Chuyển nhượng 'chui' đất TPHCM: Vì sao đàm phán thất bại?

Ở đây việc công ty Tân Thuận phải bồi thường thiệt hại trả lãi khoản tiền Quốc Cường Gia Lai đã chi trả là đúng, nhưng phải theo hợp đồng.

Những khoản tiền thiếu minh bạch

Chiều 26/4, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) để đàm phán về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè).

Theo thông tin từ đại diện QCG, tại buổi đàm phán, doanh nghiệp này đồng ý trả lại khu đất cho Công ty Tân Thuận và hủy hợp đồng chuyển nhượng, tuy nhiên cũng yêu cầu bên bán phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách trả lãi, bù đắp trượt giá đối với khoản tiền mà hai bên đã giao dịch trước đây vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Với các điều kiện phía QCG đưa ra, Công ty Tân Thuận cho rằng chưa thể quyết định và cần phải báo cáo với chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy để có hướng giải quyết tiếp theo.

Theo hợp đồng mua bán trước đó, với các đợt thanh toán, tính tới thời điểm tháng 8/2017, QCG đã trả gần 400 tỷ đồng cho hợp đồng chuyển nhượng khu đất 32,2 ha.

Khu đất hơn 30ha tại khu dân cư Phước Kiển được bán cho Quốc Cường Gia Lai

Về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết: "Việc chuyển nhượng khu đất này bị hủy hợp đồng dưới áp lực của công luận, nhất là khi Thành ủy TPHCM khẳng định không hề được xin ý kiến thông qua.

Hơn nữa, việc đàm phán thất bại có lẽ không chỉ ở việc các khoản bồi thường chưa có phương án mà còn có nhiều khoản tiền khác thiếu minh bạch mà không dám công khai.

Bởi vì theo nguyên tắc đất công phải bán đấu giá, chứ không thể thương lượng, bán chỉ định cho một công ty, chỉ đấu giá mới biết được giá trị thực sự của miếng đất đó là bao nhiêu theo cơ chế thị trường, thông qua sự cạnh tranh. Riêng với khu đất Phước Kiển tất cả các việc làm trên đều chưa làm được".

Cũng theo ông Liêm, ở đây việc hủy bỏ hợp đồng không phải ý muốn của bên bán, cũng không phải ý muốn bên mua mà tức là không phải do việc không thực hiện hợp đồng kinh tế mà do sai quy định, xã hội không đồng tình.

Riêng về khoản chi phí bồi thường thiệt hại, ông Liêm chỉ rõ: "Khoản tiền vài trăm tỷ đồng công ty Tân Thuận lấy được từ phía Quốc Cường Gia Lai chắc chắn cũng được gửi Ngân hàng hoặc đầu tư vào đâu đó, mà nếu đầu tư hay gửi thì đều có chi phí lãi sinh ra.

Cho nên, nếu có phải trả lại cho Quốc Cường Gia Lai thì cũng không cần mất chi phí ngân sách mà lấy luôn khoản tiền lãi đó kèm tiền gốc là được".

Chỉ lo ngại giữa hai bên có những chi phí không nói ra được nên phải dùng danh nghĩa trả lãi, trượt giá để nói tránh. Mà nếu đúng như vậy thì cần làm sáng tỏ, các cơ quan chính quyền phải vào cuộc.

"Phương án xử lý tốt nhất hiện nay là phải bồi thường thiệt hại cho bên mua nhưng phải theo điều kiện trong hợp đồng", ông Liêm khẳng định.

Chỉ cần trả lãi không phải trả tiền trượt giá

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng trong trường hợp này, dù bà Loan nói kiện ra tòa nhưng cuối cùng phải chịu thanh lý hợp đồng và đương nhiên họ được quyền đòi hỏi nhận tiền bồi thường. Đây là việc làm có cơ sở, nhưng để xử lý thì phải xem pháp luật Việt Nam có đủ sức mạnh để xử lý các trường hợp trên.

"Thông thường trong hợp đồng luôn có một câu quy định là nếu vì lý do gì mà chính quyền, pháp luật không đồng ý thì người mua sẽ phải bắt người bán trả tiền lại và trả thêm lãi suất Ngân hàng, ít khi nào ràng buộc phải bồi thường theo cơ hội, chi phí đầu tư.

Nếu như bên QCGL đã xin một số thủ tục quy hoạch, các loại giấy phép, thuê KTS làm quy hoạch, thuê người cắm đất đo đạc...thì có thể tính vào một số chi phí bồi thường.

Vấn đề đặt ra ở đây đã trả lãi theo ngân hàng là trượt giá rồi thì không có chuyện tính đồng tiền trượt giá, tức chỉ được một lần.

Bình thường trong hợp đồng mua bán đất đai có câu vì lý do gì mà hợp đồng này không thực hiện được, do chính quyền hay do đâu, bên bán sẽ trả tiền lại cho bên mua kèm theo lãi suất ngân hàng theo quy định chứ không tính trượt giá.

Thường công ty Tân Thuận phải chịu số tiền bồi thường, vì họ lấy mấy trăm tỷ đồng thì họ đầu tư có thể sinh lãi nên họ có trách nhiệm phải trả lãi", ông Đực nhận định.

Trong một diễn biến liên quan, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT QCG cho biết doanh nghiệp mua dự án này, khẳng định đã tìm hiểu kỹ và mua với giá thị trường.

Tuy nhiên, bà Loan cũng nhấn mạnh nếu thành phố muốn thu hồi doanh nghiệp sẽ giao lại và bên bán phải có thỏa thuận đền bù hợp lý.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chuyen-nhuong-chui-dat-tphcm-vi-sao-dam-phan-that-bai-3357177/