Chuyện ông Đoàn Ngọc Hải: Nghĩ về văn hóa từ chức

Nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam chưa hình thành văn hóa từ chức và cần thiết phải luật hóa việc từ chức.

Quan tâm đến việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) từ chức Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn TNHH Một thành viên chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định điều động, nhiều ý kiến đã đề cập đến "văn hóa từ chức".

Trao đổi với Đất Việt, cả PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) và ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều cho rằng, không ai rõ động cơ từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải là gì nhưng có một điều có thể khẳng định đó là, ông Hải không vi phạm quy định của tổ chức.

Theo đó, khi có quyết định điều động, ông Hải đã nhận quyết định, rồi sau đó khi thấy bản thân không có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, khó có thể đảm nhận được vị trí này hoặc vì một lý do nào khác chưa nói rõ, ông đã làm đơn từ chức.

"Nhiều người mơ được ngồi vào chiếc ghế mà ông Hải từ chối, song ông ấy đã cho thấy mình chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật, nguyên tắc tổ chức của Đảng, đồng thời thể hiện bản lĩnh, nhân cách của mình khi đặt lợi ích tối cao là hiệu quả công tác lên hàng đầu", ông Nguyễn Túc nhận xét.

Dù vậy, việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải lại khiến dư luận xôn xao, theo ông Nguyễn Túc, là bởi hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền mà rất hiếm cán bộ từ chức. Vì thế, khi thấy một người có chức lại tự động bỏ chức, xã hội rất ngạc nhiên, trong khi lẽ ra phải coi việc nhậm chức, từ chức là hành động hết sức bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, những trường hợp như ông Đoàn Ngọc Hải nên khuyến khích vì đó là những người không ham chức vụ.

"Ở ta, tình trạng ham chức, ham quyền để rồi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm kiếm lợi cho bản thân đã trở nên phổ biến. Ở ông Hải, người ta không thấy có ý đồ đó, theo lá đơn ông Hải trình bày thì ông thấy mình không đủ chuyên môn đảm nhận chức vụ đó nên rút lui, còn dĩ nhiên lý do thực sự đằng sau thì không ai biết được.

Nếu một cán bộ tổ chức có tâm, hiểu người, hiểu việc thì phải đi điều tra, làm rõ tâm tình của ông Hải, xem lý do vì sao, từ đó giải quyết đến nơi đến chốn. Có như vậy mới bố trí được đúng người, đúng việc", ông Nam bày tỏ.

Ông Đoàn Ngọc Hải làm đơn từ chức chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định điều động

Ông Đoàn Ngọc Hải làm đơn từ chức chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định điều động

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, từ đầu những năm 1980, Trung ương đã nhận định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong xã hội xuất phát từ công tác cán bộ và điều đó cho đến nay vẫn đúng khi một bộ phận không nhỏ cán bộ kiếm chức, kiếm quyền để kiếm lời chứ không phải để chịu trách nhiệm.

Vì thế, ông nhấn mạnh, phải có văn hóa từ chức, đồng thời cũng phải để cho mỗi người, trong đó có cán bộ, đảng viên quyền tự do lựa chọn. Có như vậy mới phát huy được năng lực, sở trường của mỗi người.

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc một lần nữa khẳng định, chuyện nhậm chức, từ chức là bình thường, không ai có thể ôm chức suốt đời. Dân giao, dân tín nhiệm mà cán bộ, đảng viên thấy đủ sức làm thì nhận, còn không thì rút lui, không nên coi đó là chuyện nặng nề.

"Từ chức khi xét thấy mình không đủ khả năng, chuyên môn làm tốt công việc được giao, đó là tự trọng. Nhưng như đã nói, trong cán bộ, đảng viên hiện nay có một bộ phận không nhỏ chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy luân chuyển mà khi chạy thì họ phải kèm theo chi phí, nếu từ chức thì họ... lỗ to. Thế nên, rất khó trông chờ vào sự thúc bách lương tri, sự tự nguyện của mỗi người.

Đó cũng là lý do cần thiết phải hình thành văn hóa từ chức và luật hóa việc từ chức", ông Nguyễn Túc nói.

Đối với văn hóa từ chức, vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ ra hai khía cạnh:

Thứ nhất, mỗi người phải tự xét mình xem phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực của mình có đảm nhiệm được chức vụ đó hay không? Khi không đảm nhiệm được chức vụ đó thì xin từ chức.

Thứ hai, cán bộ đang đảm nhiệm chức vụ nào đó mà thấy việc làm của mình không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cấp trên giao phó hoặc không được sự tín nhiệm của dân thì từ chức.

"Dứt khoát phải luật hóa việc từ chức để cuối cùng nó trở thành một việc bình thường chứ không phải điểm lạ như hiện nay.

Mà suy nghĩ theo một cách thông thường nhất, nếu cán bộ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, cố đấm ăn xôi, dân kêu ca, phàn nàn mà vẫn cố bám lấy chức quyền thì không ai coi ra gì, trước mặt có thể người ta không nói nhưng sau lưng lại chê bai, coi thường. Không việc gì phải khổ như thế, là người trọng liêm sỉ thì sẽ từ chức cáo quan", ông Nguyễn Túc lưu ý.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chuyen-ong-doan-ngoc-hai-nghi-ve-van-hoa-tu-chuc-3381527/