Chuyện nuôi súc vật để… cứu người

Gần tuyến đường huyết mạch giao thông xuyên Việt qua địa phận xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa có một cơ sở nuôi dưỡng súc vật để… cứu người, tọa lạc trong vườn cây dầu cổ thụ vươn cao mướt mát. Nơi ấy là Trại Chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang - Bộ Y tế.

1.Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu cho biết: "Cơ sở này do nhà bác học Alexandre John Emeli Yersin sáng lập năm 1896. Ông học ngành y ở Viện Hàn lâm Lausanne từ năm 1883 và làm việc tại Phòng thí nghiệm vi trùng của Louis Pasteur ở Paris.

Với luận án "Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm", Yersin nhận bằng Tiến sĩ y khoa năm 25 tuổi và vào Viện Pasteur Paris phối hợp bác sĩ Émili Roux khám phá độc tố bạch hầu do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae.

Đàn ngựa được nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt như những đứa "con cưng" để hiến máu… cứu người.

Khát vọng thám hiểm thôi thúc Yersin sang Đông Dương và gắn bó suốt đời ở Nha Trang từ tháng 7-1891. Năm 1894, khi dịch hạch khởi phát khiến cho hàng loạt người tử vong, Yersin sang Hồng Kông nghiên cứu dịch bệnh và là nhà khoa học đầu tiên tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch.

Để có nơi nuôi ngựa sản xuất huyết thanh chữa bệnh dịch hạch, năm 1896, Yersin xây dựng cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm Suối Dầu. Ông không chỉ nghiên cứu dịch tễ gia súc, sản xuất nhiều loại vắc xin, huyết thanh phòng bệnh tụ huyết trùng và dịch tả cho bò, lợn, gà, đồng thời lập phòng thí nghiệm bệnh súc vật và đào tạo chuyên môn bệnh lý, vệ sinh dịch tễ gia súc ở Đông Dương mà còn tìm ra cao nguyên Lang Bian - Đà Lạt, sáng lập Trường Y Đông Dương - tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Pasteur Nha Trang…"

Đưa tôi tham quan nơi cư trú nhiều loại động vật được xây dựng cách biệt, Thạc sĩ Minh chia sẻ: "Sau khi đất nước thống nhất, Trại Chăn nuôi Suối Dầu tái hoạt động và trực thuộc Viện Pasteur Nha Trang. Gần ba năm sau Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang tiếp nhận với nhiều phân khu chăn nuôi ngựa, chuột, thỏ, gà để phục vụ nghiên cứu khoa học về Vắc xin và sinh phẩm y tế trên diện tích 125 hécta"

Với "quân số thường trực" hơn 400 con, từ nhiều năm qua, đàn ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu luôn có số lượng lớn nhất Đông Nam Á. Trông dáng dấp bề ngoài giống như ngựa thồ hàng vùng cao, ngựa kéo xe ở miền quê và ngựa cảnh ở Đà Lạt. Khác một điều là đàn ngựa ở đây được nuôi dưỡng như "con cưng" để thực hiện sứ mệnh… hiến máu cứu người.

Đàn chuột được chăn nuôi để thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine do IVAC sản xuất.

Bằng cách nói ví von dí dỏm, Thạc sĩ Minh chia sẻ: "Nếu như giới chuyên gia nông học và y tế dự phòng thường đề cập đến "rau sạch" trong an toàn vệ sinh thực phẩm, thì cơ sở này luôn đảm bảo tiêu chuẩn kiểm định "động vật sạch" từ khâu tuyển chọn con giống đến nuôi dưỡng và khai thác.

Mỗi con ngựa nhập trại từ 4-7 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên và phải được kiểm tra nghiêm ngặt về sức khỏe với các yêu cầu không dị tật, không mắc bệnh ngoài da, không có ký sinh trùng đường ruột và phải đạt những chỉ số tối thiếu về hồng cầu, bạch cầu…

Ngựa đủ tiêu chuẩn phải cách ly đàn ngựa trong trại nửa năm, được bác sĩ thú y lập hồ sơ nuôi dưỡng từng giai đoạn để đảm bảo sức khỏe. Khi hòa nhập với các "cựu binh", mỗi con ngựa được "đóng" mã số trên thân theo hồ sơ đã xác lập.

Ngoài thời gian vận động trên đồng cỏ, mỗi ngày một con ngựa có khẩu phần ăn 20-25kg cỏ para, 2,5-3kg tinh bột chế biến từ gạo, ngô, đậu, muối, đường. Để có nguồn thức ăn cho ngựa, Trại Chăn nuôi Suối Dầu chuyên canh 30 hécta cỏ para, 40 hécta mía và luân canh hàng chục hécta ngô, đậu. Không chỉ được ăn ngon, ngủ yên trong những dãy chuồng thoáng sạch, mỗi ngày ngựa được tắm mát, cắt tỉa bờm và dọn móng".

Chỉ tay vào vết cạo lông ở cổ và lưng của ngựa, Thạc sĩ Minh cho biết: "Đó là dấu tích những lần tiêm kháng nguyên cho ngựa và lấy máu để sản xuất huyết thanh thô. Sau khi bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe, ngựa được "dẫn giải" vào chuồng inox khép kín để kỹ thuật viên lấy máu từ tĩnh mạch cổ.

Kháng nguyên tiêm cho ngựa tạo ra kháng thể chống lại độc tố một loại bệnh được chỉ định trước để điều chế huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT), kháng dại (SAR) và kháng nọc rắn (SAV). Cũng thao tác đó, kỹ thuật viên lấy máu từ ngựa với định mức mỗi lần 1,5 % so với trọng lượng cơ thể rồi chuyển vào phòng bảo quản 18-20°C để lắng đọng 2-4 giờ, 65% huyết tương nổi trên bề mặt được tách ra, đóng chai, đưa lên xe chuyên dụng chuyển về IVAC ở Nha Trang để các nhà khoa học điều chế huyết thanh đã chỉ định khi tiêm kháng nguyên, 35% còn lại là hồng cầu được pha thêm 65% dung dịch PBS để "trả lại" qua tĩnh mạch cho chính con ngựa đã hiến máu.

Đời thường của ngựa 50-60 tuổi, còn ngựa ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu được nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, nhưng chỉ sinh tồn 10-15 năm rồi "thanh lý" để… nấu cao, do không còn đủ tiêu chuẩn sản xuất huyết thanh đạt chất lượng.

"Cao xương ngựa IVAC" tinh luyện từ xương nguyên chất kết hợp những vị thuốc đông y, có công dụng bổ dương, ích khí, mạnh gân xương. Từ quy trình sản xuất huyết thanh thô đến cao ngựa đều được kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015.

2.Bên cạnh đàn ngựa, ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu thường xuyên có đàn gà siêu trứng sạch Novo White 7.000 con, đàn chuột lang 5.000 con, chuột nhắt 40.000 còn và đàn thỏ New Zealand 1.500 con. Khi đến phân khu chăn nuôi gà Novo White nhập khẩu từ Pháp, Thạc sĩ Minh tâm sự : "Ít ai biết được nguồn trứng thu được từ đàn gà chăn nuôi ở đây là nguồn nguyên liệu sản xuất vắc xin cúm dành cho người. Còn thỏ và chuột ở đây được sử dụng để đánh giá chất lượng vắc xin tiền lâm sàng và thử nghiệm các loại vắc xin do IVAC sản xuất".

Còn nhớ cách đây 12 năm, dịch cúm gia cầm khởi phát tại một số quốc gia và đã lan truyền, đe dọa sinh mệnh con người. Giữa lúc đó, IVAC thực hiện thành công hai đề tài "Nghiên cứu quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bất hoạt dùng cho người bằng kỹ thuật nuôi cấy tế bào trên trứng gà có phôi" năm 2006 và "Ứng dụng quy trình nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin cúm A/H1N1/09".

Thời điểm đó có ba cơ sở trong nước nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bất hoạt dùng cho người. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu trên tế bào thận khỉ tiên phát, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nghiên cứu bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào Vero, IVAC nghiên cứu trên trứng gà có phôi kết hợp sử dụng chủng NIBRG-14 từ Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học Vương quốc Anh (NIBSC).

Đây là đề tài nghiên cứu khoa học Nhà nước được Bộ khoa học - công nghệ và Bộ Y tế phê duyệt tháng 7-2006, nhưng trước đó nhiều tháng, IVAC đã nghiên cứu chủng virus bằng kỹ thuật di truyền ngược.

Hơn một năm miệt mài lao động khoa học, nhóm nghiên cứu của IVAC sản xuất thành công 5.000 liều vắc xin cúm A/H5N1 có tên là IVACFLU-H5N1. Sau những cuộc thử nghiệm từ súc vật đến con người bằng nguồn tài trợ của Cơ quan phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và phúc lợi con người Hoa Kỳ, IVACFLU-A/H5N1 đã được thử nghiệm thành công trên người.

Từ kết quả này, IVAC đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin trên trứng gà có phôi theo tiêu chuẩn WHO-GMP với công suất mỗi năm 1,5 - 3 triệu liều khi phát sinh đại dịch cúm.

Năm 2009, chủng virus cúm A/H1N1 khởi phát khiến cho hàng ngàn người trên thế giới tử vong, Bộ Y tế giao cho IVAC thực hiện đề tài "Ứng dụng quy trình nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc xin cúm đại dịch A/H1N1/09".

Cắt trứng gà Novo White để lấy phôi làm nguyên liệu sản xuất vaccine cúm dành cho người.

Với sự hỗ trợ của WHO, BARDA và PATH - Hoa Kỳ, sau khi nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin cúm A/H5N1, A/H1N1/09, A/H7N9, các nhà khoa học ở IVAC tiếp tục nghiên cứu sản xuất và lần lượt thử nghiệm lâm sàng từ động vật đến con người vắc xin cúm mùa thế hệ hai theo phương thức "3 trong 1" có tên IVACFLU-S ngăn ngừa virus cúm A/H1N1/09, A/H3N2 và B.

Sản phẩm này đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, dung nạp theo đường cơ bắp đáp ứng miễn dịch tốt, phù hợp với khuyến cáo của WHO và đã được Bộ Y tế nghiệm thu vào tháng 5-2018, đây là sản phẩm dự án quốc gia phòng bệnh cho người đến năm 2020.

Đến thời điểm này, quy trình công nghệ sản xuất, thử nghiệm lâm sàng vắc xin cúm IVACFLU-S đã hoàn thiện, IVAC đang lập thủ tục trình Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành, dự kiến đầu năm sau sẽ cung cấp trên thị trường với công suất sản xuất mỗi năm 1-1,5 triệu liều.

Những kết quả đạt được đã là động lực để các nhà khoa họ ở IVAC tập trung nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm mùa thế hệ 3 có khả năng ngừa 4 chủng, đồng thời hợp tác với WHO phát triển sản xuất vắc xin ứng phó các biến thể virus cúm mới có thể gây ra dịch và đại dịch.

Thạc sĩ Minh tâm sự; "Giống gà Novo White 1 ngày tuổi, được nhập khẩu từ Pháp đưa về cơ sở này khảo nghiệm nguồn trứng sạch có phôi để làm nguyên liệu sản xuất vắc xin cúm. Với quy trình nuôi dưỡng và phòng bệnh nghiêm ngặt, đến tuần 18, số lượng gà sống đạt 95,4%, trọng lượng trung bình mỗi con 1.260 gam, tỷ lệ đẻ trứng đỉnh điểm ở tuần thứ 33 đạt 95,28%. Từ kết quả này, giống gà Novo White được phép đưa vào Việt Nam chăn nuôi".

Theo PGS.TS Lê Văn Bé - Viện trưởng IVAC, để có được sản phẩm vắc xin cúm từ trứng gà sạch có phôi, các nhà khoa học phải đối mặt nhiều khó khăn thử thách trong cuộc chiến đấu thầm lặng chống dịch cúm trên người. Đến nay, dây chuyền sản xuất thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp II, được kiểm soát chặt chẽ điều kiện vi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người vận hành và môi trường xung quanh.

Mặc dù chủng virus sử dụng sản xuất vắc xin cúm đã được khống chế độc lực sau khi phân lập từ bệnh phẩm, không còn nguy hiểm như chủng dịch cúm, nhưng vấn đề an toàn vẫn phải chú trọng, nếu để chủng virus phát tán, có cơ hội phục hồi và kết hợp với một chủng virus hoang dại thì hậu quả khó lường, vì thế quy trình nghiên cứu, thử nghiệm luôn được khép kín và giám sát chặt chẽ.

Rời Trại Chăn nuôi Suối Dầu, tôi chợt nghĩ, mặc dù tuổi thọ của những con vật ở đó ngắn hơn đồng loại đang được nuôi dưỡng bên ngoài, thế nhưng sự cống hiến thầm lặng giàu ý nghĩa của chúng đã góp phần phòng ngừa dịch bệnh và cứu cánh sinh mệnh của con người.

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/chuyen-nuoi-suc-vat-de-cuu-nguoi-498239/