơn liên hệ với cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục nhận lại quyền sử dụng đất cho gia đình.

Trước đó, cụ Hơn lo sợ quy trình thu hồi đất của Nhà nước có sai sót, năm 1992, cụ Hơn có viết đơn trình UBND huyện Long Thành, Phòng quản lý ruộng đất, UBND xã An Lợi, UBND xã Tam An xác nhận 22,04 ha đất tại hai địa phương trên đều do cụ làm chủ sở hữu.

Trong đơn xác nhận, UBND xã Tam An ghi chú rõ: “Qua đơn xin xác nhận đất của ông Lý Văn Hơn có kèm theo trích lục địa bộ (bản photo) số 739, 740- 340 do ông Phan Công Nghĩa ký ngày 26/12/1974 và bản đồ đồn điền cao su số 314 do đồng chí Lê Chí Thành ký có phần đất thuộc địa bàn xã Tam An. Thế nhưng, do không thuộc phần giải quyết của UBND xã Tam An nên xin chuyển lên cơ quan chức năng giải quyết”.

Một điều lạ, năm 2010 Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai cấp quyền sử dụng đất lần một diện tích 34 ha đất đang tranh chấp mà gia đình cụ Hơn viết đơn xin lại, đến ngày 08/09/2011 diện tích đất trên được đăng ký thay đổi lần 2. Thế nhưng, đến năm 2012, tỉnh Đồng Nai mới cho Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai thuê và việc thu hồi đất không có quyết định, chủ trương của tỉnh, việc đền bù cũng không được thông báo lần nào” – cụ Hơn cho biết thêm.

Công văn khẩn số 472- TTCP/CNNN ngày 12 tháng 10 năm 2004 của cục Phòng chống tham nhũng và giải quyết tố cáo thuộc Thanh tra Chính phủ gửi Lãnh đạo Tổng TTCP và tỉnh Đồng Nai

Đến nay, sau gần 20 năm cụ Hơn “gánh đơn” đến tất cả cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nhưng đều bị từ chối giải quyết.

Gần một tiếng trao đổi giữa phóng viên với cụ Hơn khiến sức khỏe cụ kiệt quệ, cuộc trao đổi bị gián đoạn bất ngờ.

Thương ông ốm đau, anh Thanh (con trai cụ Hơn) tiếp tục chia sẻ câu chuyện cho chúng tôi biết: “Hiện nay, ngoài việc tỉnh Đồng Nai cấp quyền sử dụng 34 ha cho Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai sử dụng từ năm 2012 khi tranh chấp đất đang diễn ra thì còn hơn 176 ha đất cao su còn lại/tổng 208 ha đất ông tôi đứng tên, quản lý cũng bị Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai chiếm dụng không lý do”.

Nhiều năm nay, Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai xây cổng, dựng trạm kiểm soát, tường rào ngăn cản gia đình anh Thanh và cụ Hơn tiếp cận trên 176 ha đất trồng cao su còn lại khiến gia đình vô cùng bức xúc, kiến nghị nhưng không được chính quyền xử lý” – anh Thanh chia sẻ thêm.

Hàng loạt câu hỏi VÌ SAO?

Gần 20 năm cụ Hơn “gánh “đơn đến cơ quan chức năng xin chứng minh khu đất 208 ha là của mình quản lý sao không cơ quan chức năng nào vào cuộc?

34ha/ tổng 208 ha đất đang trong quá trình tranh chấp vì sao UBND tỉnh Đồng Nai vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai? Việc thẩm định của cơ quan chức năng có đúng quy trình hay không? Tổng Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai chiếm hơn 176 ha đất của gia đình ông Hơn một cách vô lý chấn động cả tỉnh Đồng Nai gần 20 năm sao lại được dẹp yên? Trong đó có uẩn khúc gì không? - Hàng loạt câu hỏi vì sao mà cụ Hơn và các con cháu đặt ra trong vụ việc đầy uẩn khúc này.

Ông Lý Văn Hơn cho rằng, Tổng công ty Công nghệ thực phẩm Đồng Nai đang chiếm dụng đất của gia đình.

Sự việc cụ Lý Văn Hơn “gánh đơn” đi đòi đất chấn động tỉnh Đồng Nai gần 20 năm, từ trẻ nhỏ đến người già ai ai cũng biết, thế nhưng câu chuyện trên khi trao đổi với bà Lê Thị Thanh Nguyệt, chủ tịch UBND xã Tam An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lại cho biết: “Do tôi mới tiếp quản địa phương nên vụ việc gia đình cụ Hơn gần 20 năm “gánh đơn” xin lại đất mà phóng viên đề cập chúng tôi sẽ rà soát lại. Hiện tại, tôi đang có khách nên việc trao đổi thông tin cùng phóng viên không được thuận tiện, mong anh thông cảm”.

Pháp luật Plus sẻ tiếp tục thông tin!

Ngọc Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/chuyen-ong-lao-90-tuoi-20-nam-ganh-don-di-tim-cong-ly-d104409.html