Chuyển nhượng đất nông nghiệp phải bảo đảm sử dụng đúng mục đích

Hiện nay, những quy định về hạn điền và một số cơ chế, chính sách chưa hợp lý gây ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN). Muốn thu hút thêm doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực NN cần có các cơ chế, chính sách hợp lý hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, đặc biệt là về việc sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về việc sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (Nghị định 210)về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN và nông thôn?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Lần sửa đổi nghị định này có nhiều khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, như: Tăng mức hỗ trợ cho DN, giảm điều kiện để nhận ưu đãi. Ví dụ, một nhà máy chế biến sản xuất cà phê có công suất từ 2.000 tấn/năm trở lên có thể sẽ được hỗ trợ. Đối với sản phẩm có lợi thế quốc gia (kim ngạch xuất khẩu hằng năm từ 1 tỷ USD) sẽ được hỗ trợ mạnh hơn, để khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất, chế biến những sản phẩm này. Rồi việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất NN, hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm NN cũng sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra còn giảm phí, giảm thuế cho DN đầu tư sản xuất NN.

Bà Nguyễn Thị Hồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng.

PV: Chúng ta không thiếu các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN, thế nhưng việc triển khai thực hiện lại gặp không ít khó khăn, bất cập. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Nguyên nhân chủ quan là do nguồn lực để thực hiện chính sách chưa thể đáp ứng như kỳ vọng của chúng ta. Nói chính sách không đi vào thực tế cuộc sống là chưa đúng. Thế nhưng địa phương nào quan tâm, muốn thu hút DN, có nguồn lực để hỗ trợ cho DN đầu tư vào NN thì kết quả thu hút sẽ tốt hơn. Theo Nghị định 210, mức hỗ trợ từ 2 tỷ đồng trở lên trên một dự án do ngân sách Trung ương thực hiện, còn lại đối với các dự án được hưởng mức hỗ trợ dưới 2 tỷ đồng do ngân sách địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta có những chính sách khác như: Giảm thuế sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

PV: Một trong những nút thắt lớn nhất trong tái cơ cấu ngành và xây dựng nền sản xuất NN quy mô lớn là vấn đề đất đai. Vậy cụ thể vướng mắc, khó khăn về vấn đề này hiện nay như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Hiện nay, các chính sách về đất đai còn một số bất cập như vướng mắc về hạn điền, quy định hiện nay chỉ cho phép một hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 3ha đất trồng cây hằng năm, 2ha đối với mỗi loại đất khác. Hay quy định là người nhận chuyển nhượng phải làm NN, phải có hộ khẩu trên địa bàn. Quy định này gây khó khăn cho người muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NN, nhất là theo quy mô lớn. Theo tôi, chúng ta không nên giới hạn đối tượng nhận chuyển nhượng. Chúng ta chỉ cần làm sao bảo đảm đất khi chuyển nhượng phải được sử dụng đúng mục đích là sản xuất NN.

Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa thì chỉ cho phép chuyển đổi 20% diện tích đất lúa sang diện tích đất cây trồng hằng năm, hoặc đất nuôi trồng thủy sản. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai giúp tháo gỡ được vấn đề này và cho phép chuyển đổi sang cây trồng hằng năm, cây lâu năm, riêng nuôi trồng thủy sản thì vẫn còn vướng. Đặc biệt đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng, một số diện tích đất sẽ bị ngập thì việc chuyển từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản sẽ tốt hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi đề nghị những diện tích trồng lúa kém hiệu quả thì nên cho phép chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản.

Tập đoàn TH thuê đất của nông dân để thực hiện dự án trồng rau quả hữu cơ và dược liệu với tổng số vốn khoảng 3.000 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: NGUYỄN KIỂM.

PV: Hiện một số DN đã thuê đất của nông dân để đầu tư sản xuất NN quy mô lớn, hoặc nông dân góp đất vào cùng DN sản xuất nông sản. Bà nghĩ sao về kiểu "tích tụ đất đai mềm” này?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Đây là hình thức tích tụ đất đai mà chúng tôi mong muốn nhất. Nông dân cho DN thuê hoặc góp đất cùng DN liên kết sản xuất, trong đó DN vẫn có vai trò trung tâm trong tổ chức sản xuất quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Quyền sử dụng đất vẫn là của nông dân. Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 210, chúng tôi cũng đã đề xuất những DN có hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi thì được ưu tiên xem xét ưu đãi.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có đề xuất nghiên cứu thành lập ngân hàng đất NN hoặc quỹ đất NN cho thuê. Nguồn đất từ các hộ nông dân chưa có nhu cầu sản xuất NN đang để hoang, có thể được cho phép góp vào ngân hàng đất hoặc quỹ đất này, quyền sử dụng đất vẫn của nông dân. Từ ngân hàng hay quỹ đất này sẽ có nguồn đất để cho DN thuê để đầu tư sản xuất quy mô lớn. Nếu thành lập được quỹ đất này sẽ góp phần giải quyết tình trạng bỏ hoang đất đai ở một số địa phương hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

NGHINH XUÂN(thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-nhuong-dat-nong-nghiep-phai-bao-dam-su-dung-dung-muc-dich-526554