Chuyện những sĩ quan lái môtô hộ tống bảo vệ yếu nhân

Môtô hộ tống là phương tiện để tiếp đón, dẫn các đoàn lãnh đạo cấp cao của các quốc gia, được các nước trên thế giới sử dụng.

Tại Việt Nam, nhiệm vụ đó do Trung đội mô tô hộ tống thuộc Đại đội 3, Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thực hiện. Từ khi thành lập đến nay, Đội môtô hộ tống luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lá chắn tin cậy bảo vệ an toàn tuyệt đối cho yếu nhân các nước công du đến Việt Nam.

Khổ luyện thành tài

Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi, Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ hiện là người “anh cả” của những sĩ quan tham gia Đội môtô hộ tống.

34 năm công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, đồng thời là người thầy trực tiếp tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện các sĩ quan trong Đội môtô hộ tống, Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi cho biết, anh vinh dự được sử dụng tới 4 “đời” xe môtô đặc chủng.

Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi kể, năm 1988, anh là một trong số 20 sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được tuyển chọn để huấn luyện, đào tạo lái môtô hộ tống. Lúc đó, đội môtô hộ tống sử dụng xe môtô của Nga, loại 250cc, trọng lượng 250kg.

Năm 1989, dàn môtô hộ tống được thay bằng xe Honda 650cc của Nhật Bản, trọng lượng 450kg. Đến năm 2005, Đội môtô hộ tống được trang bị xe môtô BMW của Đức, loại 1.150cc, trọng lượng 550kg. Từ 2017 đến nay, dàn môtô hộ tống sử dụng xe Yamaha FJR1300P 1.300cc, trọng lượng 470kg.

“Điểm danh” các đời môtô hộ tống với thông tin cụ thể về trọng lượng chiếc xe như vậy để thấy rằng, người lái xe phải có những tiêu chuẩn riêng, trước hết về mặt thể hình, sức khỏe mới có thể điều khiển được những chú “ngựa sắt” nặng gần nửa tấn được thiết kế riêng cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.

Trung tá Thái Bình An, Đại đội phó Đại đội 3 cho biết, ngoài tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, người lái môtô hộ tống yêu cầu phải có chiều cao trên 1m75, sức khỏe, thể hình tốt, quân dung sáng sủa, có năng khiếu lái môtô…

Đây là những tiêu chuẩn cơ bản khi tuyển chọn các sĩ quan Công an để tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện lái xe môtô hộ tống. Từ những học viên này, trải qua khóa huấn luyện đầy thử thách mới chọn ra được những tay lái cứng nhất tham gia vào Đội môtô hộ tống.

Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi chia sẻ kinh nghiệm, trong các đời xe môtô hộ tống, xe BMW “xịn” nhất nhưng việc bảo quản, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn. Do xe thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu nên khi về Việt Nam, gặp thời tiết nồm ẩm, xe hay xảy ra các sự cố chập vi mạch điện tử, có hôm đang nửa đêm tự nhiên xe hú còi ầm ĩ. Vì vậy, để đảm bảo kỹ thuật, luôn luôn phải bật điều hòa quanh năm trong kho để xe.

Mùa hè, người có thể không có điều hòa nhưng xe thì nhất định phải có. So với các loại xe trước, dàn xe môtô Yamaha FJR1300P hiện nay được đánh giá là tiện lợi hơn với thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn châu Á. Đây là loại xe môtô đặc chủng hiện đại được lực lượng cảnh sát nhiều nước sử dụng như Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch.

Đội mô tô hộ tống làm nhiệm vụ hộ tống Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội (năm 2019).

Đội mô tô hộ tống làm nhiệm vụ hộ tống Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội (năm 2019).

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, tưởng như công việc của những sĩ quan cảnh vệ lái môtô hộ tống có vẻ “nhàn hạ”, thậm chí nhiều người ước ao vì được mặc những bộ lễ phục đẹp, lái môtô khủng đi theo đội hình bảo vệ mục tiêu trong đoàn ngoại giao. Đúng là rất vinh dự và tự hào nhưng tìm hiểu sâu mới biết, để đào tạo, huấn luyện được một sĩ quan cảnh vệ lái môtô hộ tống là cả quá trình “khổ luyện thành tài”.

Trung tá, Đại đội phó Thái Bình An chia sẻ: Môtô hộ tống là loại xe chuyên dụng đặc biệt nên không phải ai cũng điều khiển được, chưa nói đến việc lái mô tô hộ tống yếu nhân cũng là một công việc đặc biệt. Bài học đầu tiên của sĩ quan lái môtô hộ tống không phải ngồi lên xe mà là dắt xe, dựng xe, hạ xe an toàn, tập vào số “nguội”, số “nóng”.

Để dắt được chiếc xe có trọng lượng lên tới nửa tấn như vậy không phải đơn giản. Chỉ sơ sảy đổ xe là tai nạn như chơi. Sau khi thành thạo các động tác này mới được ngồi lên xe. Từ động tác lên xe đến tư thế ngồi cũng phải tập luyện sao cho đẹp và thống nhất đội hình, dừng xe cũng phải thẳng hàng đúng điều lệnh, đều và đẹp, đảm bảo đúng nghi lễ.

Ngoài ra, CBCS lái môtô hộ tống còn được giáo viên và chuyên gia huấn luyện kỹ thuật phanh khẩn cấp, phanh phản xạ, giữ thăng bằng, lái xe trong đội hình tổng hợp và xử lý tình huống giao thông nguy hiểm, bất ngờ.

Khoảng 1-2 năm khổ luyện như vậy và thi lấy bằng A2 mới chọn được những tay lái xuất sắc nhất vào đội hình chính môtô hộ tống. Lúc đó mới chính thức được giao biên chế sử dụng xe, nghĩa là xe của ai thì người đó sẽ chịu trách nhiệm “chăm sóc”, bảo dưỡng thường xuyên chiếc xe của mình sử dụng để đảm bảo kỹ thuật cho xe khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống.

Vì vậy ngoài lái xe giỏi thì các sĩ quan lái môtô hộ tống phải kiêm luôn thợ sửa xe để có thể tự bảo dưỡng, sửa chữa những lỗi cơ bản, làm sao để chỉ cần nghe tiếng máy nổ cũng đoán ra bệnh của xe.

Trong lịch công tác hàng tuần của sĩ quan lái môtô hộ tống, có 2 ngày là dành cho việc bảo dưỡng xe, còn lau chùi, vệ sinh xe là việc phải làm hàng ngày để đảm bảo an toàn trong đào tạo, huấn luyện, đảm bảo về số lượng và chất lượng xe trong công tác cảnh vệ, hộ tống.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống

Lái xe môtô hộ tống bảo vệ yếu nhân khó nhất là ở vị trí chỉ huy số 1 dẫn đầu đoàn xe. Ở vị trí này, đòi hỏi người chỉ huy ngoài điều khiển cả đội hình về tốc độ, phải có khả năng quan sát tốt, dự đoán và xử lý tốt các tình huống trên quãng đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ.

Người chỉ huy phải chịu trách nhiệm toàn bộ đội hình trong suốt thời gian từ khi xuất xe đến khi xe về kho an toàn. Do đó, đảm đương vị trí này luôn là những người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm như Trung tá, Đại đội trưởng Nguyễn Sỹ Nghi; Trung tá, Đại đội phó Thái Bình An và Trần Đức Trung.

Trung tá Thái Bình An chia sẻ, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, trong suốt quãng đường hộ tống, đòi hỏi người chỉ huy phải linh hoạt để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tham gia giao thông.

Như qua các ngã ba, ngã tư, mặc dù đã có lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa bàn nhưng người chỉ huy vẫn phải quan sát rộng để phát đoán và phát hiện sớm những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Trung tá Thái Bình An nhớ lại cách đây ít năm, trong lần tham gia hộ tống đoàn ngoại giao một nước châu Phi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, lịch trình đường đi qua cầu Chương Dương. Hai bên làn đường đã được lực lượng làm nhiệm vụ tại chỗ tạm dừng tất cả các phương tiện.

Khi đoàn xe di chuyển tới gần ngã ba, từ xa, Trung tá Thái Bình An phát hiện một người đàn ông đi xe máy từ làn đường phía bên kia bất ngờ điều khiển xe theo hướng vòng sang làn đường mà đoàn xe ngoại giao chuẩn bị đi tới. Có lẽ thấy đường vắng nên người đàn ông này đã “tranh thủ” rẽ sang.

Rất nhanh, Trung tá Thái Bình An tăng tốc vượt lên, ép xe của người đàn ông vô ý thức kia, không để ông ta đi sang làn đường bên này, sau đó nhanh chóng trở lại vị trí chỉ huy của đoàn môtô hộ tống, không làm ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển.

Công việc xử lý người vi phạm sẽ do lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm tiếp theo. Những tình huống đột xuất như vậy rất hiếm khi xảy ra nhưng đã thể hiện sự thông minh, bản lĩnh, khả năng phán đoán tình huống chính xác, hành động quyết đoán và tinh nhuệ của sĩ quan Cảnh vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn

Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi cho biết, anh vinh dự được làm nhiệm vụ môtô hộ tống nhiều nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam, trong đó 2 lần tham gia bảo vệ Chủ tịch Cuba Fidel Castro, bảo vệ các tổng thống Nga, Mỹ sang thăm Việt Nam.

Kỷ lục về quãng đường mà đoàn môtô hộ tống nguyên thủ đã tham gia bảo vệ là chuyến đón đoàn Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam với yêu cầu an ninh đặt ra cực cao.

Ngoài lịch trình đón tiếp ngoại giao, Đoàn của Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn có lịch đi Vĩnh Phúc tìm hài cốt phi công Mỹ với quãng đường cần hộ tống, bảo vệ khoảng 70km xuất phát từ Hà Nội. Vào thời điểm trên, điều kiện đường sá đi lại còn khó khăn, hơn nữa địa điểm phát hiện hài cốt phải đi qua đường làng nhỏ hẹp, khó đi, người dân lại hiếu kỳ…

Trước khi đoàn sang, các sĩ quan trong đội môtô hộ tống đã phải khảo sát, tập dượt trên tuyến đường trong nhiều ngày, lên phương án bảo vệ tỉ mỉ, chi tiết để thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ song hành: vừa đảm bảo an ninh an toàn, vừa đảm bảo các nghi lễ ngoại giao. Tất cả mọi việc đã diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp.

Lần đầu tiên sang Việt Nam, lại mang theo lực lượng an ninh hùng hậu cùng các phương tiện tối tân nhưng phía Mỹ đã hoàn toàn yên tâm trước sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối của nước chủ nhà Việt Nam, trong đó có đóng góp rất quan trọng của lực lượng Cảnh vệ.

Hương Vũ - Phong Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/candtet_t22_-chuyen-nhung-si-quan-lai-moto-ho-tong-bao-ve-yeu-nhan-629272/