Chuyện nông dân cầm cố vườn điều vẫn 'nóng' ở Bình Phước

Tình trạng bán điều non, cầm cố đất… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về kinh tế - xã hội.

Từ năm 2010 đến nay, mặc dù UBND tỉnh Bình Phước đã có nhiều chỉ thị về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm trước đây, từ 3ha vườn điều, mỗi vụ gia đình ông Điểu Srô (sinh năm 1950) ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có nguồn thu nhập khoảng 180 - 200 triệu đồng. Thế nhưng, từ năm 2018, do thiếu tiền làm nhà và chi tiêu sinh hoạt nên gia đình ông vay bên ngoài 300 triệu đồng. Lâu ngày không có khả năng chi trả, ông Srô buộc phải giao vườn để chủ nợ thu hoạch trừ dần trong vòng 5 năm. 3ha điều cầm 300 triệu đồng trong 5 năm, tương đương 20 triệu đồng/ha/năm bất kể giá điều năm sau tăng hay giảm thì giá trị cầm cố vườn thấp hơn rất nhiều so với nguồn thu thực tế. Từ chủ vườn, nay thì gia đình ông Điểu Srô lại phải đi lượm điều thuê để trang trải cuộc sống.

Điều liên tục mất mùa trong nhiều năm liền khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nợ nần

Điều liên tục mất mùa trong nhiều năm liền khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nợ nần

“Nợ tổng cộng 300 triệu, ở đây thầu (cầm) một năm người ta không chịu, 2 - 3 năm người ta mới chịu. Tại họ còn đầu tư phân bón vào vườn nên một năm họ sợ không đủ khả năng thu lại vốn”, ông Điểu Srô ngậm ngùi nói.

Tương tự, gia đình bà Thị Thúy (sinh năm 1957) ở cùng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập cũng vì khó khăn, cần tiền chữa bệnh cho đứa con trai bị viêm tủy cột sống, nên buộc phải bán 3ha vườn điều với giá 200 triệu đồng trong vòng 8 năm. Nay đứa con trai ấy đã mất, đất vườn cũng chưa đến hạn lấy lại, nợ nần vẫn còn đó. Trong căn nhà nhỏ hẹp, được dựng bằng những tấm gỗ ghép lại với nhau đã xuống cấp, hàng ngày 2 vợ chồng bà cùng 2 đứa con chỉ loanh quanh ở nhà, ai thuê gì làm nấy để sống qua ngày. Đến thời điểm này, gia đình bà vẫn còn khoản nợ 170 triệu đồng (chưa tính lãi) tháng 4 này đã đến kỳ phải trả.

“Con bị bệnh tôi vay ngân hàng 170 triệu, không có tiền trả, tôi cầm vườn 3 mẫu được 200 triệu, trả nợ ngân hàng. Rồi lại thế chấp sổ đỏ mượn tiếp, còn 170 triệu thì cầm cự đến giờ. Tháng 4 này trả nợ rồi, không biết vay mượn ai được không nữa”, bà Thị Thúy nói.

3 hecta điều đã cầm cố, không việc làm ông Điểu Srô chỉ lui tới mảnh vườn còn lại phía sau nhà.

Chỉ tính riêng xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã có hơn 300 hộ đồng bào dân tộc M’nông, S’Tiêng cầm cố, thầu khoán, sang nhượng đất vườn. Hộ ít thì vài ngàn m2 đất, nhiều thì vài hecta, với thời hạn cầm cố phổ biến từ 3 - 10 năm. Cá biệt có hộ cầm cố lên đến 15 năm.

Mặc dù thời gian qua, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong công tác rà soát, tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức về hậu quả của việc bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất vườn và vay nặng lãi, nhằm ngăn chặn tình trạng trên, song kết quả vẫn không mấy khả quan. Theo báo cáo của xã Bù Gia Mập, năm 2019 đã có hơn 250 hộ cầm cố, sang nhượng và bán đất vườn và hơn 100 hộ bán điều non hoặc vay tiền lãi suất cao với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng...

Bà Thị Thúy buồn rầu khi chia sẻ 3ha đất vườn đã cầm mà nợ vẫn còn.

Ông Điểu Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết, tình trạng này phức tạp từ nhiều năm nay, phần lớn người dân tự giao dịch bằng giấy tờ viết tay không qua chứng nhận của chính quyền địa phương nên rất khó kiểm soát. Khi phát sinh tranh chấp thì người dân mới nhờ đến chính quyền can thiệp.

“So với các năm trước thì năm nay tình trạng này tăng hơn. Có rất nhiều nguyên nhân như: trả nợ ngân hàng, đau ốm, bệnh tật trong gia đình, đám cưới đám hỏi cho con cháu. Ngoài ra giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, mùa màng mất mùa liên tục cũng là nguyên nhân”, ông Điểu Thuận cho biết thêm.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, năm 2019 qua rà soát toàn tỉnh có 606 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non với diện tích trên 1.000ha. Cầm cố, thế chấp đất có nguồn gốc khai phá 2 - 3 năm là 243 hộ, với diện tích trên 335ha; có 162 hộ vay 31 tỷ đồng tiền lãi suất cao trên 30%/năm…

Thực tế, các đối tượng thường lợi dụng sự cả tin, nghèo khó và thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để xúi giục cầm cố đất, bán điều non. Trong khi đó, lúc có tiền, phần lớn các hộ không biết tính toán làm ăn mà chủ yếu tiêu xài nên khi mất đất, họ càng nghèo hơn. Chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp căn cơ giúp đồng bào, bởi hệ lụy từ vấn đề này chắc chắn là lực cản rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-nong-dan-cam-co-vuon-dieu-van-nong-o-binh-phuoc-1023934.vov