Chuyện nuôi thú cưng ở đô thị

Việc nuôi thú cưng (chủ yếu là chó, mèo) là thói quen, sở thích của khá nhiều người. Tuy nhiên, tại các đô thị, việc một số hộ dân nuôi thú cưng nhưng lại thả rông ngoài đường (không rọ mõm), phóng uế bừa bãi khiến không ít người cảm thấy khó chịu.

Thú cưng được thả rông trên đường Bùi Hữu Nghĩa (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đông Hồ

Thú cưng được thả rông trên đường Bùi Hữu Nghĩa (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đông Hồ

Nhiều người cho rằng, việc nuôi thú cưng là quyền của mỗi người nhưng cần phải có biện pháp chăm sóc, trông giữ phù hợp, không để tình trạng thú cưng, vật nuôi gây nguy hiểm cho người khác và làm mất vệ sinh nơi công cộng.

* Chuyện nhỏ mà... phiền

Ông N.V.S. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Hàng xóm của tôi nuôi chó nhưng thường thả cho phóng uế bừa bãi ra đường đi phía trước nhà tôi. Dù tôi đã rất nhiều lần trao đổi, đề nghị hàng xóm khắc phục tình trạng trên nhưng người này không nghe. Thậm chí người này còn tỏ ra khó chịu vì cho rằng thú cưng của gia đình họ gây mất vệ sinh ở đường đi chung không phải của nhà tôi, sao tôi phải ý kiến”.

Cũng theo ông S., sự việc nêu trên cứ tái diễn nhiều lần khiến gia đình ông cảm thấy rất phiền toái. Ông đã báo lên tổ dân phố, trưởng khu phố nhưng không ai can thiệp vấn đề này. Chính vì vậy, xích mích giữa gia đình ông và gia đình hàng xóm ngày càng nghiêm trọng.

Tương tự, ông V.H.T. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) phản ảnh, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa như: Nguyễn Thành Đồng (P.Quyết Thắng), Nguyễn Thành Phương, Đặng Đại Độ (P.Hiệp Hòa)... cũng thường xuyên có chó thả rông, phóng uế bừa bãi trong khu dân cư gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Hay như trên đường Hà Huy Giáp (gần cầu Rạch Cát), đoạn chỉ có xe máy lưu thông một chiều, nhiều nhà đã để chó chạy rông, nằm ngay giữa đường, rất nguy hiểm cho người đi đường.

Thực tế, ở một số tỉnh, thành trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do các vật nuôi chạy ra đường. Gần nhất, trên mạng xã hội có đăng clip từ camera hành trình của một ô tô ghi lại một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại tỉnh Nam Định vào chiều 29-2 làm 2 người bị thương nặng do 1 con chó bất ngờ băng sang đường khiến người đi xe máy tông phải.

* Đã có chế tài nhưng xử phạt còn hạn chế

Hiện nay đã có nhiều quy định về xử phạt hành chính với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, để thú cưng phóng uế ra đường.

Cụ thể, tại Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y) nêu rõ, người nuôi bị phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Bên cạnh đó, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) cũng quy định, người nuôi cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất ít trường hợp bị xử phạt khi vi phạm các quy định này. Phần lớn những vụ việc chỉ đưa ra khu phố hòa giải hoặc trưởng khu phố đến nhắc nhở, vận động chủ nuôi thú cưng rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, những phiền toái do thú cưng gây ra trong khu dân cư ở đô thị vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Khắc Luân (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Để việc nuôi thú cưng, vật nuôi không gây phiền toái đến người khác, người nuôi cần phải có trách nhiệm với hành vi của thú cưng, vật nuôi. Do đó, người nuôi cần tự tìm hiểu về quy định pháp luật, tự đánh giá không gian sinh hoạt của gia đình để chọn loại thú cưng hay biện pháp nuôi phù hợp. Khi nuôi thú cưng cần chú ý tiêm ngừa, huấn luyện thú cưng có thói quen vệ sinh trong nhà, không để ảnh hưởng đến người khác”.

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, bên cạnh ý thức của người dân trong việc nuôi thú cưng thì việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ nuôi thú cưng sẽ góp phần giải quyết những phiền toái do thú cưng gây ra. Chế tài xử phạt đã có và thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp xã. Nếu việc này được thực hiện nghiêm, chắc chắn ý thức trong chăm sóc và trông giữ thú cưng của chủ nuôi sẽ được nâng cao.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người nuôi

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc nuôi thú cưng là quyền của mỗi cá nhân, miễn con vật đó không nằm trong danh sách cấm. Nhưng không thể vì quyền lợi, sở thích của người này mà ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt của người khác, do đó, tự mỗi người phải có ý thức trong việc nuôi chó, mèo. Việc này vừa không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh vừa góp phần giữ mỹ quan đô thị.

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202008/chuyen-nuoi-thu-cung-o-do-thi-3016340/