Chuyện những phóng viên 'lên tầng cao, xuống lò sâu'

'Lên tầng cao, xuống lò sâu', những phóng viên gắn bó với vùng than, với người thợ mỏ tại Quảng Ninh luôn có những câu chuyện tác nghiệp rất đặc biệt.

Trong đường lò hun hút ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, phóng viên Hoàng Yến say mê tác nghiệp như không biết đến cái nóng hầm hập và cảm giác ngột ngạt, khó thở. Sinh ra trên đất mỏ Quảng Ninh, chị sẵn có tình yêu, sự trân trọng dành cho vùng than và những người công nhân mỏ.

Phóng viên Hoàng Yến trong một lần tác nghiệp dưới hầm lò.

Phóng viên Hoàng Yến trong một lần tác nghiệp dưới hầm lò.

Khi nhận công tác tại phòng Chuyên đề của Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Hoàng Yến đã chọn lĩnh vực Công nghiệp mỏ để có thể mang đến cho khán giả truyền hình những phóng sự về nghề khai thác than, cái nghề được gọi vui là "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ".

“Tôi không nhớ nổi là mình đã đi lò bao nhiêu lần, nhưng mỗi chuyến đi đều mang lại những cảm xúc khác nhau. Nếu như lần đầu tiên xuống lò ở độ sâu -150m so với mực nước biển tôi nhớ cảm giác rất sợ, khác hẳn không khí thoáng đãng trên mặt đất, tiếng ồn khủng khiếp và ánh sáng yếu khiến tim cũng đập nhanh hơn. Nhưng sau chuyến đi ấy những gì tôi thu được lại quá lớn lao, là những hình ảnh chân thực nhất về một ca lao động sản xuất”, chị Hoàng Yến chia sẻ.

Hoàng Yến mê đi lò, đi nhiều đến mức đồng nghiệp gọi chị là "nữ phóng viên chui lò nhiều nhất Việt Nam". Mỗi tuần 1 chương trình lên sóng, phản ánh từ thực tế sản xuất tại các mỏ than cho đến đời sống thường nhật của người thợ.

Với khán giả, đây là một món ăn tinh thần thú vị khi được chứng kiến một công việc đặc thù, thấy được sự phát triển của ngành than nay không còn chỉ gắn với độc hại, khắc nghiệt. Với công nhân mỏ, họ trân trọng khi thấy công việc của mình được thấu hiểu hơn, thấy tiếng nói, nguyện vọng của mình đến gần hơn với các cấp ngành chức năng.

Phóng sự về nghề khai thác than của Hoàng Yến đầy chân thực và sinh động. Thế nhưng, những hình ảnh, câu chuyện ấy không dễ dàng mà có được. Phóng viên quay phim Hồng Thắng, người thường xuyên đồng hành trong ê-kip với Hoàng Yến kể: việc tác nghiệp trong hầm lò hoàn toàn khác biệt. Sức khỏe, kinh nghiệm, bản lĩnh... không phải phóng viên nào cũng có thể đáp ứng.

Hơn 20 năm gắn bó với "tầng cao, lò sâu", anh nhớ nhất những ngày còn sử dụng máy quay thế hệ cũ, to và nặng gần chục kg. Vác máy đi bộ đã khó, ôm máy gập người chui qua lò chợ dốc đứng còn khó hơn, không ít lần trượt ngã tím vai, u đầu. Điều kiện tác nghiệp dưới hầm lò cũng rất bất lợi do độ ẩm cao, thiếu ánh sáng và không gian chật hẹp. Những năm gần đây, nhờ tiến bộ của công nghệ mỏ, nhiều hệ thống cơ giới tự động được áp dụng nên việc tác nghiệp dưới hầm lò cũng đỡ vất vả hơn.

“Bây giờ tất cả mọi điều kiện đã rất tốt, kể cả về kinh nghiệm, trình độ, thiết bị và phương tiện vận tải để phóng viên đi tác nghiệp cũng tốt hơn, đỡ vất vả hơn. Chúng tôi đi tác nghiệp cũng rất yên tâm, khi vào đến hầm lò cũng như đi trên mặt bằng. Mỗi một đường lò đều để lại cho tôi những kỷ niệm khác nhau, vì mỗi đơn vị, một tổ sản xuất đều mang dáng dấp khác nhau, hay ở điều đó”, anh Hồng Thắng cho biết.

Vui khi đời sống của công nhân mỏ ngày một tốt hơn, đồng cảm với những tâm sự riêng tư của mỗi người; cùng vỡ òa xúc động trong khoảnh khắc những người thợ được cứu sống tại một tai nạn 15 năm trước... Thấu hiểu người thợ chính là cách để các phóng viên như chị Hoàng Yến hay anh Hồng Thắng nhận được sự chia sẻ cởi mở và thân tình từ phía họ.

Không chỉ qua các phóng viên báo chí, hình ảnh người thợ vùng than đến với công chúng rộng rãi hơn còn nhờ chính những công nhân mỏ, những cây bút, tay máy không chuyên như anh Phạm Cường, hiện đang công tác tại Văn phòng Công ty CP Than Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Là người viết không chuyên, anh Phạm Cường luôn trăn trở làm sao để đưa hình ảnh người thợ đến với người xem chân thực, sống động nhất.

Được truyền đam mê từ người cha là nghệ sĩ nhiếp ảnh, Phạm Cường đã sớm "bén duyên" với truyền thông dù không theo học chuyên sâu từ đầu. Đa năng quay phim, chụp ảnh, viết tin bài, những tác phẩm báo chí của anh không chỉ phục vụ tuyên truyền nội bộ cho đơn vị mà còn cộng tác cho các cơ quan truyền thông địa phương, trung ương. Đặc biệt, các tác phẩm ấn tượng về người thợ mỏ của tác giả Phạm Cường liên tục tham gia triển lãm, đoạt giải thưởng nhiếp ảnh khu vực và toàn quốc.

“Tôi thực sự khao khát muốn tái hiện chân dung của những người thợ mỏ theo cách riêng của mình, đó là chớp được những bối cảnh thực tế diễn ra tự nhiên khi lọt vào ống kính của mình thay vì sự sắp đặt. Hạnh phúc nhất là khi thấy những chiếc áo đẫm mồ hôi khi người thợ mỏ tan ca nhưng họ luôn toát lên niềm tin và nụ cười trên môi”, anh Cường hồ hởi.

"Thợ mỏ vào ca cũng là chiến sĩ", những bài viết, hình ảnh thước phim được công chúng đón nhận chính là món quà giá trị nhất dành cho những phóng viên, nhà báo đã dấn thân vào lĩnh vực đặc biệt này.

Như phóng viên Hoàng Yến chia sẻ, chị sẽ luôn gắn bó với đề tài về ngành than. Bởi đó không chỉ đơn thuần là phản ánh, ghi nhận về một ngành nghề, đó còn là những câu chuyện sâu sắc, cảm động và vinh quang của những con người giản dị, đã và đang từng ngày đóng góp dựng xây quê hương đất mỏ./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-nhung-phong-vien-len-tang-cao-xuong-lo-sau-867313.vov