Chuyện những người 'trông' trời

Cách đây 50 năm, vào năm 1970, qua tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã ca ngợi những con người đang thầm lặng ngày đêm cống hiến cho quê hương, đất nước, trong đó có nhân vật anh thanh niên làm nghề 'đo gió đo mưa' ở trạm khí tượng thủy văn Sa Pa. Và nay, những người làm công việc quan trắc thời tiết vẫn đang tiếp tục hằng ngày vượt qua bao khó khăn vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cách đây 50 năm, vào năm 1970, qua tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã ca ngợi những con người đang thầm lặng ngày đêm cống hiến cho quê hương, đất nước, trong đó có nhân vật anh thanh niên làm nghề “đo gió đo mưa” ở trạm khí tượng thủy văn Sa Pa. Và nay, những người làm công việc quan trắc thời tiết vẫn đang tiếp tục hằng ngày vượt qua bao khó khăn vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Dù có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng không phải ai cũng biết đến sự cống hiến thầm lặng của những người làm nghề “trông nắng, trông mưa”.

Trạm khí tượng Láng - Hà Nội là nơi làm việc của ba người phụ nữ Vũ Thị May, Lê Thị Hà và Nguyễn Lan Hương.

Công việc hằng ngày của các chị là ghi chép số liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, đánh giá số liệu thời tiết đã qua, dự đoán thời tiết sắp tới,...

Trạm khí tượng Láng thực hiện quan trắc, ghi, đo các thông số thời tiết theo 4 ốp ứng với các khung 1-7-13 và 19 giờ hằng ngày, bao gồm cả các ngày lễ, Tết. Mỗi lần đo (1 ốp), quan trắc viên thực hiện trong 15 phút rồi gửi các số liệu về Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Công việc dự báo nhìn qua có vẻ đơn điệu nhưng lại yêu cầu chất lượng, hiệu quả cao. Ngày này qua ngày khác, chỉ đối diện với những con số nên dễ buồn chán, nản lòng. Do vậy, để gắn bó được với nghề, những cán bộ khí tượng phải rất yêu nghề.

Ba người phụ nữ, mỗi người đến với nghề theo mỗi cách rất riêng. Có người đơn giản là chỉ là theo nghiệp gia đình; hay “duyên” hơn là khi còn nhỏ ở cạnh các trạm quan trắc thời tiết, mỗi ngày nhìn thấy quả bóng bay bay lên trời thì thích thú, dần thành quen, rồi tự nhiên quyết tâm đi theo công việc này.

Các thông số sau mỗi lần kiểm tra được quan trắc viên ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác tuyệt đối

Để đo thời gian nắng nóng trong ngày, quan trắc viên sử dụng một thiết bị với nguyên lý vận hành là một thấu kính hội tụ. Sự hấp thụ nhiệt ở thấu kính khiến giản đồ nhiệt bên dưới bốc cháy, dựa vào vệt cháy nhận định được các mốc thời gian liên quan đến nắng trong ngày.

Hoàn thành xong việc ghi số liệu, kiểm tra các loại hình khí tượng như hướng gió, mây, tầm nhìn, nhiệt độ, độ ẩm, quan trắc viên phải làm báo cáo trong sổ nhật trình, nhập số liệu vào phần mềm chuyên dụng trên máy tính gửi về phòng thông tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Ca đêm đến, lúc 1 giờ sáng, quan trắc viên Lê Thị Hà bắt đầu nhiệm vụ của mình. Đã quen với công việc, nên dù phải ra ngoài một mình lúc nửa đêm chị cũng không thấy sợ. Tuy nhiên, vất vả là những ngày có bão, rét đậm, rét hại và khi xuất các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, tất cả nhân viên trong đơn vị đều phải ứng trực, lúc đó tùy theo yêu cầu phải cung cấp số liệu 30 phút hoặc mỗi giờ một lần.

Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, kể cả mưa bão, nắng nóng gay gắt đến thời tiết dị thường, các quan trắc viên vẫn miệt mài thực hiện công việc của mình để mang đến những số liệu chính xác nhất cho công tác dự báo. Những thông tin, số liệu mà các quan trắc viên gửi về góp làm nên bản tin dự báo thời tiết cho người dân, phục vụ xã hội, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đó chính là niềm vui và nguồn động lực to lớn đối với công việc của các chị.

THỦY NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chuyen-nhung-nguoi-trong-troi-624948/